Chuyện lãnh đạo Việt Nam cắt đất, nhượng biển cho Trung Quốc, không có gì mới mẻ. Từ năm 2001, dư luận trong và ngoài nước đã bàn tán sôi nổi về bản Hiệp định Biên giới trên Bộ, và Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Khi 2 nước Việt Nam – Trung Quốc tổ chức cắm cột mốc, bắt đầu từ Quảng Ninh sát biển, và đi dần về phía tây. Dư luận bất ngờ, khi thấy cột mốc của Ải Nam Quan ngày xưa, sau đổi thành Hữu Nghị Quan, đã không còn ở vị trí cũ, mà bị đẩy lùi sâu vào nội địa Việt Nam đến vài cây số. Như vậy, câu “Đất nước ta liền một dải, từ Mục Nam Quan tới Mũi Cà Mau”, đã không còn đúng nữa.
Ngày 4/9/1958, Chính phủ Trung Quốc đơn phương đưa ra tuyên bố, quy định lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý, tức là, bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Vậy mà, chỉ 10 ngày sau, ngày 14/9/1958, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã vội ký văn bản ghi nhận, và “hoàn toàn tán thành bản tuyên bố nói trên”. Đây chính là cơ sở pháp lý để Hải quân Trung Hoa đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, vào tháng 1/1974, và sau đó là đánh chiếm nhiều đảo đá ngầm của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa, vào tháng 3/1988.
Đó là chưa kể đến tình trạng hiện nay, chính quyền buông lỏng quản lý, để cho người Trung Quốc sở hữu vô số đất đai dọc bờ biển ở khu vực miền Trung. Trong đó có cả các vị trí trọng yếu về vấn đề an ninh phòng thủ quốc gia. Quốc hội Việt Nam từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, về “162.000 ha đất người Trung Quốc đang sở hữu”, nhưng vẫn chưa có câu trả lời, là một minh chứng.
Một tin đồn động trời mới được phổ biến trên mạng xã hội, đó là, chính quyền Việt Nam đã thỏa thuận, nhượng tỉnh Lào Cai cho Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc sẽ đầu tư 2 tuyến đường sắt, là tuyến Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; và tuyến Bắc Luân – Móng Cái – Hải Phòng – Hà Nội.
Theo tin đồn kể trên, thực chất, cuộc đổi chác này có liên quan đến vấn đề đất hiếm, việc đầu tư 2 tuyến đường sắt chỉ để đánh lạc hướng công luận. Chúng tôi chưa có điều kiện để kiểm chứng tin trên.
Mới đây, ngày 1/9, báo Thanh Niên đưa tin, “MG Việt Nam dùng bản đồ thiếu tỉnh Hà Giang: Dân mạng không tin là “sự cố”’. Bản tin cho biết, hãng xe MG của Trung Quốc sử dụng bản đồ Việt Nam để quảng bá sản phẩm, nhưng lại thiếu khu vực tỉnh Hà Giang. Điều đó đã vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội của người Việt, trên các nền tảng mạng xã hội.
Nhiều cư dân mạng phản ứng dữ dội, khi cho rằng, đây là một vụ việc nhạy cảm, có chủ đích, liên quan đến chủ quyền quốc gia, chứ không hẳn là sự cố hay nhầm lẫn.
Nhiều ý kiến nghi vấn và cho rằng, tìm một cái bản đồ thiếu tỉnh Hà Giang còn khó hơn lên trời, vậy mà cũng làm được!?
Công luận đã lên tiếng kêu gọi mọi người cần cảnh giác, trước những động thái liên quan đến chủ quyền quốc gia, trong bối cảnh mối quan hệ Việt – Trung có nhiều dấu hiệu không còn nồng ấm, như thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có thể khẳng định, những hành vi nhượng đất, bán biển, hay bán nước xuyên suốt, kéo dài hàng chục năm dưới chế độ Cộng sản, là những hành động có tính toán kỹ lưỡng, mà mục đích chỉ vì quyền lợi cá nhân và phe nhóm. Những kẻ bán nước kia vẫn còn ngồi chễm chệ trên ghế quyền lực, để phản dân hại nước, như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống.
Mặc dù, Đảng cố gắng bưng bít bằng cả 2 bàn tay nhung và sắt, nhưng tiếng đồn vẫn âm ỉ, và có nguy cơ bùng lên thành một làn sóng phản đối. Công luận khẳng định, “thúng không úp nổi Voi”. Mọi bí mật rồi cuối cùng sẽ được bạch hóa trong một ngày không xa.
Trà My – Thoibao.de