Bất lực, người dân mắc kẹt trong lũ lên mạng kêu cứu

Ngày 10/9, RFA Tiếng Việt cho hay “Bão Yagi: Tràn ngập lời kêu cứu trên mạng từ người dân mắc kẹt trong lũ”.

Theo RFA, các tỉnh miền núi phía Bắc đang hứng chịu trận lũ lịch sử, sau khi cơn bão Yagi tràn qua.

Người dân bị kẹt trong lũ, từ Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái… khẩn thiết kêu cứu, ngập tràn trên các trang mạng xã hội, suốt từ đêm ngày 9/9 đến rạng sáng ngày 10/9, trong khi chính quyền địa phương không đủ năng lực và vật lực để cứu nạn.

RFA dẫn lời một người dân, ở huyện Lục Yên, Yên Bái, nói rằng, nhiều xã ở tỉnh này đã hoàn toàn bị cô lập giữa biển nước:

“Lượng mưa rất là nhiều. Nó tạo nên lũ, kết hợp với một số thủy điện xả lũ. Tình hình căng lắm, chưa bao giờ tôi thấy lũ lớn như bây giờ. Nhiều xã ở trong huyện đã mất điện, mất internet, không kết nối được. Họ không kêu ra bên ngoài được.”

RFA cho hay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái… từ ngày 9/9 đã xuất hiện một đợt lũ mới.

RFA dẫn Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, các con sông nhỏ tại khu vực miền núi phía Bắc, nước lên nhanh đến mức báo động 3, cộng với tình hình mưa to, có thể dẫn tới ngập sâu và sạt lở ở các tỉnh này.

RFA cho biết, báo động 3 là mức giới hạn mực nước, cho thấy lũ trong sông đã lên đến mức cao nhất, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.

RFA trích dẫn truyền thông nhà nước, cho biết, sáng 9/9, lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện tăng nhanh, nên có 8 hồ thủy điện đang mở tổng cộng 29 cửa xả lũ. Lũ tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái đã vượt mức lũ lịch sử năm 1968 và 2008.

Vào ngày 8/9, báo Chính phủ cho biết, bão số 3 sau khi quét qua Hà Nội vào đêm ngày 7 và rạng sáng ngày 8/9, đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Cổng thông tin điện tử Chính phủ chỉ cảnh báo rằng, các tỉnh Tây Bắc Bộ có mưa to trong ngày 8/9, và cần đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

RFA cũng dẫn lời một người dân khác ở Yên Bái, cho rằng, sở dĩ người dân phải lên mạng kêu cứu hàng loạt, chính là do công tác cảnh báo lũ sau bão, và hướng dẫn ứng phó lũ của chính quyền địa phương, chưa chi tiết và chưa đúng với mức độ nguy hiểm của đợt lũ này.

RFA tiếp tục dẫn lời anh T, đang sinh sống ở Hà Nội, nhưng có gia đình ở Thái Nguyên, cho biết, gia đình anh cũng không lường trước được mức độ nguy hiểm của lũ lại khủng khiếp như vậy.

RFA dẫn số liệu của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, cho biết, tính đến 11 giờ ngày 10/9, bão Yagi và hoàn lưu bão đã gây mưa, lũ, sạt lở đất ở miền Bắc, khiến ít nhất 146 người chết và mất tích.

RFA cũng cho biết, để đối phó với tình hình mưa bão, lũ và sạt lở đất, Bộ Chính trị và Chính phủ, vào ngày 9/9, đã có các phiên họp chỉ đạo về việc cứu nạn. Báo nhà nước đưa tin, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu huy động công an và quân đội tham gia hỗ trợ.

Vẫn theo RFA, trên các trang Facebook, một số người kêu cứu cho biết, họ bị kẹt cả ngày trên mái nhà, bởi chính quyền địa phương không đủ phương tiện đường thuỷ, như thuyền, cano hay áo phao, để đưa người dân đến nơi an toàn.

RFA dẫn ý kiến của một người dân ở Yên Bái, cho rằng, chính quyền các tỉnh ngập lụt nên liên hệ với các tỉnh lân cận, như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, để có thể vận chuyển thuyền bè ở các tỉnh này sang Yên Bái, Thái Nguyên, để ứng cứu người gặp nạn. Tuy nhiên, người này nói rằng:

“Không thấy huy động trực thăng tìm kiếm và cứu nạn người dân luôn, trong khi sân bay quân sự Yên Bái nằm ngay đó. Thật không hiểu nổi luôn.”

 

Hoàng Anh – thoibao.de