Cần phải dẹp bỏ tuyên giáo để cởi trói cho tự do ngôn luận và xã hội dân sự

Ngày 1/11, VOA Tiếng Việt có bài: “2 nhà hoạt động: Tuyên giáo không còn hợp thời, nên dẹp; cần cổ súy xã hội dân sự”.

Theo đó, VOA cho biết, nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam mới đây, căn dặn bộ máy tuyên giáo chớ có giáo điều, nói không đi đôi với làm, 2 nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội nói rằng ngành tuyên giáo đã lỗi thời, hại nhiều hơn lợi và nên dẹp bỏ.

VOA trích tường thuật của một số báo nhà nước, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm họp với Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng hôm 29/10, và đề ra mục tiêu của công tác tuyên giáo “trong giai đoạn cách mạng mới” là phải tạo ra sự thông suốt, đoàn kết, nhất trí “trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ông Tô Lâm đề nghị tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên giáo và ông cảnh báo rằng “nếu đội ngũ cán bộ làm tuyên giáo không thực chất, không thực lòng, không đổi mới, không sáng tạo thì không đi vào lòng người, lòng dân”.

VOA dẫn lời cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng, nhận xét, cuộc họp của ông Tô Lâm với Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy cơ quan này có tầm quan trọng trong hệ thống chính quyền.

Ông Hùng lập luận rằng, Ban Tuyên giáo Trung ương là công cụ của chính quyền thực hiện việc tuyên truyền “nhồi sọ, một chiều, dối trá”, theo cách dùng từ của ông, để “biện bạch về sự tồn tại của hệ thống” và thúc đẩy “tín điều sai trái về chủ nghĩa Marx – Lenin”.

“Nếu muốn đất nước này thực sự bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm, tôi nghĩ Ban Tuyên giáo cần phải là một trong những cơ quan đầu tiên bị dẹp bỏ, vứt vào sọt rác” – Ông Hùng khẳng định.

VOA dẫn bình luận của nhà báo, nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh, cho rằng:

“Ít ai quan tâm, nói tới Marx – Lenin, đấu tranh giai cấp. Thời đại này thông tin qua truyền thông, mạng xã hội nhiều rồi. Người dân thích cái gì, người ta tìm đến cái đó. Người ta tập trung rất nhiều vào đời sống, cách làm ăn, cách sinh hoạt, vui chơi giải trí. Cần tuyên truyền về những điều đó, dân sống hữu ích hơn, lợi ích cho xã hội, cho cộng đồng”.

VOA nhắc lại, hồi tháng 9/2023, Liên Hiệp Quốc ra một báo cáo, trong đó nói rằng chính phủ Việt Nam đã ra tay tăng cường kiểm soát, ngăn cản, bắt bớ…, làm cho không gian hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự bị thu hẹp. Về vấn đề này, ông Chênh đưa ra nhận xét:

“Tổ chức xã hội dân sự xuất hiện rất nhiều từ 2005 đến 2015, 2016, nhưng sau đó bị đàn áp, bị dẹp, những người trong các tổ chức đó bị đi tù rất nhiều. Bây giờ, các tổ chức xã hội dân sự không còn hoạt động. Để phục hồi lại, có lẽ phải chờ sự cởi mở của nhà nước theo những cam kết của nhà nước với quốc tế về việc Việt Nam đổi mới”.

VOA cho hay, nhà hoạt động Lê Anh Hùng có chung suy nghĩ. Ông nói:

“Ở các nền dân chủ hiện đại, xã hội dân sự là xương sống, là một trụ cột. Muốn Việt Nam thực sự vươn mình lớn dậy trong kỷ nguyên mới, một trong những ưu tiên đầu tiên là phải tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời, và phát triển của hệ thống các tổ chức xã hội dân sự. Điều đấy chắc chắn sẽ góp phần lan tỏa ra những hiệu ứng tích cực khác trong xã hội”.

Theo ông Hùng, nếu nhà nước Việt Nam không can thiệp, người dân sẽ được thực hiện các quyền tự do cơ bản theo Hiến pháp, các tổ chức xã hội dân sự sẽ xuất hiện trở lại một cách tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân trong xã hội hiện đại.

“Chỉ cần Việt Nam gỡ những nút thắt, những trói buộc này, tự khắc các tổ chức xã hội dân sự sẽ ra đời và phát triển. Đồng thời, nếu Việt Nam gỡ bỏ những trói buộc khác, tự khắc đất nước sẽ vươn mình lớn dậy mà không một cần lời kêu gọi nào cả” – Ông Hùng đưa ra nhận định.

 

Thu Phương – thoibao.de