Tấn công vào trường Fulbright, được coi là tấn công vào mối quan hệ Việt – Mỹ.

Ngày 1/9, blog Lê Quốc Quân trên VOA Tiếng Việt bình luận “Cáo buộc sai trái về trường Fulbright: Động cơ và hệ luỵ”.

Tác giả cho biết, kể từ đầu tháng 7, các YouTubers và dư luận viên đã đưa lên mạng xã hội nhiều bình luận sai trái, vu khống trường Fulbright Việt Nam nhiều vấn đề, trong đó có việc gắn trường Đại học này với việc đào tạo nhân sự làm “cách mạng màu”.

Tác giả dẫn thông báo của Đại học Fulbright trên Facebook, ngày 14/8, khẳng định, các tuyên bố được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội, là những “thông tin sai lệch với mục đích thao túng”.

Cụ thể, chiến dịch “đánh phá” dường như đã được lên kế hoạch, kể từ sau lễ tốt nghiệp của trường vào đầu tháng 6. Sau đó tăng dần về số lượng, cường độ và những gán ghép khi cách mạng “đường phố” ở Bangladesh diễn ra.

Theo tác giả, những bình luận và thông tin tấn công trường Fulbright, xuất hiện cùng thời gian với những kênh YouTube, trong đó có thể kể đến kênh Tuyền Văn Hoá, với hơn 2 triệu người đăng ký.

Ngày 21/8, Kênh truyền hình quốc phòng Việt Nam đăng một phóng sự video với nhan đề “Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục”. Mặc dù ngôn ngữ có vẻ nhẹ nhàng hơn, nhưng trực tiếp nhắm vào trường Fulbright, và gắn kết hoạt động của trường với những khả năng về những cuộc “cách mạng màu” đã và đang xảy ra trên thế giới.

Vẫn theo tác giả, chỉ 5 ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải đưa ra thông báo, ca ngợi các hoạt động của Đại học Fulbright, và sự hợp tác giáo dục Việt – Mỹ. Sau đó, video trên Truyền hình Quốc phòng, và một số video trên các kênh YouTube khác bị gỡ bỏ.

Tác giả nhận xét, Đại học Fulbright là biểu tượng quan trọng về hợp tác giáo dục Việt – Mỹ, rộng hơn là cả quan hệ Việt – Mỹ trong hiện tại và tương lai. Cho nên, tấn công vào trường Fulbright, được coi là tấn công vào mối quan hệ Việt – Mỹ.

Việc chủ ý tấn công có vẻ đã âm ỉ từ lâu, nhưng bắt đầu được kích hoạt khi có những biến động gần đây ở Bangladesh, với người tạm đứng đầu Chính phủ Bangladesh là ông Muhammad Yunus, vốn là một cựu sinh viên Fulbright.

Tác giả quan sát và lưu ý, khi các YouTuber và Tiktoker trên mạng xã hội bắt đầu tấn công trường Fulbright, thì trên trang Wikipedia liên tục có những chỉnh sửa. Nếu chúng ta xem lại lịch sử chỉnh sửa của trang, thì thấy rõ, cuộc giằng co chỉnh sửa rất nhiều.

Cụ thể, ngày 10/8 đã có 2 chỉnh sửa, và đỉnh điểm đến ngày 17/8, có đến 8 chỉnh sửa trong một ngày. Rất nhiều thông tin đã được thêm vào rồi lại bị lấy ra, bởi các bên khác nhau, cùng thời gian với các YouTuber và Tiktoker xuất hiện tấn công trường.

Đó chính là sự giằng co giữa 2 lực lượng “tiến bộ”“phản động”, cấp tiến và bảo thủ, trong tư duy xây dựng mối quan hệ giữa Việt – Mỹ.

Tác giả nhận định, sâu xa hơn, việc tấn công và trường Fulbright có thể là một cuộc “thăm dò”, từ cấp cao nhất là Ban Tuyên giáo Trung ương, về quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong quá trình đấu tranh giữa các phe nhóm, sau sự ra đi của Tổng Trọng.

Tuy vậy, phản ứng của Bộ Ngoại giao trong vụ việc này, là chiến thắng của những người vì tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam.

Tác giả cho rằng, có lẽ, đã đến lúc, cộng đồng tiến bộ phải đứng lên cùng trường Fulbright, nêu rõ những sai phạm của các cá nhân trong vụ việc kể trên, để cảnh tỉnh những kẻ “thiếu hiểu biết”, nghe theo sự xúi dục của thế lực bảo thủ, làm điều sai trái, bất lợi cho quan hệ Việt – Mỹ và tương lai đất nước.

Trước mắt, trường có thể lấy lại các video và các bình luận xuyên tạc, ác ý, để làm bằng chứng tố cáo họ vi phạm Điều 331 của Bộ luật Hình sự, hoặc ít nhất, cũng phải bị xử phạt theo Tiết a, Khoản 1, Điều 101 – Nghị Định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 3/2/2020.

 

Quang Minh – thoibao.de