Sự chậm trễ trong cải cách pháp luật khiến các tập đoàn điện gió ngoài khơi rút khỏi Việt Nam

Ngày 7/9, BBC Tiếng Việt bình luận “Vì sao các tập đoàn nước ngoài rút khỏi dự án điện gió ngoài khơi Việt Nam?”

Theo đó, mới đây, Equinor – một gã khổng lồ trong ngành năng lượng Na Uy, đã tuyên bố rút lui và đóng cửa văn phòng tại Hà Nội. Đúng thời điểm này năm ngoái, Công ty Orsted của Đan Mạch đã thông báo ngừng các dự án đầu tư vào các trang trại điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.

BBC dẫn nhận định của Ngân hàng Thế giới, theo đó, Việt Nam thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của quốc tế tới dự án năng lượng tái tạo, do có nguồn gió mạnh ở các vùng nước nông, gần các khu vực đông dân ven biển.

Theo BBC, Quy hoạch phát triển điện quốc gia Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 (Quy hoạch điện 8 , PDP8), được phê duyệt năm ngoái, đặt mục tiêu đạt 6GW điện gió ngoài khơi, vào năm 2030.

Nhưng sự chậm trễ trong cải cách luật pháp đã đẩy các nhà đầu tư đến quyết định phải xem xét lại kế hoạch của mình.

BBC cho biết, đây là lần đầu tiên, Equinor đóng cửa một văn phòng quốc tế, chuyên về phát triển điện gió ngoài khơi. Họ quyết định rời Việt Nam sau một đợt rà soát thường xuyên danh mục tài sản và các dự án năng lượng tái tạo mà công ty đang nắm giữ.

BBC dẫn lời ông Magnus Frantzen Eidsvold – người phát ngôn của Tập đoàn Equinor, nói trong một cuộc phỏng vấn với một hãng tin quốc tế rằng:

“Ngành điện gió ngoài khơi đang đối mặt với những khó khăn đáng kể, và chúng tôi cần phải có cách tiếp cận thận trọng.”

Theo BBC, Equinor mở văn phòng đại diện tại Hà Nội vào tháng 5/2022.

Khi đó, Tập đoàn này mô tả, Việt Nam là nơi “có tiềm năng lớn để trở thành một thị trường phát triển đối với điện gió ngoài khơi”, theo website của Equinor.

Equinor đã ký kết biên bản ghi nhớ với Petro Việt Nam (PVN), và theo đuổi các cơ hội hợp tác với Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí PTSC – một công ty con của PVN.

BBC nhắc lại, hồi tháng 6/2023, Công ty năng lượng tái tạo Orsted của Đan Mạch tuyên bố tạm dừng các hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, với lý do không chắc chắn về khuôn khổ chính sách và lộ trình tiếp cận thị trường của Việt Nam.

BBC dẫn lời giải thích của ông Mads Nipper – một Giám đốc điều hành của Orsted, rằng:

“So với các cơ hội khác mà chúng tôi có, chúng tôi không tin rằng, Việt Nam là một thị trường đủ hấp dẫn. Việt Nam vẫn là một thị trường rất quan trọng, nhưng về phát triển thị trường, chúng tôi đang rút lui để ưu tiên các khu vực khác có tiềm năng tạo ra giá trị cao hơn.”

BBC cũng cho biết, Việt Nam muốn phát triển trang trại điện gió, với tổng công suất công suất 6GW vào năm 2030, tương đương 4% công xuất dự kiến.

Đây là một phần trong nỗ lực giảm nhiệt điện sử dụng than đá, và đạt phát thải ròng bằng 0, vào năm 2050.

Tuy nhiên, các kế hoạch này đã liên tục bị đình trệ, khi biến động chính trị dữ dội trong thời gian qua đã làm tê liệt quá trình cải cách và các dự án.

Vẫn theo BBC, Bộ Công thương Việt Nam đã giao dự án điện gió ngoài khơi thí điểm đầu tiên cho các công ty nhà nước, một động thái mà các nhà đầu tư cho rằng sẽ làm chậm sự phát triển của ngành công nghiệp này, bởi lẽ các công ty này không đủ năng lực.

BBC dẫn lại lời 2 giám đốc điều hành trong ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nói với một hãng tin quốc tế rằng, kể cả trong kịch bản khả thi nhất, thì Việt Nam cũng chỉ có thể lắp đặt 1GW vào cuối thập kỷ này, do các rào cản về quy định.

BBC cho biết thêm, hàng loạt công ty năng lượng quốc tế từng có dự định phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nhưng sau nhiều năm, kế hoạch vẫn nằm trên giấy, vì Việt Nam thiếu nhiều cơ chế, chính sách liên quan.

 

Hoàng Anh – thoibao.de