Nguyễn Thanh Nghị đang đứng trước cánh cửa Bộ Chính trị, chỉ cần đến giờ là bước chân vào nhóm bộ siêu quyền lực. Khi là Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyễn Thanh Nghị cần phải tự đứng trên đôi chân của mình chứ không thể cậy mãi vào “tía” được nữa. Với năng lực của một ông Thủ tướng về hưu, ông Nguyễn Tấn Dũng có giới hạn của ông ấy, không thể làm thay Nguyễn Thanh Nghị mãi được.
Cựu Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã phải ngã ngựa giữa nhiệm kỳ. Nguyên nhân là ông này chưa đứng vững trên chính đôi chân của mình. Vào Đại hội 13 năm 2021, ông Trần Đức Lương đã dùng hết mọi khả năng, kể cả gặp riêng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và kết quả Trần Tuấn Anh vào Bộ Chính trị trong sự ngỡ ngàng của cả Trung ương Đảng. Thế rồi, dù đã vào được Bộ Chính trị, nhưng Trần Tuấn Anh bơ vơ không nơi nương tựa nên rơi rụng chóng vánh.
Nhờ uy tín của ông Nguyễn Tấn Dũng, Tô Lâm chấp nhận ủng hộ Nguyễn Thanh Nghị vào bệ phóng. Tuy nhiên, sau khi vào Bộ Chính trị, ông Nghị cần phải thể hiện bản lĩnh tự đứng, tự chiến đấu thì mới có thể không trở thành Trần Tuấn Anh thứ 2. Vậy thì liệu Nguyễn Thanh Nghị có tránh được vết xe đổ hay không?
Theo thông tin nội bộ, ông Nguyễn Tấn Dũng dự trù cho Nguyễn Thanh Nghị ghế Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi ông Nghị vào Bộ Chính trị. Đây là giải pháp vẹn toàn, bởi khi Nghị ở Sài Gòn sẽ tránh va chạm quyền lợi với đàn em của Tô Lâm.
Sài Gòn sẽ dễ thành một đế chế để Nghị cai quản một phương. Và còn một thuận lợi nữa, có thể xem là thuận lợi rất lớn, đó là ở Sài Gòn khoảng 1 nhiệm kỳ, Nguyễn Thanh Nghị mới có thể mọc đủ lông đủ cánh để tính đến đường Bắc tiến.
Đang có thông tin cho rằng, ông Nguyễn Tấn Dũng dự trù cho Nguyễn Minh Triết trám vào ghế ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Chiếc ghế này sẽ trống từ ngày 15/2. Đây là bước đệm để cho Nguyễn Minh Triết thay thế ông Lê Quốc Phong – Bí thư tỉnh Đồng Tháp.
Thông tin cho biết, ông Nguyễn Thanh Nghị sẽ chủ động nhường ghế Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho Lê Quốc Phong sau Đại hội 14, để đổi lấy ghế trống cho em trai mình. Nếu đúng, thì đây là bước trưởng thành của Nguyễn Thanh Nghị. Biết dùng lợi thế chính trị để ngã giá với kẻ khác để thực hiện kế sách lâu dài. Đây là kết quả của việc lột chiếc áo “công tử bột” để thành “đại ca” thật sự.
Trong gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Nghị đương nhiên là “đại ca” của 2 đứa em, bởi ông Nghị là con trai đầu. Tuy nhiên, ông Nghị cần làm “đại ca” trên vũ đài chính trị, cần thiết lập một đế chế quyền lực riêng như ông Lê Thanh Hải từng làm. Khi đấy, Nghị mới có thể tính đường “Bắc tiến” để tranh hùng với các thế lực khác, để ngồi vào chiếc ghế mà ông Nguyễn Tấn Dũng từng ngồi, thì Nguyễn Thanh Nghị phải tự đứng vững như ông Nguyễn Tấn Dũng từng làm.
Đàn em của Tô Lâm trạc tuổi Nguyễn Thanh Nghị không ít, trong đó có Vũ Hồng Văn và Đinh Văn Nơi. Tướng Văn đang được Tô Lâm “thổi lên” rất nhanh, rất có thể vào Bộ Chính trị cùng lúc với Nguyễn Thanh Nghị, mặc dù hiện nay ông Văn chưa là ủy viên Trung ương Đảng. Những người này, có thể tương lai là đối thủ chính trị của Nguyễn Thanh Nghị.
Được đào tạo bài bản từ nước ngoài, ông Nguyễn Thanh Nghị thích hợp với vai “nhà kỹ trị” hơn là một “lưu manh chính trị”. Ở chế độ này không có đất dụng võ cho “nhà kỹ trị”, muốn tồn tại thì Nguyễn Thanh Nghị phải học làm đại ca. Có như thế mới tồn tại được trong môi trường cạnh tranh đầy hiểm ác này.
Ông Nguyễn Thanh Nghị đang có lợi thế là sẽ học được kinh nghiệm từ ông 3 Dũng.
Hoàng Phúc-Thoibao.de