Đưa Đặng Quốc Khánh lên thớt, Tô Lâm “tận diệt” gốc rễ của Vương Đình Huệ?

 

Cựu Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh – người vừa bị loại khỏi vũ đài chính trị hồi cuối tháng 8, đang bị ông Tô Lâm đưa lên thớt.

Trước khi ngã ngựa, ông Đặng Quốc Khánh được cho là một gương mặt trẻ đang lên, trên chính trường. Ông Khánh cùng tuổi với ông Nguyễn Thanh Nghị, và cùng làm Bộ trưởng. Đáng nói là, ông Khánh được sự hậu thuẫn của nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh, 2 nhóm chính trị mạnh nhất nhì ở nhiệm kỳ này.

Tại kỳ họp thứ 47 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, diễn ra từ ngày 10 đến 11/9, ông Trần Cẩm Tú đã chủ trì và kết tội ông Đặng Quốc Khánh. Vẫn với kết luận chung chung như thường lệ, vẫn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo v.v… Đây là ngôn từ mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương thường dùng, trước khi kỷ luật một người do Ban Bí thư và Bộ Chính trị quản lý.

Ông Đặng Quốc Khánh bị moi ra các sai phạm, khi ông còn là Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang. Khi đấy, ông đã chỉ đạo để Ủy ban Nhân dân tỉnh, và nhiều tổ chức, cá nhân, sai phạm trong dự án có liên quan đến Công ty Thuận An của đại gia Nguyễn Duy Hưng. Đây là doanh nghiệp được cho là sân sau của ông Vương Đình Huệ.

Với tư cách là người đứng đầu tỉnh, ông Khánh khó có thể làm trái ý ông Huệ. Bởi lâu nay, sân sau các quan chức lớn, thường được cả một hệ thống, từ cấp cao đến cấp cơ sở bao che và nâng đỡ, chứ không chỉ riêng một người. Ở vị trí “Tứ trụ”, ông Vương Đình Huệ chỉ bị trả giá cho các sai phạm bằng chiếc ghế Chủ tịch Quốc hội. Nhưng là một Ủy viên Trung ương Đảng, rất có thể, ông Khánh sẽ bị xộ khám.

Luật ngầm của Đảng là thế, kẻ có quyền chức cao nhất thường chính là kẻ chủ mưu trong các sai phạm, nhưng khi bị trừng phạt, thì lại nhẹ nhất. Ông Đặng Quốc Khánh với vai trò Bí thư Tỉnh uỷ, sẽ không có quyền quyết định trong những thương vụ của Tập đoàn Thuận An, mà người quyết định phải ở cấp cao hơn.

Sự dính dáng của ông Khánh với Tập đoàn Thuận An cho thấy, mối liên hệ khăng khít giữa nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh. Đặng Quốc Khánh vừa là người thuộc nhóm Hà Tĩnh, vừa tham gia vào các đường dây làm ăn của người đứng đầu nhóm Nghệ An khi đấy.

Sự liên kết giữa nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh là mối nguy khôn lường, cho nhóm Hưng Yên của ông Tô Lâm. Nếu 2 nhóm này liên kết, thì có đến 4 uỷ viên Bộ Chính trị, và 20 uỷ viên Trung ương Đảng. Chỉ xét riêng về số lượng, thì nhóm Hưng Yên của Tô Lâm sẽ không dễ đối phó.

Ông Vương Đình Huệ quả là đã tính xa, khi âm thầm sử dụng nguồn nhân lực của cả Nghệ An và Hà Tĩnh. Nếu ông Huệ lên được ghế Tổng Bí thư, thì có thể, lúc đó, phe Hưng Yên của Tô Lâm “hết đường sống”. Tuy nhiên, Tô Lâm đã nhanh tay tấn công trước, và đã thành công. Giờ đây, ông dùng Uy ban Kiểm tra Trung ương, để tiêu diệt mạng lưới liên kết quyền lực do ông Vương Đình Huệ để lại.

Đánh vào ông Đặng Quốc Khánh, là Tô Lâm cắt đứt sợi dây liên hệ giữa nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây cũng có thể là đòn cảnh cáo, đối với những cá nhân dám ủ mưu việc thực hiện kết nối giữa 2 nhóm, tương tự như ông Huệ đã làm.

Tuy ông Tô Lâm và nhóm Hưng Yên đã thắng trên võ đài chính trị, nhưng làm sao để giữ được vị thế lâu dài, thì lại là vấn đề nan giải. Chắc chắn, ông Tô Lâm sẽ vận dụng hết sức mạnh của Bộ Công an, để truy bằng được những cấu kết ngầm giữa các phe nhóm khác. Nhưng làm điều này không dễ, bởi hầu hết, những điều này đều được giữ bí mật. Nếu Tô Lâm thực hiện không triệt để, rất có thể, một ngày nào đó, mầm họa sẽ ập đến với Tổng Bí thư họ Tô và nhóm Hưng Yên của ông.

Bàn cờ chính trị còn đang đấu tranh rất gay gắt. Ông Tô Lâm còn rất nhiều việc phải làm, nếu muốn ngồi trên đỉnh quyền lực lâu dài.

Đợi xem, Tô Lâm sẽ làm gì tiếp theo.

 

Trần Chương – Thoibao.de