Ngày 29/10, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, yêu cầu phải làm tốt hơn nữa vai trò của mình.
Báo VnExpress, ngày 31/10, đưa tin: “Phi vụ “chạy chức” Phó Giám đốc Công an tỉnh bất thành”. Bản tin cho biết, chiều 30/10, Tòa án Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử phiên phúc thẩm, để xem xét kháng cáo của 2 bị cáo là Phúc và Tính về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, năm 2015, một nữ bác sĩ tên là Oanh ở tỉnh Đồng Nai, đã nhờ Bùi Xuân Phúc cán bộ công an tỉnh này, cùng luật sư tên Tính tiến hành “chạy” cho ông Lê lên chức Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, với giá 14 tỷ đồng, nhưng bị lừa.
Sau nhiều lần hứa hẹn nhưng không có kết quả, đến tháng 3/2021 khi ông Lê nghỉ hưu, Bác sĩ Oanh yêu cầu bị cáo Phúc trả lại tiền, nhưng bị cáo Phúc nói đã đưa cho luật sư Tính “chung chi” cho người khác rồi, nên bà Oanh tố cáo sự việc.
Đáng chú ý, cũng trong thời gian trên, ngoài việc đưa cho Phúc 14 tỷ đồng để chạy chức cho ông Lê, thì bà Oanh còn nhờ Phúc lo cho “người tình” của mình là cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Đồng Nai, được lên chức Đội trưởng Cảnh sát Giao thông.
Câu chuyện kể trên là một trong muôn vàn các bằng chứng thể hiện vấn nạn chạy chức, chạy quyền trong ngành công an nói riêng, cũng như trong nhiều cơ quan nhà nước khác ở Việt Nam. Đây là một vấn đề nổi cộm và được công luận hết sức quan tâm.
Tình trạng một số cá nhân hoặc nhóm “lợi ích” lợi dụng quyền lực, tiền bạc và mối quan hệ, để đạt được các chức vụ hoặc vị trí mong muốn, thay vì dựa vào năng lực, phẩm chất và quá trình rèn luyện thực sự. Tình trạng này dẫn đến những hệ quả tiêu cực không chỉ cho riêng ngành công an, mà cả toàn xã hội.
Đồng thời, vấn nạn này cũng làm giảm uy tín của ngành công an, giảm sút lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc chạy chức chạy quyền có thể khiến các vị trí lãnh đạo rơi vào tay những người thiếu phẩm chất, năng lực, và đạo đức.
Như trường hợp cựu Phó Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý đã dựa vào Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm – đệ tử thân cận của ông Tô Lâm, đã sử dụng số tiền tới 6 triệu USD, để mua xuất quy hoạch vào ghế Ủy viên Bộ Chính trị của Đại hội Khóa 14, mà thoibao mới đưa tin gần đây, là một ví dụ điển hình.
Những cá nhân chạy chức, mua quyền thường phải bỏ ra khoản tiền lớn. Đến khi đã có vị trí, vai trò và quyền lực, họ phải tìm cách thu hồi vốn, điều đó sẽ gây ra một quy trình “luẩn quẩn”: Mua chức để tham nhũng; thu hồi vốn; rồi lại mua tiếp các chức vụ cao hơn trong bộ máy nhà nước để thăng tiến.
Quan trọng hơn, nó đã làm mất đi cơ hội của người có năng lực thực sự, những người làm việc có tâm, có tài, nhưng không có quan hệ, hoặc không muốn tham gia chạy chức.
Theo giới quan sát, mặc dù báo chí liên tục đưa các thông tin được cho là bất lợi cho ngành công an, vì tình trạng lực lượng “còn đảng, còn mình” này tham gia buôn bán và sử dụng chất cấm, hay chạy chức, chạy quyền rất phổ biến; nhưng đáng ngạc nhiên, các bài báo này hoàn toàn không bị chỉ đạo gỡ xuống như thông lệ thường thấy. Rõ ràng, đã có sự chỉ đạo từ cấp cao, có thể là Ban Tuyên giáo Trung ương. Đây là điều có liên quan đến cuộc chiến tranh giành quyền lực trong nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Công luận thấy rằng, để giải quyết tình trạng này, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam cần phải đưa ra các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn về quy trình bổ nhiệm.
Đồng thời, cần phải tăng cường sự giám sát của truyền thông báo chí, với vai trò của “cơ quan quyền lực thứ tư”, cũng như việc nâng cao tính minh bạch và công khai trong tuyển chọn, bổ nhiệm lãnh đạo…, để quần chúng nhân dân được biết.
Trà My – Thoibao.de