Ngày 13/9, BBC Tiếng Việt bình luận “Mặt trận Tổ quốc công bố sao kê, có bất cập gì?”
Theo đó, ngày 12/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đăng tải 12.028 trang sao kê, số tiền ủng hộ nạn nhân bão Yagi. Hành động này phần nào thể hiện sự minh bạch trong công tác từ thiện, nhưng đồng thời, cũng có một số bất cập.
BBC dẫn lời Luật sư Phùng Thanh Sơn, cho rằng, việc công khai sao kê có thể ảnh hưởng đến quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân của người đóng góp, theo Nghị định 13/2023/NĐ-CP.
Theo ông Sơn, Mặt trận Tổ quốc cần phải thông báo việc sẽ công khai sao kê, trước khi bắt đầu nhận tiền quyên góp. Họ nên có 2 tài khoản, một công khai, và một không công khai, để người ủng hộ lựa chọn.
BBC cho biết, trong tối 12/9, sau khi bản sao kê được công bố, những cuộc “điều tra” đã được “dân mạng” thực hiện, để xác định người nào đóng bao nhiêu, đặc biệt là những người nổi tiếng và trước đó đã công khai tuyên bố đóng góp tiền.
Theo BBC, việc này gây ra ít nhất 3 hệ lụy như sau:
Thứ nhất là lộ thông tin cá nhân của những người liên quan.
Thứ hai là những người ủng hộ ít có khả năng bị chỉ trích.
Thứ ba là khả năng nhầm lẫn/giả mạo danh tính.
Ví dụ, có một tài khoản được hiểu là của “tập thể anh em rạp xiếc Trung ương ủng hộ”. Không rõ, đây có phải là Rạp xiếc Trung ương thật hay không, nhưng việc Rạp xiếc Trung ương bị chỉ trích là chuyện có thật.
BBC trích dẫn bài viết trên Facebook của Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu, cho rằng, ý định của Mặt trận Tổ quốc là “trong sáng”, thế nhưng, sự minh bạch về các khoản chi quan trọng hơn việc minh bạch các khoản thu.
BBC nhắc lại việc, Mặt trận Tổ quốc Hà Nội từng bị chỉ trích do chậm trễ trong việc giải ngân tiền từ thiện, trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội), khiến 56 người chết.
BBC nhận xét, hành động công khai sao kê lần này, được cho là cách mà Mặt trận Tổ quốc trấn an những người nghĩ rằng, việc chậm giải ngân sẽ tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu thực sự minh bạch trong thu chi, thì cần có kiểm toán độc lập.
Nếu không làm được điều đó, “thì đợt minh bạch này chắc chỉ có ích để bà con bốc phốt những người fake bill [làm giả số tiền đóng góp], vốn là chuyện không liên quan đến mục đích cứu người của từ thiện, và không quá quan trọng trong thời điểm khó khăn này của người dân miền Bắc”, ông Hậu viết trên Facebook của mình.
BBC đánh giá, việc “fake bill” không chỉ có vấn đề về mặt đạo đức, mà có thể liên quan tới cả mặt pháp lý.
Nhiều người dùng mạng xã hội đã phát hiện, có những người đăng thông tin ủng hộ, với số tiền lớn hơn gấp 10, thậm chí 100 lần, số tiền theo sao kê do Mặt trận Tổ quốc công bố.
Vẫn theo BBC, nếu cá nhân đại diện cho nhiều người, hội nhóm, hay tổ chức đứng ra kêu đóng góp, mà có hành vi sửa đổi, giả mạo sao kê tiền ủng hộ, với mục đích ăn chặn tiền từ thiện, có thể bị pháp luật xử lý.
BBC nêu dẫn chứng vụ một người tên N.K.L, đã thực hiện một phiên đấu giá một đôi giày trẻ em, với mục đích gây quỹ giúp nạn nhân bão Yagi. Số tiền quyên góp sau đấu giá là 8,5 triệu đồng, và bà N.K.L tuyên bố sẽ ủng hộ thêm 1,5 triệu đồng, cho tròn 10 triệu. Nhưng sau khi Mặt trận Tổ quốc công bố sao kê, mọi người phát hiện, bà N.K.L chỉ chuyển 100.000 đồng.
Sau khi vụ việc bị phát giác, bà N.K.L đã xin lỗi và chuyển lại đúng 10 triệu đồng tới Mặt trận Tổ quốc.
Theo Luật sư Sơn, việc một cá nhân đứng ra đại diện tập thể đóng góp, nhưng lại đóng góp số tiền ít hơn thực thu, mà không cho tập thể biết, sẽ phạm vào tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Quang Minh – thoibao.de