Cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng là nạn nhân của một bộ máy nhà nước tham nhũng?

Ngày 26/12, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành cáo trạng truy tố đối với cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – nguyên Phó Trưởng Ban Dân nguyện. Trước đó, ngày 14/11/2023, ông Nhưỡng đã bị bắt với cáo buộc “cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Theo thông tin ban đầu từ Công an tỉnh Thái Bình, việc bắt giữ Đại biểu Nhưỡng liên quan đến vụ án của Phạm Minh Cường có biệt danh Cường “quắt”, là một đối tượng hình sự có tiền án, bị cáo buộc bắt ép các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn Thái Bình phải nộp tiền bảo kê.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, nhóm của Cường “quắt” đã cưỡng đoạt tổng số tiền 1,6 tỷ đồng của công ty khai thác cát Sao Đỏ, với sự giúp sức của ông Nhưỡng. Tuy nhiên, cho đến khi bị bắt giữ, ông Lưu Bình Nhưỡng hoàn toàn chưa nhận được đồng nào.

Ngoài ra, ông Nhưỡng còn bị khởi tố thêm tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Theo đó, ông Nhưỡng đã lợi dụng tư cách Đại biểu Quốc hội để viết phiếu chuyển đơn của doanh nghiệp đến Thủ tướng Chính phủ, để sau đó nhận số tiền 300 ngàn đô la Mỹ.

Việc bắt giữ Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, tại thời điểm cuối năm 2023 đã gây ra nhiều tranh cãi và nghi vấn trong dư luận. Trước khi bị bắt, ông Nhưỡng được công chúng biết đến với các phát biểu không ngại đụng chạm ở Quốc hội, nhất là đối với ngành công an.

Trên mạng xã hội, đa số các ý kiến cho rằng, trong vai trò là một Đại biểu Quốc hội được ví là “của dân”, với phong cách thẳng thắn dám nói, thường xuyên chỉ trích các sai phạm của ngành công an, do đó ông có thể đã trở thành mục tiêu trả đũa chính trị từ Bộ Công an.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, người từng tạo nên sức nóng ở nghị trường Quốc hội Khóa 14, bởi cuộc tranh luận với Giám đốc Công an Nghệ An, thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu về trách nhiệm của Bộ Công an.

Đáng chú ý, trước khi bị khởi tố bắt giam, ông Lưu Bình Nhưỡng, trên cương vị Phó Trưởng Ban Dân nguyện, đã lên tiếng về vụ án tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Ông Nhưỡng cho rằng, bản án này có dấu hiệu oan sai, đồng thời kêu gọi cần phải xem xét lại bản án.

Trong nỗ lực này, ngày 5/8/2023, ông Lưu Bình Nhưỡng đã trực tiếp nhắn tin đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị tạm hoãn thi hành án, để xem xét lại vụ việc. Điều vừa kể được đánh giá là một hành vi nghiêm trọng, có liên quan đến sự nghiệp chính trị của Chánh án Nguyễn Hòa Bình – một đồng minh thân cận của Bộ Trưởng Công an Tô Lâm.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc đã hướng dẫn một Doanh nghiệp làm Đơn kêu cứu Khẩn cấp đến Thủ tướng, để gỡ khó cho việc phê duyệt Dự án Quế Võ 3 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Sau khi nhận đơn, ông Nhưỡng lấy tư cách Đại biểu Quốc hội, viết phiếu chuyển đơn gửi Thủ tướng để nghiên cứu xem xét, giải quyết. Theo cáo trạng, sau đó ông Nhưỡng đã nhận 300.000 USD, tương đương 6,9 tỉ đồng.

Trong thời gian qua, nhiều quan chức Việt Nam đã bị phát hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, dẫn đến các vụ án tham nhũng nghiêm trọng.

Vụ việc cựu Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, bị khởi tố với tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, cũng là hệ quả của một bộ máy nhà nước tham nhũng trầm trọng.

Trong khi, với mức lương nhà nước chỉ đủ uống cà phê, nhưng hầu hết công chức đều có một cuộc sống xa hoa, với nhà cao, cửa rộng, xe hơi hạng sang và con cái đi du học ở các nước tư bản. Qua đó có thể thấy, cựu Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, cũng chỉ là nạn nhân của một nhà nước tham nhũng.

 

Trà My – Thoibao.de