Việt Nam đang trở thành một đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á: Sự thật hay tin đồn?

Chỉ sau chưa đầy 2 tháng giữ chức Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, ông Tô Lâm được giới quan sát quốc tế đánh giá là người thực dụng hơn là giáo điều như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Tô Lâm tập trung vào phát triển kinh tế và ổn định chính trị, hơn là những vận động giáo điều.

Cuộc gặp giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã đem lại điểm cộng cho ông đối với quốc tế và trong nước, nhưng sẽ là điểm trừ cho ông đối với Nga và Trung Quốc.

Theo giới quan sát, ông Tô Lâm gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào chiều 25/9, bên lề Kỳ họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, được coi là một phần trong chiến lược của Hoa Kỳ nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á, trước sự gia tăng ảnh hưởng ngày càng cao của Trung Quốc trong khu vực.

Đáng chú ý, trước đó cú bắt tay giữa ông Tô Lâm và Tổng thống Zelensky có thể sẽ mở ra cơ hội hợp tác về quân sự giữa Việt Nam và Ukraine. Trong bối cảnh, Việt Nam đã giảm bớt việc mua vũ khí Nga, thì khí tài của Ukraine, nhất là hệ thống phòng không và máy bay không người lái, chắc chắn sẽ rất cần cho Việt Nam.

Ngoài ra, kinh nghiệm tác chiến của Ukraine sẽ là bài học giá trị cho Quân đội Việt Nam, trong việc tổ chức phòng thủ, để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

Đáng chú ý hơn nữa, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, sau khi ông Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Biden vài giờ, thì quân đội Trung Quốc đã bắn hỏa tiễn liên lục địa. Đây là loại tên lửa có tầm bắn tới đất liền của Hoa Kỳ. Hỏa tiễn này không mang đầu đạn thật, cũng như không nhắm vào quốc gia nào, và đã rơi xuống vùng biển quốc tế. Quân đội Trung Quốc khẳng định, vụ bắn thử này là việc thường kỳ và đã có lịch từ trước.

Theo giới phân tích, cuộc gặp mặt ngắn ngủi với ông Biden, sẽ giúp ông Tô Lâm chứng minh sự “trung lập” của Việt Nam, trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc, kể cả các đối thủ của Hoa Kỳ, là Trung Quốc và Nga.

Từ đầu năm 2024, ông Tô Lâm đã có chuyến đi quan trọng, tới Trung Quốc để tiếp xúc và hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Trước đó, trên cương vị Chủ tịch nước, ông cũng đã tiếp Tổng thống Nga Putin tại Hà Nội, vào tháng 6/2024.

Chuyến đi của ông Tô Lâm tới New York lần này, phản ánh quan điểm cân bằng của chính quyền Việt Nam, đồng thời, cũng muốn khẳng định, Việt Nam là một thành viên của Liên Hợp Quốc có ảnh hưởng trong địa chính trị toàn cầu.

Do vậy, các nghi ngờ cho rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban lãnh đạo Việt Nam đang tiến tới trở thành một đồng minh của Hoa Kỳ, là điều thiếu căn cứ.

Dưới con mắt của Chính phủ Mỹ thời Tổng thống Biden, Việt Nam là một đất nước có vị trí địa chiến lược ở Đông Nam Á, đồng thời là một trong những trung tâm sản xuất, chế tạo… và là nơi mà nước Mỹ muốn thắt chặt mối quan hệ, với mục đích làm đối trọng với Nga và Trung Quốc.

Vấn đề quan trọng hơn, yếu tố ý thức hệ là một trong những nguyên nhân chính, đằng sau việc Hoa Kỳ không công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Việc các tướng lĩnh quân đội cáo buộc trường Đại học Fulbright Việt Nam, đang thực hiện một âm mưu tổ chức “cách mạng màu”, cho thấy, giới chức lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam vẫn nghi ngờ mục tiêu thực sự của Mỹ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, là lãnh đạo Đảng Cộng sản đầu tiên được mời làm diễn giả và đọc tham luận tại một trường đại học Mỹ, đã khẳng định, Việt Nam “chọn đối thoại thay vì đối đầu”, và nhấn mạnh “thiện chí hợp tác” với Mỹ, trên tất cả các lĩnh vực.

 

Trà My – Thoibao.de