Nếu làm Tổng Bí thư kiêm nhiệm Chủ tịch nước, ông Tô Lâm có thêm sức mạnh đối với các chính sách ngoại giao. Đây cũng là cơ hội lớn để Tô Lâm lấy lòng Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu chỉ giữ chức vụ Tổng Bí thư, ông sẽ bị hạn chế hơn trong việc thể hiện chính sách ngoại giao, do ông chỉ đạo.
Phe quân đội nắm chức Chủ tịch nước, sẽ là ẩn số. Bởi nếu phe này đoàn kết, thì họ có thể giành thế thượng phong trước phe công an. Trong quá khứ, phe quân đội được cho là không đoàn kết, không có nghĩa là trong tương lai họ cũng không đoàn kết.
Sau khi Tô Lâm lên nắm quyền, các phe phái khác đều cảm nhận được sự ngột ngạt, dưới sự cai trị của ông. Biết đâu, vì vậy mà các phe trong quân đội sẽ lại gác mâu thuẫn nội bộ, để đoàn kết thì sao? Nếu phe quân đội nắm giữ một tứ trụ và Bộ Quốc phòng, lúc đấy, không phải Tô Lâm muốn làm gì cũng được. Khi đó, quyền lực phe công an sẽ bị thế lực khác cân bằng.
Chiếm được ghế Tổng Bí thư chỉ trong vòng vài tháng đảo chính mềm ngắn ngủi, nhưng sau đó, Tô Lâm mới thấy sự thiếu hụt nhân sự cho những vị trí quan trọng. Xem ra, việc thiết lập thế thượng phong cho nhóm Hưng Yên đang gặp thử thách nghiêm trọng.
Dù muốn hay không, Tô Lâm cũng phải để ghế Thường trực Ban Bí thư cho thế lực khác, bởi thế lực Hưng Yên không có khả năng trám vào. Trong Ban Bí thư, vẫn còn đó 2 uỷ viên Bộ Chính trị thuộc nhóm Nghệ An, 2 uỷ viên thuộc nhóm Hà Tĩnh. Nếu Nghệ An và Hà Tĩnh liên minh, họ có đến 4 uỷ viên Bộ Chính trị trong Ban Bí thư, con số áp đảo so với nhóm Hưng Yên của Tô Lâm.
Từ trước khi lên Tổng Bí thư, Tô Lâm đã cho đánh mạnh vào Phan Đình Trạc, bằng cách cho bắt Nguyễn Văn Yên – cấp phó của ông Trạc. Tô Lâm cũng cho tấn công vào Công ty Cây xanh Công Minh, mà theo nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, là sân sau của ông Trần Cẩm Tú. Tuy nhiên, đến bây giờ, đã qua nhiều tháng, 2 vụ án trên vẫn dậm chân tại chỗ. Tô Lâm vẫn chưa hạ được 2 nhân vật hàng đầu của nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh này. Xem ra, để đánh gục Phan Đình Trạc và Trần Cẩm Tú khó hơn đánh Vương Đình Huệ rất nhiều.
“Cỏ dại” nếu không nhổ được, thì nó sẽ phát triển, đấy là quy luật tự nhiên. Trong Ban Bí thư, nếu ông Tô Lâm không nhổ được 2 nhân vật hàng đầu nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh, thì chắc chắn, họ sẽ tìm cách ngoi lên ngay tại nơi được xem là “ngôi nhà riêng” của Tổng Bí thư.
Sắp tới đây, rất có thể ông Lương Cường sẽ chuyển từ ghế Thường trực Ban Bí thư sang ghế Chủ tịch nước. Trong khi đó, nhóm Hưng Yên không có ai đủ khả năng để thay thế, thì đấy lại là cơ hội lớn cho 2 nhân vật hàng đầu của nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh.
Hiện nay, các nhóm có lực lượng được xem là mạnh hàng đầu ở Bộ Chính trị, đó là Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, mỗi nhóm đều có 2 uỷ viên Bộ Chính trị. Tuy nhiên, số uỷ viên Trung ương Đảng của nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh đông gấp đôi so với nhóm Hưng Yên. Như vậy, nhân sự của nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh dồi dào hơn nhân sự của nhóm Hưng Yên. Ở Đại hội 14 sắp tới, nếu không cẩn thận, có thể, số uỷ viên Bộ Chính trị của 2 nhóm này sẽ vượt lên nhóm Hưng Yên.
Sau khi ông Vương Đình Huệ ngã ngựa, cơ hội vẫn chưa hết cho nhóm Nghệ An, thậm chí nhóm này còn có khả năng hồi sinh mạnh mẽ hơn.
Nhóm Hà Tĩnh cũng đang phát triển rất tốt, mặc dù mới đây, ông Đặng Quốc Khánh đã bị loại ra khỏi vũ đài chính trị. Tuy nhiên, nhân sự của nhóm này vẫn còn rất đông. Đặc biệt là ông Trần Hồng Hà, khả năng cao sẽ vào Bộ Chính trị khóa sau.
Tóm lại, Tô Lâm đang gặp khó, và đây là cơ hội rất lớn cho nhóm Nghệ – Tĩnh trỗi dậy, lấy lại những gì đã mất.
Hoàng Phúc – Thoibao.de