Nhà nước Việt Nam đang “vét túi” dân với cách thức tinh vi như thế nào?

Cơn bão số 3 – Yagi đã gây ngập lụt ở 20/25 tỉnh, thành miền Bắc Việt Nam. Tính đến tối 15/9, cơ quan khí tượng thủy văn cho biết, bão Yagi đã làm 292 người chết, 38 người mất tích, 1.908 người bị thương. Ngoài ra, hơn 168 ngàn căn nhà đã bị hư hỏng, và hàng chục ngàn ha đất canh tác bị ngập úng, gây thiệt hại nặng nề.

Ngay lập tức, ngoài sự ủng hộ của quốc tế, các tổ chức nhà nước, cùng các tổ chức thiện nguyện của tư nhân, đã nhanh chóng huy động nguồn lực, để giúp đỡ đồng bào ở các khu vực bị thiên tai.

Được biết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã huy động được hơn 1.000 tỷ đồng đóng góp. Đáng chú ý, khác với mọi năm, cơ quan này đã thông báo “sao kê” nguồn thu ngay lập tức. Mới nhất, “sao kê” phần chi cho các tỉnh, thành phố, cũng bắt đầu được công khai.

Tuy nhiên, nguồn lực của cải vật chất huy động được, cũng không thể đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ, hiện rất lớn. Trên mạng xã hội, đã có ý kiến đề nghị Chính phủ cho sử dụng số tiền của Quỹ Vaccine, huy động được trong đại dịch Covid-19, với số tiền hơn 3.000 tỷ đồng, đang gửi tại các ngân hàng thương mại để lấy lãi.

Theo bài “Hơn 3.100 tỷ đồng Quỹ Vaccine phòng Covid-19 đang được quản lý ra sao?”, trên báo An Ninh Thủ Đô, ngày 23/7, cho biết, tổng số dư của Quỹ này, tính đến cuối tháng 6/2024, còn 3.136,51 tỷ đồng.

Theo Kho bạc Nhà nước, khoản tiền quỹ đó đang được gửi tại các ngân hàng thương mại. Các cơ quan chức năng đang nghiên cứu phương án, để báo cáo cấp thẩm quyền, cho chấm dứt hoạt động và giải thể quỹ.

Quỹ vaccine phòng Covid-19 được thành lập theo Quyết định số 779/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/5/2021. Ban Quản lý Quỹ cũng đã được thành lập, và tổ chức thực hiện việc gửi tiền có kỳ hạn, tại ngân hàng thương mại, theo nguyên tắc cạnh tranh lãi suất, đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định.

Tổng số tiền huy động được của Quỹ này là gần 11.000 tỷ đồng; đã chi 7.672,2 tỷ đồng, trong đó, chi mua vắc xin là 7.667,6 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin hết 4,6 tỷ đồng.

Số tiền còn lại đang được gửi tại 4 ngân hàng thương mại, gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, và Ngân hàng Nhà nước, với lãi suất 3,3%/năm, và 3%/năm, tương ứng kỳ hạn gửi tiền là 3 tháng và 1 tháng. Cho đến nay, số tiền lãi là hơn 176 tỷ đồng.

Tuy nhiên, liên quan đến việc nhà nước vận động đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng Covid-19, hay Quỹ hỗ trợ ứng cứu thiên tai, đã phát sinh rất nhiều vấn đề gây tranh cãi.

Nhiều ý kiến cho rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương dựa vào sức dân, nói cách khác, chính quyền tìm mọi cách để vắt sức dân. Hơn thế nữa, việc kêu gọi các cháu bé trong độ tuổi học sinh, tham gia đóng góp Quỹ từ thiện, là điều thực sự vô lý.

Nếu kêu gọi đóng góp, thì chỉ nên kêu gọi những người đang ở trong độ tuổi lao động và có việc làm, chứ kêu gọi cả các cháu bé đang sống nhờ cha mẹ, là điều hết sức phản cảm. Bây giờ là lúc dân chúng cần nhà nước cứu giúp, thì họ lấy đâu ra tiền để đóng góp theo ngày lương? Phải chăng, nhà nước muốn vét đến đồng bạc cuối cùng trong túi dân?

Trách nhiệm của nhà nước là phải lo cho dân, vì người dân đã đóng thuế đầy đủ cho nhà nước. Ở các quốc gia khác trên thế giới, hoàn toàn không có việc chính quyền đứng ra huy động dân, bởi lý do như vậy.

Việc kêu gọi, huy động, là công việc của các tổ chức phi chính phủ, hay các tổ chức xã hội dân sự, trên nguyên tắc “vấn đề gì tư nhân đảm trách được, thì nhà nước sẽ không tham gia”.

Theo giới quan sát quốc tế, Cộng sản Việt Nam hiện nay đã và đang vận hành một nhà nước có khả năng huy động sức người, sức của, theo một cách thức hiện đại, tinh vi, mà dân chúng không thể nghĩ tới.

 

Trà My – Thoibao.de