Bầu Chủ tịch nước mới để cân bằng quyền lực giữa quân đội và công an, giữ ổn định chính trị

Ngày 22/10, BBC Tiếng Việt bình luận “Lý do bầu Chủ tịch nước mới mà không để Tổng Bí thư Tô Lâm kiêm nhiệm”.

BBC nêu vấn đề: Đại tướng Lương Cường đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15, thay cho ông Tô Lâm. Vì sao ông Tô Lâm không tiếp tục kiêm nhiệm 2 chức vụ?

BBC dẫn nhận định của Giáo sư Alexander Vuving, từ Mỹ, cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam chưa sẵn sàng cho việc sáp nhập, nhất thể hóa 2 chức vụ cao nhất: Tổng Bí thư và Chủ tịch nước.

Theo Giáo sư Vuving, ý tưởng về chuyện sáp nhập 2 chức vụ kể trên, đã được đem ra tranh luận trong 2 thập kỷ qua, nhưng chưa bao giờ trở thành quan điểm chiếm ưu thế trong giới lãnh đạo Việt Nam.

BBC cho biết, trong lịch sử, chỉ có ông Hồ Chí Minh, ông Trường Chinh, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tô Lâm, từng kiêm nhiệm cả 2 chức vụ lãnh đạo Đảng và nhà nước. Trong các trường hợp Trường Chinh, Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm, việc giữ 2 chức danh này chỉ là giải pháp tình thế, sau khi chủ tịch nước hoặc tổng bí thư đương nhiệm đột ngột qua đời. Do đó, các trường hợp này chưa thể coi là nhất thể hóa.

BBC dẫn phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trả lời báo Viettimes mới đây, cho rằng, nếu đường lối, chính sách vẫn do Đảng quyết, thì việc Tổng Bí thư giữ chức Chủ tịch nước chỉ là việc kiêm nhiệm, chứ không phải “nhất thể hóa”.

Giáo sư Alexander Vuving nói với BBC rằng, chính ông Trọng đã phản đối việc nhất thể hóa, cho rằng, việc tập trung quá nhiều quyền lực vào tay một cá nhân là không tốt. Và sau khi ông Trọng qua đời, “ông Tô Lâm có lẽ đã không thể thuyết phục được giới lãnh đạo Đảng nhất thể hóa sự tập trung quyền lực tạm thời của mình”.

BBC dẫn phân tích của Giáo sư Carl Thayer, từ Úc, cho rằng:

“Ông Nguyễn Phú Trọng đã giữ chức Tổng Bí thư từ năm 2011, đã kinh qua và gánh vác một khối lượng công việc nặng nề hơn nhiều, so với vị trí Chủ tịch nước. Do đó, ông dễ dàng làm tròn trọng trách cả 2 vị trí này.”

Ngược lại, ông Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước vào tháng 5/2024, chưa đầy 3 tháng sau, ông lên làm Tổng Bí thư.

Giáo sư Alexander Vuving cho rằng, việc lựa chọn ông Lương Cường làm Chủ tịch nước, còn phản ánh nỗ lực duy trì cân bằng quyền lực trong Đảng, giữa công an và quân đội.

“Sự cạnh tranh xoay quanh cán cân quyền lực giữa 2 lực lượng vũ trang của chính đảng, theo tư tưởng Lenin.”

“Đảng muốn quay lại với Tứ Trụ, một sự sắp xếp cần thiết cho “lãnh đạo tập thể” của Đảng. Sự lãnh đạo tập thể này đã ổn định đời sống nội bộ của Đảng, trong nhiều thập kỷ, vì vậy Đảng không muốn làm lung lay nền tảng này” – ông Vuving nói.

Giáo sư Carl Thayer nói với BBC rằng, quân đội muốn cân bằng quyền lực với công an, nên mới đề cử người của mình vào vị trí Chủ tịch nước.

Ông Thayer nói thêm, ông Tô Lâm là Tổng Bí thư đầu tiên xuất thân từ công an, và việc cân bằng, tìm kiếm sự ủng hộ giữa các phe phái, sẽ là bài toán cho ông. Vì vậy, việc để một đại diện được cho là của phía quân đội giữ chức Chủ tịch nước, sẽ giúp xoa dịu, tránh xung đột nội bộ.

Giáo sư Thayer cũng lưu ý, tuy Bộ Chính trị có nhiều ủy viên đi lên từ Bộ Công an, nhưng không có bằng chứng gì cho thấy, những người này một lòng đoàn kết, bắt tay nhau dưới sự chỉ đạo của ông Tô Lâm. Cho nên, sự cân bằng giữa 2 lực lượng vũ trang là có, và nó đã có từ lâu nay, nhưng cán cân không phải nghiêng hẳn về bên công an.

Theo BBC, các nhà quan sát đánh giá, Bộ Chính trị sẽ sớm phân công một ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Thường trực Ban Bí thư.

 

Ý Nhi – thoibao.de