Phụ nữ Việt Nam vắng bóng tại chính trường

Ngày 1/11, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ”, của Giáo sư Zachary Abuza.

Tác giả cho hay, các hệ thống Cộng sản có mục đích là quân bình và không phân biệt giới. Nhưng ở Việt Nam cũng như Trung Quốc, bất chấp những lời lẽ hoa mỹ, các quốc gia này vẫn không đạt được những mục tiêu và lý tưởng đặt ra.

Tác giả lấy dẫn chứng, một số nhỏ phụ nữ thành công trong khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam, như tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và bà Trương Mỹ Lan, đã thiết lập một ngưỡng ngoạn mục, về các vụ rắc rối liên quan đến các tập đoàn. Bà Lan nhận 1 án tử hình và 1 án chung thân, trong 2 vụ án về gian lận và rửa tiền, tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).

Theo tác giả, Việt Nam thường được nói là, có tỷ lệ cao phụ nữ tham gia vào chính trường ở châu Á. Dựa vào số liệu của Quốc hội, với chỉ khoảng dưới 30% phụ nữ tham gia chính trường, Việt Nam hiện đứng trên các quốc gia khác ở ASEAN, trừ Philippines.

Nhưng, tác giả chỉ ra, ở một khía cạnh khác, Việt Nam còn ở rất xa so với mục tiêu mà mình tự đặt ra.

Việt Nam đã tự lập cho mình một ngưỡng cao, với mục tiêu là có 60% các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương, có các lãnh đạo then chốt là nữ; và 35% phụ nữ đại diện trong Quốc hội, đến năm 2030.

Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội vẫn còn thấp hơn mục tiêu đặt ra. Phụ nữ hiện chỉ chiếm 27% số đại biểu Quốc hội.

Vẫn theo tác giả, ngoài Quốc hội, còn có sự thiếu vắng của đại diện nữ ở cao cấp, và ở các con đường quan trọng dẫn đến vị trí lãnh đạo cấp cao. Đây là điều quan trọng để tỷ lệ đại diện của phụ nữ cao hơn, tiến tới các Đại hội Đảng 15 và 16, dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2031 và 2036.

Tác giả cho biết, hiện chỉ có 1 nữ lãnh đạo trong Bộ Chính trị 15 người, là bà Bùi Thị Minh Hoài, người vừa được bầu giữa kỳ tại Hội nghị Trung ương 9, vào tháng 5 vừa qua.

Bên cạnh đó, bà Trương Thị Mai, người phụ nữ duy nhất được bầu vào Bộ Chính trị 18 người, tại Đại hội Đảng 13, hồi tháng 1/2021, đã bị buộc phải từ chức, vào tháng 5 vừa qua, như một phần trong chiến dịch đốt lò chống tham nhũng đang diễn ra.

Khi đó, bà Mai là Thường trực Ban Bí thư – vị trí khiến bà là nữ chính trị gia có cấp bậc cao nhất trong lịch sử Việt Nam.

Tác giả cũng biết thêm, Bộ Chính trị khóa 12 là đỉnh điểm của sự tham gia của phụ nữ vào chính trường, với 3 phụ nữ nằm trong số 19 ủy viên Bộ Chính trị, chiếm 16%.

Tất cả những người này đều giữ vị trí lãnh đạo ở Quốc hội, bao gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, và bà Trương Thị Mai – lúc đó là Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội.

Bà Tòng Thị Phóng và bà Mai đều có mặt trong Bộ Chính trị khóa 11, và đều giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội.

Vì vậy, ngay cả ở trong Bộ Chính trị, con đường tiến tới quyền lực cho phụ nữ cũng thường là đi qua Quốc hội.

Tuy nhiên, tác giả nhận xét, một lĩnh vực mà phụ nữ tiếp tục thành công, đó là trong đội ngũ những nhà ngoại giao của Việt Nam.

Tác giả lưu ý, vẫn có một cơ hội để thay đổi tại Đại hội 14, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2026. Việc lên kế hoạch, bao gồm cả việc chuẩn bị thành phần cho Ban Chấp hành Trung ương khóa 14 đang được thực hiện.

Trong khi, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đang mất cân đối về nhiều mặt – chủ yếu mang tính vùng miền, Đảng phải vượt lên trên tính hình thức về đại diện nữ, ngay trong các cơ quan đưa ra quyết định cao nhất của mình – ông Zachary nhấn mạnh.

 

Minh Vũ – thoibao.de