Cờ trong tay, bị thế lực ấu trĩ bủa vây, làm sao Tô Lâm phất?

Những hoạt động bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc của ông Tô Lâm, cho thấy, ông hành động thiết thực hơn ông Nguyễn Phú Trọng.

Ví dụ, ông rất có thiện chí gặp Tổng Thống Mỹ Joe Biden; gặp Tổng Thống Ukraine – một hành động không những được lòng quốc tế, mà còn được lòng cả giới trí thức trong nước. Tuy nhiên, vẫn quá sớm để đánh giá về những hướng đi được cho là mới mẻ này.

Ông Tô Lâm đến dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với tư cách nguyên thủ quốc gia. Nhưng vào tháng 10 tới, ông sẽ chính thức chia sẻ chức Chủ tịch nước cho người khác, và chỉ còn giữ chức Tổng Bí thư Đảng. Như vậy, ông không còn tư cách đại diện quốc gia, để gặp chính thức những nguyên thủ khác. Đấy là cũng bất lợi cho chiến lược ngoại giao mới của ông.

Việc thả ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Hoàng Thị Minh Hồng và ông Hoàng Ngọc Giao, cũng như, gần đây có thông tin, có lúc người dân Việt Nam vào các tờ báo nước ngoài, như BBC, RFA, VOA vv… mà không cần vượt tường lửa, cho thấy những tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, sau đó, người dân trong nước xác nhận, các trang này được “mở” thời gian rất ngắn, rồi lại bị chặn. Có lẽ, đấy là “sự cố kỹ thuật” của, chứ không phải thiện chí của nhà cầm quyền. Vì thế, nên vẫn còn quá sớm để đánh giá.

Có lẽ, không nên kỳ vọng quá vào ông Tô Lâm, bởi ông từ Tướng Công an lên làm Tổng Bí thư, và từng có hồ sơ nhân quyền tồi tệ. Nên rất có thể, ông chỉ thể hiện thiện chí nhất thời, để giành lấy sự ủng hộ, rồi sau đó lại siết chặt.

Tô Lâm phải chấp nhận chia sẻ quyền lực cho thế lực khác, có nghĩa, ông vẫn chưa có được sức mạnh chính trị như ông Trọng từng có. Trong thời gian ông Trọng cầm quyền, đặc biệt là giai đoạn 2016 – 2023, ông có sức mạnh chính trị gần như tuyệt đối. Lúc đó, thế lực có thể cân bằng quyền lực với ông vắng bóng, và đó là thời kỳ mà chính sách cai trị của ông Trọng rõ nét nhất. Ông Trọng đàn áp tất cả các tiếng nói phản biệt, đồng thời ngả hẳn về Trung Quốc.

Nay Tô Lâm cầm quyền, để thực hiện được những chính sách như ý, trước hết, ông phải dẹp hết thành phần cản đường.

Giả sử, Tô Lâm có tư tưởng đổi mới, như những tín hiệu gần đây, thì đấy chỉ mới là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là phải loại bỏ, hoặc kiểm soát được những thế lực khác trong Đảng, đặc biệt là những thế lực ấu trĩ bảo thủ. Thành phần này cuồng Mác – Lênin lạc hậu, thân độc tài Nga Tàu, và vẫn muốn gần gũi với Cuba đói rách.

Ông Trọng phải bỏ ra gần một nhiệm kỳ, mới thiết lập được thế mạnh tuyệt đối, cho nên, ông Tô Lâm cũng không thể dùng chút thời gian ngắn ngủi mà dẹp được thế lực ấu trĩ trong Đảng. Thành phần này rất đông, và thậm chí, họ có thể cạnh tranh quyền lực với Tô Lâm và nhóm Hưng Yên.

Là người đứng đầu Đảng Cộng sản, cơ hội để ghi lại dấu ấn lịch sử đang nằm trong tay Tô Lâm. Nếu ông có thể thay đổi chính trị một cách triệt để, thì ông sẽ là nhân vật còn nổi bật hơn cả ông Hồ Chí Minh. Vấn đề là, liệu ông có dám làm hay không?

Việt Nam đã trải qua rất nhiều đời tổng bí thư, hầu hết đều sụp lạy dưới các tượng đài Cộng sản, như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, để rồi cuối cũng cũng chỉ là những tổng bí thư mờ nhạt. Liệu rằng, ông Tô Lâm có thoát được cái “dớp” của những người tiền nhiệm hay không, thì chỉ có tương lai mới trả lời.

Đất nước này không của riêng ai, đáng lẽ, phải trả lại cho 100 triệu dân. Đảng Cộng sản cũng tham gia vũ đài chính trị một cách công bằng, như các đảng phái khác. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản đã chiếm dụng, và trục lợi vì mục đích riêng, khiến đất nước tan nát và mất quá nhiều cơ hội để phát triển. Người dân phải tốn quá nhiều xương máu trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn.

Liệu ông Tô Lâm có đủ sáng suốt để thay đổi hay không? Chỉ có tương lai mới trả lời được.

 

Thái Hà – Thoibao.de