Liệu Tổng Bí thư Tô Lâm có ủng hộ Chánh án Lê Minh Trí, cho “tái thẩm” vụ án Hồ Duy Hải?

Đúng như thoibao.de đã đưa tin, ngày 28/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định, phân công ông Nguyễn Hòa Bình giữ chức vụ Phó Thủ tướng Thường trực. Theo đó, ông Bình sẽ thay mặt Thủ tướng, chỉ đạo thực hiện các công việc của Chính phủ, khi Thủ tướng vắng mặt.

Ông Nguyễn Hòa Bình là một lãnh đạo nhiều tai tiếng. Cái tên Nguyễn Hòa Bình luôn là tâm điểm, là một từ khóa hot trên mạng xã hội. Nhìn chung, dư luận xã hội Việt Nam không “thân thiện” với ông Nguyễn Hòa Bình, vì nhiều lý do khác nhau.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình bị nhiều người chỉ trích, vì hệ thống toà án dưới tay ông đã xét xử quá nhiều án oan sai. Nhưng nguyên nhân khiến ông bị chỉ trích nặng nề nhất, có lẽ là sự vô trách nhiệm của ông, trong phiên Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.

Ông Bình, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, đã thừa nhận, dù quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót. Tuy nhiên, ông lại cho rằng, điều đó “không làm thay đổi bản chất vụ án”, vì vậy đã y án tử hình với Hồ Duy Hải. Kết quả này đã khiến không chỉ gia đình tử tù Hồ Duy Hải, các luật sư tham gia, mà cả người dân theo dõi, đều rất thất vọng.

Sau đó, nhiều tổ chức, cá nhân, và các đại biểu Quốc hội, kể cả lãnh đạo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cũng đã lên tiếng, cho rằng, cần xem xét lại bản án đối với tử tù Hồ Duy Hải.

Với việc thay những vật chứng trực tiếp gây án – là con dao và cái thớt, bị các điều tra viên “sơ ý” tiêu hủy, bằng những đồ vật được mua ở chợ về, mà Chánh án Bình lại cố gắng biện minh là “một số thiếu sót”, thì công luận đã không thể chấp nhận được.

Vậy mà, Chánh án Bình còn khẳng định, điều này “không làm thay đổi bản chất vụ án”, đã khiến nhiều người phẫn nộ.

Chánh án Bình không hề ý thức được các sai phạm nguy hiểm, khi kết án oan sai các bị cáo Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh… Giữa nghị trường, Chánh án Bình vẫn dõng dạc khẳng định: Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội!?

Đó chính là lý do, ngay sau khi ông Nguyễn Hòa Bình trở thành Phó Thủ tướng Thường trực, công luận đã hoài nghi và đặt câu hỏi, tại sao, Tổng Bí thư Tô Lâm lại “ưu ái và thiên vị” với ông cựu Chánh án như vậy?

Sau Đại hội Đảng 13, với hàng loạt các vụ tai tiếng tày đình, nhưng thay vì bị loại bỏ, thì Chánh án Bình lại bất ngờ trở thành Ủy viên Bộ Chính trị.

Ông Nguyễn Hòa Bình đã nhận chức vụ mới trong Chính phủ. Ghế Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao được chuyển giao cho ông Lê Minh Trí. Sự kiện này đã khiến cho những người người quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải có thêm hy vọng.

Một câu hỏi đặt ra là, tân Chánh án Tòa án Tối cao Lê Minh Trí sẽ xử lý ra sao với các vụ án oan Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng? Liệu những vụ án này có được giải quyết hay không?

Công luận cho rằng, đây là phép thử đối với ông Lê Minh Trí, trong cương vị mới.

Theo giới luật gia, trên cương vị Chánh án Tòa án Tối cao, ông Lê Minh Trí có đủ thẩm quyền để kích hoạt, tái thẩm các vụ án oan này, theo Điều 404 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Theo đó, ông Trí có quyền yêu cầu Hội đồng Thẩm phán xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm đã bác kháng nghị trước đây. Với lý do, quyết định trước đây có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoặc phát hiện ra tình tiết quan trọng mới.

Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định cuối cùng sẽ không thuộc về tân Chánh án Lê Minh Trí. Mà người quyết định cuối cùng phải là Tổng Bí thư Tô Lâm.

Công luận cho rằng, nếu ông Tô Lâm ủng hộ quan điểm của ông Lê Minh Trí, về vụ án Hồ Duy Hải, thì chắc chắn sẽ giành được sự thiện cảm của số đông công chúng. Đây là điều cần thiết hàng đầu mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nên làm.

 

Trà My – Thoibao.de