Vấn nạn tham nhũng nghiêm trọng trong ngành xuất bản, giáo dục

Ngày 24/9, RFA Tiếng Việt cho hay, “Hối lộ trong ngành xuất bản: thông đồng móc túi dân?”.

RFA cho biết, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Nguyễn Đức Thái bị đề nghị truy tố, vì đã nhận tổng cộng 24,9 tỷ đồng, để nâng đỡ cho doanh nghiệp trúng thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa.

Hành động của ông Thái nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực, đồng thời giúp doanh nghiệp “đưa hối lộ”, lũng đoạn thị trường sách giáo khoa.

Theo RFA, thông tin ông Thái bị đề nghị truy tố, được nhiều phụ huynh và cả giới chức trong ngành giáo dục, phát hành sách, tỏ ra hài lòng. Nhiều người trong số họ còn cho rằng, các ngành chức năng cần xử lý nghiêm vụ việc.

RFA dẫn nhận định của thầy giáo Đỗ Việt Khoa, từ Hà Nội, cho rằng:

“Qua việc ông cựu Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục vừa bị phát hiện tham nhũng đến 25 tỷ đồng, có thể nói, quan chức ở Việt Nam mấy năm gần đây cứ động đến ai là người đấy sẽ có tham nhũng. Nó cho thấy, ngành giáo dục cũng như các ngành khác, như xuất bản, một khi có sự bao cấp, bảo vệ, che chắn, thì quan chức hết sức lộng hành. Nghiêm trọng nhất là sách giáo khoa, ảnh hưởng đến toàn dân, ảnh hưởng những đứa trẻ từ bé đến lớn. Vậy mà, nhiều kẻ sẵn sàng làm việc táng tận lương tâm, thông đồng nhau để móc túi người dân.”

Theo thầy Đỗ Việt Khoa, nhận hối lộ của các doanh nghiệp để nâng giá thành sản phẩm, là một trò tham nhũng rất phổ biến ở Việt Nam:

“Có thể nói, nhiều công trình xây dựng trường học tại Việt Nam cũng trong tình trạng như thế, ngân sách thất thoát ít thì 30%, nhiều tới 50%. Tình trạng này cực kỳ phổ biến, do Việt Nam đang không có một cơ chế giám sát quyền lực, những vị cán bộ cầm quyền, do đó, mặc sức lộng hành, mặc sức tham nhũng… và rất ít khi bị phát hiện.”

RFA trích dẫn truyền thông nhà nước, cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an C03, hôm 24/9 khẳng định, có “lợi ích nhóm” trong vụ án đấu thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa ở Nhà xuất bản Giáo dục.

RFA dẫn nhận xét của Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, từ Sài Gòn, cho rằng, tham nhũng là căn bệnh trầm kha của kinh tế nhà nước:

“Chuyện ông Thái tham nhũng số tiền lớn như vậy, đó là bệnh chung của tất cả các công ty nhà nước.”

“Đây không phải vấn đề riêng của Nhà xuất bản Giáo dục, bất cứ cơ quan nhà nước nào cũng có nạn tham nhũng, ít hay nhiều. Vấn đề đặt ra là, quản trị các công ty nhà nước như thế nào, trong đó có Nhà xuất bản Giáo dục, chứ không nên tách Nhà xuất bản Giáo dục ra, như một trường hợp đặc biệt, như vậy, thật sự không thể giải quyết vấn đề.”

RFA cũng cho biết, sách giáo khoa nhiều năm qua liên tục tăng giá, khiến nhiều phụ huynh than vãn. Trong khi, Nhà xuất bản Giáo dục là doanh nghiệp độc quyền, từ biên tập, thiết kế, chế bản, xuất bản, in, cho đến phát hành, kinh doanh, đối với sách giáo khoa được biên soạn.

RFA đưa ra câu hỏi mà người đề cập, rằng, việc bồi thường cho phụ huynh học sinh đã mua sách giá cao, vì bị đội giá do chi phí hối lộ, sẽ ra sao?

Về vấn đề này, thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng:

“Chuyện mong muốn đó thì dân tình người ta mong muốn, nhưng có lẽ không bao giờ thực hiện được, Việt Nam là như thế… Quan chức đã tham nhũng, đã làm thiệt hại cho người dân, thì người dân chịu, nhà nước mất thì nhà nước cũng chịu. Hầu như không thu hồi được và cũng chẳng bao giờ bồi thường thỏa đáng cho người dân. Cho nên, tóm lại, nhân dân vẫn là người thiệt thòi.”

RFA lưu ý thêm, trong khi, ngoài chi phí sách giáo khoa, vào mỗi đầu năm học, phụ huynh học sinh phải đóng rất nhiều khoản tiền phụ thu khác nhau, mà với một số gia đình là khoản chi phí không nhỏ.

 

Xuân Hưng – thoibao.de