Bí đường, Phan Văn Mãi kêu gọi dân góp tiền. Tiền sẽ đi về đâu?

Ngày 3/10, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lên báo kêu gọi người dân mua trái phiếu, để cùng thành phố làm đường sắt đô thị. Sài Gòn cần 36 tỉ USD để làm 183km đường sắt đô thị này.

Được biết, nhà nước phát hành trái phiếu, là hình thức vay tiền của người dân để làm các dự án công. Việc vay tiền dân để làm dự án, không phải là mới mẻ và quốc gia nào cũng thực hiện. Tuy nhiên, với hệ thống công quyền của Việt Nam hiện nay, thì khi tiền lọt vào tay chính quyền Cộng sản, chắc chắn sẽ bị xà xẻo không ít.

Dự án đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên vẫn còn đó. Dự án này được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2007, được khởi công vào năm 2008, với tổng mức đầu tư ban đầu chỉ hơn 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án được điều chỉnh lên hơn 47.000 tỷ đồng, tăng thêm 30.000 tỷ đồng so với dự tính. Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là hơn 41.800 tỷ đồng, còn lại là vốn từ ngân sách thành phố.

Tuy nhiên, dự án này đến nay vẫn chưa hoàn thành. Tính ra, dự án đã kéo dài 17 năm chưa xong. Tất nhiên, việc chậm tiến độ bị đổ lỗi cho hàng trăm lý do có vẻ khách quan. Nhưng lý do thực sự là sự yếu kém của chính quyền thành phố. Họ đổ lỗi cho việc chậm giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, thực tế là, chính quyền thu đất của dân rẻ như bèo, thì làm sao dân chịu hợp tác?

Đáng nói là, các dự án bất động sản xung quanh tuyến đường sắt này được các đại gia mua, thông qua bàn tay của chính quyền, rồi xây dựng và bán lại với giá rất cao. Lấy đất của dân thì rẻ, làm sự án bán cho dân thì đắt đỏ, đã tạo ra bất công xã hội ngất trời.

Chậm tiến độ đồng nghĩa với việc đội vốn đầu tư. Tuy nhiên, không hẳn số vốn đầu tư bị đội lên chảy hết vào dự án, bởi nếu vậy thì tiến độ dự án đã không bị chậm. Thực tế, chủ yếu vốn bị đội lên đã chảy vào túi quan tham. Nhưng số tiền đội vốn ấy rồi cũng chính người dân phải gánh chịu, bằng khoản nợ công chồng chất.

Vốn cho dự án đường sắt Bến Thành – Suối Tiên được vay ODA từ Nhật Bản. Nhà thầu Nhật thực hiện dự án và bị vướng vào 2 vấn đề, khiến dự án chậm tiến độ. Thứ nhất, chính quyền không giao mặt bằng theo tiến độ. Thứ nhì là chính quyền thanh toán chậm. Hai yếu tố này đều do sự yếu kém của chính quyền Cộng sản mà ra.

Hiện nay, nguồn vốn vay ODA đã cạn dần, những nước giàu cũng tỏ ra ngao ngán, không còn muốn cho chính quyền tham nhũng của Việt Nam vay nữa.

Không vay được của nước ngoài, thì lại tìm cách vay của dân.

Nhưng đến chính quyền Nhật Bản còn không ép được chính quyền Việt Nam thực hiện nghĩa vụ tài chính một cách tử tế, thì làm sao người dân Việt Nam buộc được họ phải thực hiện đúng cam kết. Quản lý giỏi như người Nhật, còn không ngăn được sự phàm ăn của giới quan chức Cộng sản, thì làm sao người dân có thể ngăn cản được.

Chính quyền vay tiền dân, đưa ra lý do là làm đường sắt đô thị, nhưng thực chất, đường sắt đô thị chỉ là cái cớ, để quan tham xà xẻo. Dự án đường sắt Bến Thành –  Suối Tiên do Nhật cho vay tiền và thi công, mà sau 17 năm vẫn chưa xong. Vậy, dự án sắp tới, khi không bị ràng buộc bởi yếu tố nước ngoài, thì sau bao nhiêu năm mới xong?

Quản lý yếu kém và tranh ăn, là 2 lý do chính khiến cho mọi dự án công đều thất bại, hoặc bị đội vốn. Dù là tiền vay nước ngoài hay tiền vay trực tiếp từ dân, thì kết quả, nhân dân cũng phải gánh chịu.

Ở nước dân chủ, công trình công ích là để giúp dân và làm đẹp bộ mặt quốc gia, còn Việt Nam, những công trình này là cơ hội cho quan tham đầy túi, và nhân dân gánh nợ.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de