Lịch sử Cải cách Ruộng đất bị giới trẻ hờ hững

Ngày 26/8, BBC Tiếng Việt đăng bài “Cải cách Ruộng đất, lịch sử đẫm máu trong sự hờ hững hiện đại” của tác giả Joaquin Nguyễn Hòa, từ Mỹ.

Tác giả cho biết, chính quyền Việt Nam dù đã thừa nhận sai lầm của Cải cách Ruộng đất, nhưng vẫn che giấu phần lớn sự thật lịch sử. Ở hải ngoại, đang có nhiều nỗ lực để đưa những trang sử bị chôn vùi này đến với các thế hệ công chúng người Việt.

Theo đó, trong 2 ngày 17 và 18/8, tại Bảo tàng Bowers, thành phố Santa Ana, miền Nam California (Mỹ) đã diễn ra hội thảo mang tên: Cải cách Ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam và Di cư 1954, 2 sự kiện thay đổi lịch sử Việt Nam hiện đại”.

Tác giả cũng cho biết, triển lãm và hội thảo này do Bảo tàng Di sản người Việt, Trung tâm Việt Nam Đại học Texas Tech và Trung tâm Việt Mỹ Đại học Oregon, đồng tổ chức.

Người thực hiện phần lớn nội dung cuộc triển lãm và hội thảo này, là Giáo sư Alex – Thái Võ từ Trung tâm Việt Nam, Đại học Texas Tech.

Theo tác giả, điều đặc biệt trong nghiên cứu về cải cách ruộng đất của giáo sư Alex – Thái Võ, là các kết luận được được rút ra từ chính tài liệu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc Việt Nam).

Giáo sư Thái Võ đã phát hiện lá thư của viên cố vấn Trung Quốc La Quý Ba – người cố vấn cho Đảng Lao động Việt Nam về Cải cách Ruộng đất.

Ông cũng có trong tay một bức thư khác, chứng tỏ, Cải cách Ruộng đất cũng được sử dụng để khuyến khích thanh niên nông dân ở miền Bắc đăng lính.

Tác giả cho hay, điều này từng được nhắc tới trong hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Những năm tháng không thể nào quên, trong đó ghi lại sự sung sướng của người bộ đội, đang ở chiến trường, và nghĩ về gia đình mình đang được chia ruộng đất ở hậu phương.

Tác giả dẫn nghiên cứu của Giáo sư Alex – Thái Võ, rằng, số người bị giết trong Cải cách Ruộng đất là hơn 170.000 người, trong đó, có hơn 70% bị “nâng thành phần” lên thành “địa chủ cường hào ác bá”.

Dù chính quyền miền Bắc đã công nhận có nhiều sai lầm trong Cải cách Ruộng đất, nhưng Đảng Cộng sản vẫn cho rằng, việc phát động cải cách ruộng đất là đúng.

Theo ông Thái Võ, việc nhìn nhận sai lầm lúc đó, là để đối phó với tình hình hỗn loạn của khối Cộng sản, vào thời điểm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev cầm quyền, phong trào nổi dậy của công nhân và trí thức tại Ba Lan và Hungary, chiến dịch Trăm hoa đua nở tại Trung Quốc…

Tác giả nhắc đến cuộc triển lãm về Cải cách Ruộng đất, vào tháng 9/2014, do Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam tổ chức.

Cuộc triển lãm dự định kéo dài đến hết năm đó, nhưng chỉ sau 4 ngày mở cửa đã đóng cửa, viện lý do kỹ thuật và không mở cửa trở lại, dù chủ đề Sai lầm chỉ được nói thoáng qua.

Tác giả tiếp tục cho biết, trong các tài liệu được trưng bày tại cuộc triển lãm ở Santa Ana, có cả một số tác phẩm về cải cách ruộng đất do các tác giả trong nước viết và xuất bản trong nước, như tác phẩm Ba người khác của Tô Hoài, các tác phẩm của Tạ Duy Anh, và tác phẩm Gia đình của tác giả trẻ Phan Thúy Hà.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Alex-Thái Võ, giới trẻ trong nước hiểu biết rất sơ sài về Cải cách Ruộng đất, vì không được công khai với dân chúng, và sách giáo khoa chỉ nhắc đến sai lầm này trong vài dòng tối nghĩa.

Tác giả đánh giá, trong vài năm gần đây, các giáo sư Vũ Tường, Alex-Thái Võ, cùng các đồng nghiệp trẻ, là những người Mỹ gốc Việt nghiên cứu về Việt Nam, đã có nhiều cố gắng, liên tục tổ chức các cuộc hội thảo về Việt Nam, Chiến tranh Việt Nam, về Việt Nam Cộng hòa,… nhằm mục đích truyền lại những kiến thức lịch sử ấy cho thế hệ trẻ lớn lên ở Mỹ. Bước đầu đã có một số thành công nhỏ, như đưa được vài chương trình về người Mỹ gốc Việt vào các học khu miền Nam California, xuất bản được một số sách.

Nhưng, tác giả nhận xét, có lẽ khó khăn vẫn còn rất lớn, vì những người Việt lớn lên ở Mỹ có những lo lắng, quan tâm khác về nước Mỹ, chứ không phải Việt Nam, huống hồ gì là lịch sử Việt Nam.

Giáo sư Alex – Thái Võ nói rằng, mục đích của các nhà nghiên cứu khi trình bày lại lịch sử, không phải là để kích động sự hận thù, mà để nhìn rõ lịch sử, như những gì thật sự đã xảy ra.

 

Minh Vũ – thoibao.de