Ngày 31/10, tại Hội trường Quốc hội, ông Tô Lâm – Tổng Bí thư, đã nói rằng:
“Bộ máy cồng kềnh kìm hãm sự phát triển… ngân sách đang chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy, sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. Việc khó tăng lương vì phải chi 80 – 90% ngân sách cho bộ máy, như vậy không còn tiền để làm việc khác. Vì thế, phải tiếp tục tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên, để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Bộ máy cồng kềnh sẽ kìm hãm sự phát triển. Có bộ, ngành quản lý, nhưng không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, phải xin – cho, hỏi mãi không trả lời, mất thời gian.”
Sau lời phát biểu của ông Tô Lâm, xã hội đã có nhiều phản ứng trái chiều. Có người cho rằng, nếu doanh nghiệp nào mà chi đến 70% doanh thu để trả lương cho bộ máy quản lý, thì chắc chắn, doanh nghiệp đó sẽ phá sản. Cho nên, việc bộ máy chính quyền chi đến 70% ngân sách để trả lương, mà vẫn tồn tại, thì phải tìm cách phi chính thống để moi tiền. Ví dụ như nghĩ ra thêm đủ loại loại thuế phí, tăng thuế siết cổ dân, hay vay mượn nước ngoài, rồi đổ hết những khoản nợ đấy lên đầu thế hệ tương lai vv…
Lại có ý kiến cho rằng, việc tinh gọn bộ máy chính quyền là cần thiết. Không có quốc gia phát triển nào lại tồn tại song song 2 bộ máy – một bộ máy nhà nước và một bộ máy của Đảng.
Ở các nước tiến bộ, đảng phái chính trị không được hưởng ngân sách nhà nước, mà phải tự vận động để có nguồn thu. Tuy các nước dân chủ có nhiều đảng phái, nhưng không đảng nào gặm nhấm nguồn ngân sách quốc gia. Nhưng ở Việt Nam, bộ máy Đảng lại tự cho mình cái quyền dùng tiền thuế của dân để chi tiêu. Muốn tinh gọn bộ máy, trước hết phải dẹp bỏ bộ máy của Đảng.
Ngoài ra, các tổ chức xã hội do Đảng lập ra, được xem là cánh tay nối dài của Đảng, không đóng góp được gì cho xã hội, nhưng lại ngốn một nguồn ngân sách khổng lồ. Loại tổ chức này, có thể kể ra như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Mặt trận Tổ Quốc, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam vv…
Như vậy, muốn tinh giảm bộ máy chính quyền, thì việc dẹp bỏ bộ máy Đảng, dẹp bỏ các hội đoàn do Đảng lập ra, sẽ tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách; đất nước sẽ có tiền nhiều hơn để phát triển. Đấy là chưa kể đến sự cồng kềnh của Bộ máy nhà nước.
Một đất nước có GDP gấp 10 lần Việt Nam như Nhật Bản, mà chỉ có 1 Phó Thủ tướng. Trong khi, Việt Nam có đến 5 phó thủ tướng. Tương tự như vậy, ở cấp bộ có rất nhiều thứ trưởng vv… Không chỉ cấp Trung ương, cấp địa phương cũng không thua kém.
Như vậy, muốn tinh gọn bộ máy chính quyền, bước 1 phải loại bỏ bộ máy Đảng; bước 2 loại bỏ các hội đoàn ăn bám; bước 3 mới là tinh gọn bộ máy hành chính. Đấy mới là cải cách triệt để, nhưng liệu, Tổng Bí thư Tô Lâm có dám thực hiện hay không?
Bộ máy nhà nước cồng kềnh kém hiệu quả. Bộ máy Đảng thì ăn lương từ tiền thuế của dân nhưng lại dùng quyền lực siết cổ dân. Các hội đoàn cũng ăn lương của dân, nhưng lại thực hiện vai trò tay sai cho Đảng, và gây rất nhiều cản trở cho đời sống dân sinh. Một dân tộc phải gánh trên mình bao nhiêu gông ách như thế, liệu dân tộc đó có thể “giàu mạnh” được không?
Tô Lâm cũng như những Tổng Bí thư khác, vẫn chỉ biết nói đạo lý suông, nghe thì hay nhưng chỉ để tạo tiếng vang, về một Tổng Bí thư có “trăn trở” với đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, có lẽ, ông sẽ không có bất kỳ hành động nào để thực hiện. Bởi nếu tinh gọn bộ máy, thì động chạm đến chén cơm của bầy sâu trong Đảng, và sẽ gặp phải sự chống đối mà Tô Lâm không muốn đối diện.
Tô Lâm chỉ cho dân “ăn bánh vẽ” mà thôi.
Trần Chương – Thoibao.de