Ngày 31/10, báo Vnexpress đã loan tin về “Phi vụ “chạy chức” Phó Giám đốc Công an tỉnh bất thành”.
Cụ thể, một bác sĩ ở Đồng Nai đã nhờ cán bộ công an tên Bùi Xuân Phúc, 46 tuổi, và luật sư, “chạy” cho người bạn lên chức Phó Giám đốc Công an tỉnh, với giá 14 tỷ đồng, nhưng bị lừa.
Vụ việc cho thấy một thực trạng, đằng sau tấm mặt nạ “công an nhân dân vì dân phục vụ” của ngành, mà ông Tô Lâm làm chủ soái – Đấy là tình trạng chạy chức chạy quyền trong bộ máy công an. Có lẽ, vị nữ bác sỹ trong câu chuyện trên chạy không đúng người, nên bị lừa.
Theo luật của chính quyền Cộng sản, Bộ trưởng Bộ Công an là người có quyền ký quyết định bổ nhiệm, hoặc thuyên chuyển, giám đốc và các phó giám đốc công an tỉnh. Vậy thì trước kia, muốn chạy được chức, phải nhét tiền vào tay Tô Lâm, chứ sao lại nhét tiền cho ai đó? Chạy không đúng người thì “tiền mất tật mang” mà thôi.
Nguồn tin nội bộ cung cấp cho thoibao.de biết, việc Đảng trao quyền bổ nhiệm giám đốc và phó giám đốc công an tỉnh vào tay Bộ trưởng Bộ Công an, tức là trao túi tiền vào tay người đứng đầu ngành. Thực tế, để được thuyên chuyển đến những tỉnh giàu, các sĩ quan công an phải biết đường chạy chọt lên đến Bộ trưởng, thì mới đạt hiệu quả mong muốn. Tùy theo chức vụ của từng tỉnh, giá có thể dao động, nhưng thường không dưới 1 triệu đô.
Cũng có những nhân vật được giao vị trí ngon ăn, nhưng không tốn tiền chạy chọt. Số này thường là đệ tử ruột của Tô Lâm, như Vũ Hồng Văn, Đinh Văn Nơi vv…
Thông thường, Bộ trưởng sẽ không trực tiếp nhận tiền, mà ủy nhiệm cho trung gian. Chính vì lẽ đó, một số người đã mạo nhận là có quen đến cấp bộ trưởng, để lừa người khác. Vị bác sĩ trong câu chuyện trên không biết đường đi nước bước, nên đã bị lừa. Thực tế, hầu hết các tướng tá công an đều biết đâu là đại lý, đứng ra nhận tiền chạy chọt giúp Bộ trưởng.
Theo dân trong ngành, 14 tỷ đồng cho chức Phó Giám đốc Công an tỉnh, được xem là quá “bèo”. Bộ trưởng không bao giờ cắn miếng “nhỏ” như thế.
Năm 2020, Trần Trí Mãnh là Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn thương mại và sản xuất Gia Thịnh (ở Châu Đốc, tỉnh An Giang), tìm cách chạy thuyên chuyển Đinh Văn Nơi rời khỏi An Giang, với giá 20 tỷ. Ông Mãnh sau đó bị bắt, cũng bởi chạy không đúng người. Chuyển ông Nơi đi nơi khác là quyết định của Bộ trưởng Tô Lâm. Ông Mãnh tìm không đúng đại lý, nên nhận trái đắng.
Tuy nhiên, sau đó, ông Nơi cũng được chuyển ra Quảng Ninh, một tỉnh giàu giáp biên giới Trung Quốc. Nhưng ông Nơi bị chuyển, là do ông Tô Lâm cần dùng để điều tra, khai thác cơ sở của Phạm Minh Chính thời còn làm Bí thư tỉnh này. Vì ông Nơi được Tô Lâm xem là tướng thiện chiến.
Hiện nay, Tô Lâm đã lên đỉnh cao quyền lực, với chức Tổng Bí thư. Với vị trí này, ông ban hành chiếu chỉ, cho phép lính tha hồ đánh chén tiền túi nhân dân. Mới đây, ông đã cho phép Lương Tam Quang ký ban hành thông tư 46/2024, bãi bỏ hình thức người dân giám sát công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông bằng thiết bị ghi âm, ghi hình. Đây chính là một hình thức che chắn để công an tha hồ làm luật với nhân dân.
Ở thượng tầng, ông cựu Bộ trưởng Bộ Công an đã no nê từ đặc quyền đặc lợi mà Đảng ban cho, trong đó có quyền bổ nhiệm giám đốc và phó giám đốc công an tỉnh. Sau khi no nê, chủ soái ban cho thuộc hạ được hưởng những quyền lợi nhỏ. Tuy nhiên, thuộc hạ quá đông, nên dân sẽ bị móc túi rất nhiều, không thể cân đo đong đếm được.
Thông tư 46 là Bộ trưởng cho phép lính móc túi dân, sau đó, Bộ trưởng lại móc túi thuộc hạ và cung tiến lên trên. Cho cấp dưới thoải mái làm kinh tế, thì cấp trên mới rủng rỉnh tiền, và bung tiền chạy chức với giá cao hơn.
Bản Thông tư 46 cũng là cách gián tiếp, Bộ trưởng ban bổng lộc cho chính mình.
Thái Hà – Thoibao.de