Thích Chân Quang  bị dí “vào chân tường”, Đại học luật Hà Nội có nguy cơ “lòi mặt chuột”!

Ngày 9/10, báo Thanh Niên cho hay, “Vụ bằng tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt chưa xử lý thỏa đáng, minh bạch”.

Theo bài báo, Cơ quan Quốc hội đánh giá, vụ bằng cấp của ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) là trường hợp “học giả bằng thật”, làm dậy sóng dư luận xã hội, song, chưa được xử lý thỏa đáng, minh bạch.

Việc trường Đại học Luật Hà Nội cho ông Vương Tấn Việt hoàn thành học bù, cả chương trình thạc sĩ lẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ, chỉ trong vòng 2 năm, đã cho thấy, trường này sai phạm nghiêm trọng trong quy trình đào tạo. Rõ ràng, bằng tiến sĩ của ông Việt là bằng thật, nhưng quá trình học lại là giả tạo. Nói thẳng ra, đây là cách mà các trường đại học bán bằng.

Ngay sau khi ông Việt tung clip bảo vệ luận án tiến sĩ, thì dư luận đã chỉ ra những luận điểm yếu kém, thậm chí là sai trái, trong nội dung luận án này. Không rõ, có ai đó đã viết thay, hay ông Vương Tấn Việt tự viết. Nếu có người viết hộ, thì cả người này cũng không đủ trình độ tiến sĩ, để có thể bán luận án cho ông Việt.

Nếu vấn đề chỉ là sai phạm của một mình ông Vương Tấn Việt, thì vụ việc đã không bị dây dưa đến bây giờ. Hiện cả bộ máy chính quyền vẫn đang lúng túng, không biết nên xử lý thế nào. Nếu làm đến nơi đến chốn, thì bắt buộc phải lôi ra cả bộ máy quản lý và giảng dạy tại trường Đại học Luật Hà Nội. Rất có thể, đây là một đường dây bán bằng thật (học giả) mà trường này đang kinh doanh, đằng sau ánh hào quang của một trường đại học top đầu.

Dư luận cho rằng, rất nhiều trường đại học danh tiếng ở phía Bắc, đang thực hiện những chương trình bán bằng như thế, thông qua các khóa đào tạo được liên kết để mở ở các khu vực khác. Đặc biệt là tại Sài Gòn – nơi hội tụ rất nhiều khách hàng tiềm năng, những người có tiền nhưng thiếu văn bằng.

Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay rất bát nháo. Rất nhiều trường đại học được phép dựng lên, vơ vét sinh viên cho đủ số lượng, rồi đào tạo qua loa và cấp bằng. Từ đó hình thành nên một thành phần có bằng đại học và trên đại học, nhưng lại không có kiến thức tương xứng. Ngoài ra, các hệ đào tạo khác, như hệ tại chức, hệ từ xa, hệ vừa học vừa làm… của các trường đại học, lâu nay vẫn cho ra đời một lượng lớn cử nhân yếu kém. Đây chính là lượng khách hàng có nhu cầu học lên văn bằng cao hơn, mà không muốn hoặc không có khả năng học tập. Họ rất cần bằng cấp cao để khoe mẽ, hoặc để tiến thân, đặc biệt là trong cơ quan nhà nước.

Việc kinh doanh “bằng thật học giả” đã tạo ra nguồn thu ngoài luồng rất lớn, cho các trường đại học có tiếng ở phía Bắc. Trường Đại học Luật Hà Nội có nguy cơ bị phanh phui, thông qua vụ bán bằng cho Thượng tọa Thích Chân Quang.

Đứng trước nguy cơ lộ tẩy “cả ổ”, thì có khả năng, Bộ Giáo dục phải làm lơ đi chuyện này. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như thế. Việc làm lơ vụ tiêu cực xảy ra ở Đại học Luật Hà Nội mấy tháng qua, không dễ dàng, bởi dư luận luôn muốn khơi lại vụ này để làm cho ra nhẽ.

Dư luận quá mạnh khiến Quốc hội phải vào cuộc. Tuy nhiên, để khẳng định, đây là cách mà bộ máy nhà nước xoa dịu dư luận, hay thật sự muốn xử lý đến nơi đến chốn, thì cần phải chờ thêm thời gian quan sát.

Nguyên nhân sâu xa nhất của vụ mua bán bằng tiến sĩ này, là ngành giáo dục Việt Nam đã quá thối nát. Từ đó mới để xảy ra những hiện tượng tiêu cực, nhằm thu lợi bất chính.

Nếu Bộ Giáo dục quản lý và làm tốt chức năng của họ, thì Đại học Luật Hà Nội làm sao dám ngang nhiên bán bằng? Nếu Đại học Luật Hà Nội làm đúng, thì làm sao có thể xuất hiện một Vương Tấn Việt mang bằng đi khè khắp thiên hạ, để lừa con nhang đệ tử?

Cái gốc của mọi gốc, vẫn là chế độ! Chế độ đã quá nát, nên nhìn đâu cũng nát. Hết thuốc chữa!

 

Thái Hà – Thoibao.de