Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Quốc hội và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có thể tiến hành các kỳ họp bất thường, với mục đích để giải quyết các vấn đề cấp bách, quan trọng của đất nước, như thông qua các dự luật khẩn cấp, quyết định về nhân sự cấp cao, hoặc các vấn đề đột xuất khác.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng quá nhiều cuộc họp “bất thường” của Ban Chấp hành Trung ương, và Quốc hội diễn ra dồn dập. Thậm chí số lượng các kỳ họp bất thường còn lớn hơn các cuộc họp chính thức theo quy định.
Ngày 12/2/2024, tại phiên Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi – Luật Tổ chức Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ – Đoàn Quảng Nam đã đề nghị, “Đừng để các kỳ họp bất thường của Quốc Hội trở thành điều bình thường!”.
Vẫn theo Đại biểu Tạ Văn Hạ, “Cử tri cũng hy vọng càng ngày càng giảm bớt đi những kỳ họp bất thường, để nhiệm kỳ sau có thể không còn xuất hiện các kỳ họp bất thường như hiện nay nữa”.
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, có nhiều Đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị xem xét đổi tên các “kỳ họp bất thường” để tránh sự phản cảm. Theo đó, các “kỳ họp bất thường” có thể thay thế cách gọi như “kỳ họp không thường kỳ”, hoặc “kỳ họp chuyên đề”.
Đáng chú ý, xu thế ủng hộ ý kiến nêu trên đã được ủng hộ. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, cách gọi “kỳ họp không thường kỳ”, hay kỳ họp chuyên đề sẽ không vi hiến, và sẽ tiếp tục được nghiên cứu để báo cáo trình Quốc hội xem xét.
Theo Luật Tổ chức Quốc hội, mỗi năm Quốc hội sẽ có 2 kỳ họp thường kỳ, và tương tự với Ban Chấp hành Trung ương cũng có 2 Hội nghị Trung ương thường niên. Nhưng về mặt số lượng, thì Hội nghị Trung ương lần thứ 15, Khóa 11 tháng 12/2015 là đạt kỷ lục cao nhất về số 15 Hội nghị Trung ương trong một khóa Đại hội.
Và tùy theo tình hình thực tế, Quốc hội và Ban Chấp hành Trung ương có thể tổ chức các kỳ họp bất thường. Việc tổ chức các kỳ họp bất thường, với mục đích để xử lý các trường hợp vi phạm của lãnh đạo cấp cao đã cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam có quyết tâm mạnh mẽ trong việc làm trong sạch bộ máy lãnh đạo.
Từ đầu Đại hội 13 cho đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức tổng cộng 8 Hội nghị chính thức theo quy định. Ngoài ra, Trung ương cũng đã tiến hành nhiều hội nghị “bất thường” để giải quyết những vấn đề cấp bách và quan trọng.
Tuy nhiên, con số các cuộc họp bất thường là “bí mật”, không được phép công bố chi tiết. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức các kỳ họp bất thường, và giữ bí mật về số lượng cũng như nội dung của những kỳ họp này đã cho thấy khả năng phản ứng nhanh của hệ thống chính trị Việt Nam trước những vấn đề cấp bách, để đảm bảo sự ổn định và liên tục trong lãnh đạo.
Tuy nhiên, việc giữ bí mật về số lượng và nội dung của các kỳ họp bất thường cũng có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch, gây khó khăn cho việc giám sát và đánh giá của công luận.
Điều này có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị và cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự cân bằng giữa bảo mật và minh bạch.
Việc tổ chức liên tiếp các kỳ họp bất thường trong chính trường Việt Nam, đang dẫn đến những thay đổi đáng kể trong bộ máy lãnh đạo, và các nhân sự cấp cao. Đây là hệ quả của tình trạng mâu thuẫn nội bộ chia rẽ kéo dài, do tình trạng mất đoàn kết trầm trọng.
Nếu tình trạng này không chấm dứt nhanh chóng, và không được kiểm soát tốt, có thể dẫn đến sự chia rẽ nghiêm trọng, đồng thời, làm xói mòn niềm tin của công chúng và có thể dẫn tới sự đổ vỡ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trà My – Thoibao.de