Chu Ngọc Quang Vinh không phải là cá biệt

Ngày 14/9, VOA Tiếng Việt đăng bình luận “Trên đỉnh Olympia không có Đảng”, của blogger Nguyễn Nhơn.

Tác giả nhắc lại bài đăng Facebook gây bão dư luận của nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh ở Yên Bái, vào đúng dịp Quốc khánh.

Tác giả cho biết, phần thưởng dành cho quán quân, giải nhì và giải 3, cuộc thi năm của Đường Lên Đỉnh Olympia, là học bổng du học tại Úc, với tỷ lệ khác nhau.

Tính đến năm 2023, sau 23 năm tổ chức cuộc thi, chỉ có 3 quán quân trở về Việt Nam làm việc, sau thời gian học ở Úc.

Tác giả cũng nhắc lại việc, ý muốn được sống ở nước ngoài của Quang Vinh bị nhiều người và báo chí chính thống nhà nước lên án, cho đó là tư tưởng ích kỷ lệch lạc, vô ơn với đất nước, chỉ quan tâm đến bản thân, đến “lợi ích viển vông ở các nước phương Tây xa xôi”…

Tác giả nhận xét, cảm xúc của Quang Vinh không phải chuyện mới mẻ hay lạ lẫm, hiếm hoi gì. Ngược lại, nó là hiện tượng phổ biến từ lâu, đến nỗi, đi kèm với thuật ngữ – “nhạt Đảng, khô Đoàn”.

Nghĩa là, Đảng cho rằng, thanh thiếu niên bàng quan về chính trị, thiếu niềm tin vào Đoàn (và Đảng), coi vật chất trên hết, thoái thác nghĩa vụ công dân.

Tuy nhiên, tác giả đề cập đến việc hàng ngàn hội nhóm, tổ chức tự phát của thanh niên tự nguyện, đi làm các công việc giúp ích cộng đồng, như dạy chữ cho trẻ em nghèo và người lớn thất học, đi bắt cướp, đi hút đinh, đi vá đường, chăm sóc người già, người khuyết tật, neo đơn…

Không thể thống kê nổi, vì những tổ chức này có thể sinh ra và hoạt động hăng say bất kỳ lúc nào, nhưng họ chẳng đăng ký gì với nhà nước cả.

Tác giả đặt câu hỏi: Đó mà là vị kỷ, ham hưởng thụ, là không có lý tưởng cao đẹp với cộng đồng, với đất nước ư?

Sự thật chính là: Đa số thanh niên không quan tâm đến Đảng, đến Đoàn, là vì bản chất hoạt động của chính các tổ chức đó.

Tác giả nhận định, việc trở thành đảng viên có mối quan hệ sâu sắc và kỳ dị với vấn nạn tham nhũng. Bởi vào Đảng đồng nghĩa với cơ hội thăng tiến, và được hưởng một thứ đặc quyền.

Đảng viên làm lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, có quyền ký duyệt những dự án đem lại lợi nhuận cho người khác, nhưng bản thân lại được hưởng mức lương rất thấp. Vì thế, dù là ai, thì lâu dần cũng sẽ đi đến kết luận: Chia sẻ lợi ích trong những việc này là hợp đạo lý. Và thế là bắt đầu quá trình tham nhũng, ăn hối lộ, vòi vĩnh…

Những người trong sạch thì trước sau cũng chủ động, hoặc bị đánh văng khỏi bộ máy.

Tác giả đánh giá, tham nhũng từ trên xuống dưới, phổ biến, nghiêm trọng và công khai trắng trợn, đến nỗi, người dân chẳng còn một chút lòng tin nào vào Đảng và nhà nước.

Những ai mặn mà với Đảng, chỉ có thể thuộc một trong hai loại: thứ nhất là ngây thơ, vẫn còn tin tưởng vào những khẩu hiệu vang dội. Thứ hai, chính là loại toan tính, mưu đồ, muốn leo cao để ăn nhiều.

Tương tự, tác giả chỉ ra điểm hấp dẫn nhất của việc vào Đoàn, đó là, được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo trong nhà trường; sau đó được kết nạp Đảng và giữ các chức vụ trong bộ máy chính quyền. Rất nhiều người đã trở thành các bí thư tỉnh uỷ bằng con đường này.

Tác giả mỉa mai, con đường ngoằn ngoèo để trở thành lãnh đạo này rất hấp dẫn, vì nó không đề cao chuyên môn, không bắt buộc người ta phải xuất sắc nổi bật về trí tuệ và đạo đức.

Tác giả cho rằng, thanh thiếu niên bây giờ không quan tâm đến Đảng Đoàn. Trên đỉnh Olympia từ trước tới giờ không có Đảng. Đó là sự thật, chính những người lãnh đạo Đảng, Đoàn hiểu rõ điều đó hơn ai hết.

Nhưng khi sự thật đó được nói công khai qua miệng một thanh niên 17 tuổi, là một hạt giống tốt, thì nó trở nên đáng lo ngại. Lo ngại tư tưởng đó sẽ đánh thức và lan tỏa vào các thanh thiếu niên khác.

Có thế thôi!

Hoàng Anh – thoibao.de