Vấn đề kê khai tài sản cán bộ và trách nhiệm của Tổng Bí thư Tô Lâm?

Ngày 6/9, tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, về công tác phòng chống tham nhũng năm 2024, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo sau khi cơ quan Điều tra khám xét, mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc.

Theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2024, có 2.518 người được xác minh việc kê khai, chỉ có 4 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, việc kê khai tài sản đối với các đối tượng thuộc diện cần phải giám sát theo quy định, lâu nay hoàn toàn chỉ mang tính hình thức, chỉ nhắm vào giới chức cấp thấp, trong bộ máy nhà nước và chưa được coi trọng. Kể cả cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời cũng tránh né, khi cho rằng, vấn đề kê khai tài sản có liên quan đến các thông tin cá nhân riêng tư là vấn đề nhạy cảm.

Chỉ cần nhìn vào các trường hợp nổi cộm gần đây, về sự giàu có bất thường của cựu Chủ tịch huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Giang Hương. Bà Hương bị kỷ luật vì “kê khai tài sản không trung thực”, sau khi bị lộ vụ bị lừa 171 tỷ đồng. Hay mới nhất là trường hợp cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ, cũng bị kỷ luật và khởi tố bắt giam, với lý do giàu bất chính.

Công khai minh bạch tài sản quan chức là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc phòng chống tham nhũng ở mọi quốc gia, kể cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong 3 nhiệm kỳ trên cương vị Tổng Bí thư, ông Trọng đã không quan tâm ở mức cần thiết.

Đó là lý do, hầu hết các lãnh đạo ở tất cả các cấp, từ Trung ương tới địa phương, giàu có một cách bất thường, nhưng không cần thiết phải che dấu.

Trường hợp cựu Ủy viên Trung ương Đảng Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cựu Chủ tịch Ngân hàng Vietinbank, bị truy tố mới đây, là một minh chứng. Trước khi bị khởi tố bắt giam, ông Lê Đức Thọ đã bị xử lý kỷ luật, với lý do không giải trình được số tiền hơn 3 ngàn tỷ trong tài khoản ngân hàng. Đó là chưa kể đến số cổ phần, trái phiếu, với giá trị khoảng 1 ngàn tỷ.

Mở rộng điều tra với nghi can Lê Đức Thọ, theo kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil, của Cục An ninh Điều tra A09, Bộ Công an, ông Thọ, bị truy tố tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Theo đó, tổng số tiền hối lộ mà ông Thọ nhận từ bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, lãnh đạo Công ty Xuyên Việt Oil, lên đến hơn 1 triệu USD.

Công luận đặt câu hỏi, vậy còn có bao nhiêu người kê khai tài sản không trung thực khác? Và mong muốn, Tổng Bí thư Tô Lâm cần có giải pháp để xử lý triệt để?

Công luận thấy rằng, chủ trương khi quan tham bị lộ, nếu là lãnh đạo từ cấp uỷ viên Trung ương trở lên, thì cho phép “chủ động” xin thôi chức và nộp lại 2/3 tài sản tham nhũng, sẽ chỉ bị xử lý hành chính, hay kỷ luật trong nội bộ Đảng. Đây thực chất là chính sách khuyến khích tham nhũng.

Theo giới thạo tin, Bí thư Lê Đức Thọ là đàn em đồng hương Phú Thọ, của cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình – kẻ sau Đại hội Đảng 12 đã bỏ cựu Thủ tướng Ba Dũng, để về dưới trướng Tổng Bí thư Trọng. Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa 13, trong tiến trình kế hoạch đảo chính không tiếng súng, Bí thư Thọ đã bị Bộ trưởng Tô Lâm loại trừ.

Đó là lý do vì sao, trước khi Tổng Bí thư Trọng qua đời, vẫn có nhiều thắc mắc về trách nhiệm của ông, trong vai trò Trưởng tiểu ban Nhân sự Đại hội 13, vì sao lại chọn sai Lê Đức Thọ, và có liên quan gì đến khối tài sản vài ngàn tỷ do tham nhũng mà có hay không?

 

Trà My – Thoibao.de