Campuchia bỏ xây đập Mekong – Việt nam giúp Lào chặn nước

https://www.youtube.com/watch?v=7PNIzP3r_PA

Campuchia hôm qua 18/3 đã đưa ra một quyết định bất ngờ nhưng rất đúng đắn – đó là ngưng phát triển đập thủy điện trên sông Mekong.

Ông Victor Jona, một quan chức cấp cao của Bộ Khai mỏ và Năng lượng của Campuchia cho biết nước này sẽ không phát triển các đập thủy điện mới trên sông Mekong trong vòng 10 năm tới.

Vị quan chức này cho biết chính quyền nước này đưa ra quyết định trên theo khuyến nghị của một nghiên cứu của Nhật Bản rằng Campuchia nên phát triển các nguồn năng lượng khác, bao gồm điện than, khí thiên nhiên và năng lượng mặt trời hoặc nhập khẩu năng lượng từ các nước láng giềng.
Quan chức này được trích lời nói rằng “trong kế hoạch 10 năm này, từ năm 2020 cho tới 2030, chúng tôi không có kế hoạch phát triển đập thủy điện” trên sông Mekong.
Trước đây, Campuchia từng thông báo kế hoạch phát triển hai đập thủy điện là Sambor và Stung Treng trên sông Mekong nhưng cả hai dự án đều bị hoãn.
Điện từ đập thủy điện mới hoàn thành Don Sahong ở Lào hiện đang được bán cho Campuchia theo một hợp đồng 30 năm.
Theo Reuters, Campuchia gặp thách thức về thiếu điện, năm 2019 là một năm thiếu điện tồi tệ nhất ở quốc gia này do nhu cầu về năng lượng tăng cao liên quan đến bùng nổ xây dựng các dự án do Trung Quốc đầu tư.
Chỉ 48% điện của Campuchia là từ nguồn sản xuất trong trong nước. Năm ngoái, Capuchia nhập khẩu 25% điện năng từ Việt Nam và Thái Lan.

Quyết định này đồng nghĩa với việc nước láng giềng Lào, vốn mới khánh thành 2 đập trong vòng sáu tháng qua, là quốc gia duy nhất ở hạ nguồn sông Mekong có kế hoạch phát triển đập thủy điện trên sông này với sự đầu tư của Việt Nam.

Đập thủy điện Hạ Sesan 2 tại tỉnh Stung Treng ở Campuchia được xây trên sông Tonle San, phụ lưu lớn của sông Mê Kông

Ngày 29/10/2019, Lào bắt đầu cho vận hành đập thủy điện Xayaburi và tiếp đến là vận hành con đập Don Sahong. Đây là hai đập thủy điện nằm trên dòng chính sông Mekong, đã và đang gây rất nhiều tranh cãi giữa Lào, Thái Lan, Campuchia cũng như Việt Nam ở hạ nguồn Mekong.
Cũng vào thời điểm cuối năm 2019, MRC Ủy Hội Sông Mekong cho biết Lào đang chuẩn bị tham vấn dự án thủy điện Luang Prabang có công suất 1410 MW, nằm cách thị trấn Luang Prabang khoảng 30 cây số. Nếu không có gì thay đổi, đập Luang Prabang được khởi công xây vào tháng 7/ 2020 sau khi đã hoãn hơn 10 năm.
Điều đáng chú ý là nhà đầu tư lớn nhất của dự án này là Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) – một công ty quốc doanh của Việt Nam.
PV Power góp 38% vốn (tương đương khoảng 1,6 tỷ USD) trong dự án thuỷ điện Luang Prabang dự kiến khởi công năm 2020 và hoàn tất năm 2027.
Nhà máy sẽ được đặt tại làng Houygno thuộc tỉnh Luang Prabang, cách thủ phủ tỉnh khoảng 25km và cách đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 2.036km.

Điểm mâu thuẫn là cuối năm 2010, khi Lào thông báo về kế hoạch xây dựng đập Xayaburi trên dòng sông Mekong, Việt Nam là nước phản đối mạnh mẽ nhất nay lại đầu tư xây dựng đập thủy điện Luang Prabang. Việt Nam được coi là đang “tự bắn vào chân mình”.

Đập thuỷ điện Xayaburi của Lào được vận hành vào năm ngoái,.

Cuối năm 2010, khi Lào thông báo về kế hoạch xây dựng đập Xayaburi trên dòng sông Mekong, Việt Nam đã kêu gọi tạm hoãn dự án 10 năm vì các tác động của nó đến đồng bằng sông Cửu Long.
Theo tác giả Phú Lộc, sau gần một thập kỷ phản đối, giờ đây Việt Nam lại trở thành đối tác với Lào trong dự án thủy điện Luang Prabang. Chính phủ Việt Nam dường như đã thay đổi thái độ và đứng về phía những dự án có khả năng hủy hoại dòng sông cũng như tương lai của 60 triệu người phụ thuộc vào nó.
Còn theo bác sĩ/nhà văn/nhà hoạt động môi trường bền bỉ Ngô Thế Vinh nổi tiếng với các tác phẩm ‘Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng’ và ‘Mekong – dòng sông nghẽn mạch’: Nhà nước Việt Nam luôn luôn bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, không những đã không có tiếng nói quyết liệt ngăn chặn mà còn góp vốn đầu tư thực hiện dự án tai hại ấy, có thể ví như một hành động cầm súng tự bắn vào chân mình.

Các chuyên gia đánh giá dự án Luang Prabang sẽ hủy hoại nguồn cá, mất trầm tích và thay đổi dòng chảy, gây nguy hại đến an ninh lương thực và sinh kế của cộng đồng lưu vực sông.

Các đập thủy điện đã ngăn chặn sự di cư của khoảng 160 loài cá. Các nguồn cá di cư không thể đến được nơi sinh sản, và đang gặp nạn.
Chuyên gia cho biết: “Cá cần phải di cư về nơi thượng nguồn xa xôi (Bắc Lào) để sinh sản, và cá con phải quay trở lại vùng đồng bằng ngập nước ở ĐBSCL và Biển Hồ (Tonlé Sap) để kiếm ăn. Bất kỳ trở ngại nào đối với sự di cư của cá có thể đẩy chúng đến bờ vực tuyệt chủng.”
Bên cạnh đó, việc thiếu phù sa và trầm tích hàng năm làm ĐBSCL thay vì được bồi đắp thì đang trong quá trình tan rã do xâm nhập mặn và mực nước biển dâng. Sự trù phú một thời của vùng đồng bằng này đang dần biến mất, mùa lũ về muộn hơn dẫn đến thiếu nước, trong khi các mạch nước ngầm ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười đang dần cạn nước.
Hiện nay, miền Tây cũng đang trải qua đợt hạn mặn được coi là gay gắt bậc nhất lịch sử, vượt qua kỷ lục năm 2016. Hiện tại, nước mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long trừ Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ.
Theo các nhà môi trường, những con đập quy mô lớn, đặc biệt là những con đập được xây dựng trên dòng chảy chính của sông, là nguyên nhân chính cho khủng hoảng sông Mekong.

Những tác động tiêu cực của đập Luang Prabang đối với 20 triệu người dân Việt Nam tại vùng ĐBSCL là rất rõ rang. Vậy tại sao cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư xây đập? Có phải là do nỗi sợ Trung Quốc sẽ cướp mất công trình này và càng siết chặt hơn nữa gọng kìm khống chế?

Trung Quốc đang có một quyền lực rất lớn với các quốc gia hạ nguồn với gần 10 đập thuỷ điện ở thượng nguồn và kế hoạch xây thêm ba con đập ở hạ lưu phần sông MeKong của Lào: Don Sahong, Pak Beng và Pak Lay
Các đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong giữ lại một lượng nước khổng lồ. Trong mùa khô và thời kỳ hạn hán, nước từ các đập thượng nguồn của Trung Quốc chiếm 40-50% lượng nước trong hệ thống Mekong. Và lượng nước này có thể được dùng để giảm hạn hán ở hạ lưu nếu họ muốn.
Nhưng Việt Nam là người hiểu Trung Quốc hơn ai hết, sẽ thật bất ngờ nếu Trung Quốc thật tâm giúp quốc gia láng giềng giảm hạn hán. Năm 2016 với kỳ hạn hán kỷ lục Trung Quốc đã xả đập với lưu lượng 2.100m3/giây và nước đã không tới được Đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm nay, tình hình còn khốc liệt hơn năm 2016, Trung Quốc ngày 20/2/2020 tuyên bố xả nước các đập thủy điện của mình trên sông Mekong để giúp đỡ các quốc gia láng giềng đối phó với khô hạn nhưng chỉ với mức 850m3/giây, chưa bằng một nửa của năm 2016 thì nước cũng không tới nổi ĐBSCL.

Truyền thông nhà nước không ngừng rêu rao rằng trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng lợi ích dọc theo sông Mekong, Việt Nam đã nhanh trí ‘đi tắt đón đầu’ chủ động đầu tư xây đập Luang Prabang để giảm thiểu tác động xấu, tự túc nguồn nước chống hạn trong mùa khô. Nhưng sự thật là gì?

Việt Nam tuyên truyền đến người dân là mình không có lựa chọn nào khác. Dù biết quyết định này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến ĐBSCL, nhưng nếu Việt Nam không phát triển đập thì Trung Quốc sẽ làm.
Để sông Mekong không trở thành quân cờ chính trị của Trung Quốc, Việt Nam đã nắm bắt lấy cơ hội để xây đập khác ở Lào. Như vậy, Việt Nam sẽ nắm giữ được phần nước từ đó tự túc nguồn nước chống hạn trong mùa khô.
Phát biểu ở Hội thảo tham vấn quốc gia về Dự án thủy điện dòng chính Luang Prabang ngày 4/11/2019, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Lê Công Thành cho rằng quyết định đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn để giảm thiểu tác động xấu.
Ông nói: “Chúng ta có thể tham gia ngay từ đầu vào quá trình lựa chọn phương án thiết kế, thi công và vận hành công trình trên cơ sở điều tiết đa mục tiêu. Qua đó, góp phần giảm thiểu được tác động của không chỉ công trình thủy điện này mà còn của tổ hợp các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong”.
Tuy nhiên, quan điểm này bị phản đối bởi nhiều chuyên gia tài nguyên nước bởi giống như những con đập khác, đập Luang Prabang sẽ làm giảm lượng phù sa và lượng nước đến ĐBSCL.
Nhà nghiên cứu Ngô Thế Vinh dự báo nếu đập Luang Prabang được xây dựng trong một thời gian không xa Việt Nam sẽ chứng kiến thảm hoạ bị xoá đi cả một nền “văn minh miệt vườn” và sẽ có những đợt tỵ nạn môi sinh khổng lồ vào giữa thế kỷ 21 của hàng chục triệu người dân miền nam Việt Nam.

Campuchia đã tỉnh ngộ. Việt Nam cho đến nay vẫn tiếp tục u mê, thay vì phản đối quyết liệt thì lại đầu tư tài chính để xây đập thủy điện cho Lào. Nguy cơ mất nguồn nước ngọt, mất nguồn phù sa, và cả vùng châu thổ phì nhiêu ĐBSCL chìm dần trong biển mặn là một thực tế đang dần hiện ra.

Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)