Phải chăng Tổng Bí thư Tô Lâm quyết nói không với chính sách “ngoại giao cây tre” nghiêng về phía Trung Quốc?

Theo giới quan sát, Tổng Bí thư Tô Lâm đang cố gắng tạo ra những cải cách mang dấu ấn riêng biệt cho mình. Kể từ khi chính thức trở thành Tổng Bí thư, trong các bài viết hay phát biểu, ông Tô Lâm cũng nói đến việc triển khai có hiệu quả “ngoại giao cây tre”.

Được biết, “ngoại giao cây tre” là thuật ngữ chỉ đường lối ngoại giao của Việt Nam, dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khái niệm này xuất hiện từ năm 2016. Tuy nhiên, nó chỉ được nhắc đến nhiều hơn sau Đại dịch Covid-19, nhất là sau khi nước Nga xâm lược Ukraine, vào năm 2022. Báo chí nhà nước còn “bốc thơm”, xem nó như cốt cách của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, cựu Tổng Biên tập báo Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, bà Hồ Thu Hồng – người được cho là người tình của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an, một nhân vật thân tín của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã xổ toẹt trên trang Facebook cá nhân:

“Ngoại giao cây tre là gì? Là điêu thuyền, là bạ gặp anh nào cũng ngả ngớn. Mọi ví von của ngày xưa là của một dân tộc vừa yếu, vừa hèn, cạnh thằng đã khỏe lại còn ác, nên phải dạy nhau khôn lỏi, khôn vặt… Còn thế giới ngày nay, người ta đặt lòng tin vào những nơi yêu chuộng hòa bình và biết lấy lợi ích dân tộc làm trọng.”

Đồng thời, bà Hồ Thu Hồng cũng hy vọng Tổng Bí thư Tô Lâm “không bị “truyền nhiễm” tình yêu nghệ thuật bình dân, bằng trò lẩy Kiều, không ví von tre pheo nứa lá, không “mần lục bát” nôm na là cha mách qué (chơi kiểu) ghép vần”.

Theo giới quan sát, gần đây, khi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao, cũng như phát biểu nhân ngày Quốc khánh 2/9, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh:

“Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại…, đất nước ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Đây là những chỉ dấu cho thấy, Tổng Bí thư Tô Lâm, tuy vẫn theo đường lối ngoại giao cây tre, nhưng sẽ  nghiêng về phía phương Tây và Hoa Kỳ, thay vì nghiêng về phía Trung Quốc như ông Nguyễn Phú Trọng trước đây.

Truyền thông nhà nước Việt Nam ngày 5/9 đồng loạt đưa tin, “Báo The New York Times thành lập văn phòng thường trú tại Việt Nam”. Bản tin cho hay, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trao giấy phép thành lập văn phòng thường trú tại Việt Nam, cho Báo The New York Times.

Theo bà Hằng, điều này sẽ giúp The New York Times đóng góp vào việc tăng cường quan hệ song phương Việt – Mỹ.

Được biết, The New York Times là một trong những tờ báo uy tín hàng đầu của Hoa Kỳ, cũng như trên thế giới.

Một số nhận định cho rằng, từ khi bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, vào tháng 7/1995 đến nay, chưa có Tổng Bí thư nào dám quyết định như ông Tô Lâm. Điều đó càng cho thấy, Tổng Bí thư Tô Lâm không giấu giếm chính sách “ngoại giao cây tre” nghiêng về phía Hoa Kỳ và phương Tây.

Cũng có nhiều ý kiến quả quyết rằng, muốn tiến hành công cuộc “cải cách” ở Việt Nam, thì Tổng Bí thư Tô Lâm phải giã từ, và nói không với chính sách “ngoại giao cây tre” nghiêng về phía Trung Quốc của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phải chăng, sự thay đổi như vừa kể của ông Tô Lâm, đã khiến cho Ban lãnh đạo Bắc Kinh không hài lòng? Một số suy đoán cho rằng, Trung Quốc đã bật đèn xanh cho các thế lực, vốn là tàn dư của ông Trọng, đặc biệt là giới tướng lĩnh quân đội, kiên quyết cản phá công cuộc cải cách của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Công luận đặt câu hỏi, liệu Tổng Bí thư Tô Lâm có thể đi đến đích hay không, và hy vọng, ông Tô Lâm sẽ không hiểu sai những tín hiệu nguy hiểm ấy.

 

Trà My – Thoibao.de