Quyền lực bệnh hoạn – Ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng đối với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc

Lời dẫn: Tờ Der Spiegel, tuần báo có uy tín nhất nước Đức và có tiếng trên thế giới, đã có một bài viết ngày 19/4 vừa qua của tác giả Stefan Schultz. Sau đây là bản dịch:

Trong cuộc chiến chống lại đại dịch, đáng chú ý là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không chỉ trích Trung Quốc. Giống như các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc, WHO chịu ảnh hưởng ngày càng nhiều của nước Cộng hòa Nhân dân này. Điều đó đặt ra một mối đe dọa cho toàn thế giới.

***

Một bài học lớn có thể rút ra từ cuộc khủng hoảng corona: Việc Trung Quốc giành được nhiều quyền lực đối với các thể chế quốc tế có thể  là một mối nguy hiểm. Nguy hiểm cho mỗi một người trên hành tinh này.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đại dịch corona, bao gồm cả nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đã không được ngăn chặn kịp thời, bởi vì một cơ quan quan trọng của Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ưu tiên cho lợi ích của Trung Quốc trong việc giữ thể diện chính trị, thay vì thực hiện nhiệm vụ của chính mình: bảo vệ cộng đồng thế giới tốt nhất như có thể để tránh khỏi các rủi ro sức khỏe. 

Đầu năm 2020, khi đại dịch vẫn có thể ngăn chặn được, các cơ quan y tế cấp cao của Trung Quốc rõ ràng đã cản trở các phân tích đầu tiên về coronavirus và kiểm duyệt những tường thuật tương đối sớm về khả năng có thể có một loại virus Sars chủng mới. Tổ chức WHO, đúng ra nhiệm vụ của nó là phát hiện những vụ che đậy gây hậu quả nghiêm trọng như vậy, nhưng cho đến giữa tháng giêng WHO chỉ lặp lại những lời quả quyết của Trung Quốc rằng vẫn chưa rõ liệu virus này có lây truyền từ người sang người hay không. Trong khi đó, ngay từ ngày 31 tháng 12 năm 2019, tổ chức này đã được cảnh báo rằng loại virus chủng mới này dường như có rất nhiều điểm giống với virus Sars.

WHO bắt đầu các cuộc điều tra riêng của mình tương đối trễ. Đến nay, nó vẫn không hề chỉ trích chính sách thông tin của Trung Quốc. Thay vào đó, nó dành nhiều lời khen ngợi cho biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc.

Đường lối thân Bắc Kinh của WHO không phải là một sự ngẫu nhiên. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã mở rộng một cách có hệ thống ảnh hưởng của mình đối với Liên Hợp Quốc từ gần 15 năm nay.

Ảnh hưởng ngày càng tăng từ 15 năm nay

Vào ngày 9/11/2006, không lâu sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bị chỉ trích vì che đậy một phần dịch bệnh (Sars 2003), nữ bác sĩ y khoa Margaret Chan, người được coi là thân Trung Quốc, đã được bổ nhiệm làm người lãnh đạo mới của WHO. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush đã ngầm chấp nhận việc này cũng như hầu hết những người đứng đầu chính phủ lúc đó ở châu Âu. Tương tự như vậy, 5 năm sau đó với việc gia hạn hợp đồng của Chan, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama lẫn EU đều không đưa ra bất kỳ một phản đối nghiêm trọng nào.

Bà Chan, người đã bổ nhiệm nhiều quan chức thân thiện với Trung Quốc trong nhiệm kỳ mười năm của mình, cuối cùng đã được thay thế vào năm 2017 bởi ứng cử viên kế nhiệm mà Bắc Kinh mong muốn, Tedros Adhanom Ghebreyesus người Ethiopia. Kể từ đó, ông này đã tiếp tục mở rộng thêm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với WHO. Gần đây nhất, ông thậm chí còn ủng hộ ý tưởng của Trung Quốc về một “con đường tơ lụa y tế“.

Không phải ngẫu nhiên mà phương Tây đã để cho Trung Quốc có rất nhiều ảnh hưởng lên một tổ chức trung tâm của Liên Hiệp Quốc. Các chính trị gia ở Mỹ và EU từ lâu đã theo đuổi đường lối “chiến lược gắn kết” đối với Trung Quốc. Chiến lược này có nghĩa là các tác nhân được giao trách nhiệm nhằm mục đích gắn kết họ vào hệ thống mà phương Tây đang chiếm ưu thế – để dần theo thời gian họ phát triển trở thành các đối tác phù hợp với hệ thống đó.

Cho đến nửa đầu thập niên 2010, nhiều chuyên gia và người đứng đầu chính phủ vẫn giữ luận điểm rằng Trung Quốc sẽ trở nên dân chủ hơn với kinh tế ngày càng tăng trưởng. Nhưng trên thực tế, chủ tịch đương nhiệm đảng cộng sản Tập Cận Bình đang củng cố các cơ cấu chuyên quyền của mình – không chỉ ở trong nước mà còn trên toàn thế giới. WHO chỉ là một trong nhiều tổ chức quốc tế hiện nằm dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc hoặc chịu ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Mạng lưới của quyền lực

Tạp chí “Politico” của Mỹ liệt kê, ngoài WHO, còn có bốn cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc chịu ảnh hưởng của Trung Quốc:

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc đã được cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, Khuất Đông Ngọc lãnh đạo kể từ năm 2019.

Liên hiệp Viễn thông Quốc tế, một tổ chức chuyên môn của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Geneva nhằm tiêu chuẩn hoá công nghệ toàn cầu cho các mạng viễn thông, đã được lãnh đạo bởi Zhao Houlin kể từ năm 2015. Ông là  cựu nhân viên của Bộ Viễn thông Trung Quốc và được cho là phục vụ cho quyền lợi công ty Huawei của Trung Quốc, ngoài những việc khác.

– Hội đồng Kinh tế và Xã hội, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc trong cuộc chiến chống bất bình đẳng xã hội toàn cầu và chống lại sự tăng nhiệt độ trái đất, đã được cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân lãnh đạo kể từ năm 2017 (chú thích của dịch giả: từ 25.7.2019 người thay thế là bà Mona Juul của Na Uy).

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, một cơ quan đặc biệt của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Montreal – Canada, chịu trách nhiệm soạn thảo và đưa ra các tiêu chuẩn quốc tế về hàng không dân dụng. Tổng thư ký lãnh đạo tổ chức này từ năm 2015 là nữ luật sư Trung Quốc, Lưu Phương. Bà hiện đang bị cáo buộc giấu giếm thông tin do Đài Loan thông báo về sự lây lan của virus Vũ Hán. Đài Loan là một trung tâm quan trọng trong không phận châu Á. Trung Quốc từ lâu đã coi nước Cộng hòa này như là một tỉnh ly khai.

Thay đổi nguy hiểm về giá trị 

Việc Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng toàn cầu là điều bình thường. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tầm cỡ như vậy tất nhiên cũng được phản ánh trong mạng lưới các tổ chức quốc tế. Các cường quốc thế giới khác như Hoa Kỳ cũng làm như vậy – và đôi khi họ cũng sử dụng các tổ chức của Liên Hiệp Quốc để khẳng định lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, vấn đề là nằm ở chỗ, sự thay đổi các giá trị có nguy cơ đi đôi với sự thay đổi quyền lực trên trường quốc tế. Các chuyên gia cảnh báo về việc bảo vệ nhân quyền bị thu hẹp dần dần, sự giám sát ngày càng tăng của nhà nước và ngày càng thiếu minh bạch trong các quyết định có tầm ảnh hưởng rộng lớn.

Những dấu hiệu đầu tiên của một sự thay đổi giá trị như vậy đã xuất hiện: Chẳng hạn, hồi tháng 11 năm 2019, Trung Quốc đã thành công thông qua Liên Hiệp Quốc một nghị quyết nhiều tranh cãi nhằm chống tội phạm trên mạng. Theo các nhà phê bình, rốt cuộc nghị quyết này sẽ được các quốc gia độc tài sử dụng để hợp pháp hóa việc kiểm duyệt internet. Đại dịch corona hiện đang cho thấy việc thiếu minh bạch có thể mang lại những hậu quả tàn khốc như thế nào.

Mỹ và EU cho đến nay có ít khả năng để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế. Trong cuộc khủng hoảng corona, việc chuyển giao quyền lực dường như lại càng tăng tốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đóng băng khoản thanh toán đóng góp của Mỹ cho WHO. Ngược lại, Trung Quốc đã cam kết chi thêm cho WHO 20 triệu đô la để chống lại đại dịch.

Tuy nhiên, các vấn đề trong cơ cấu quyền lực quốc tế còn sâu hơn nữa. Ngay cả khi các nước phương Tây tăng những khoản chi cho các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và vận động hành lang nhiều hơn nữa cho các chức vụ quan trọng, thì cũng không thể ngăn chặn được ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, nếu chỉ có chừng đó biện pháp như vậy.

Dân chủ nổi trội hơn chưa hẳn là dân chủ

Trên bình diện quốc tế, gần đây chế độ dân chủ như là một mô hình chính phủ đã bị giảm giá trị. Và không chỉ vì đảng cộng sản đang nỗ lực để chứng tỏ hệ thống chính phủ của mình hiệu quả hơn các nền dân chủ phương Tây – ví dụ, xây dựng một bệnh viện dã chiến trong mười ngày trong cuộc chiến chống lại đại dịch corona.

Một lý lẽ còn mạnh mẽ hơn nữa  cho hệ thống của Trung Quốc là nó hứa hẹn sẽ tham gia kinh tế nhiều hơn nữa trên toàn thế giới. Chẳng hạn như, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc cấp các khoản vay trên khắp thế giới – mà không ràng buộc chúng vào các giá trị dân chủ, như các đối tác phương Tây thường làm.

Hơn nữa, Liên Hiệp Quốc là một thí dụ cho thấy nền dân chủ cũng đang đạt đến giới hạn của nó trong các vấn đề quyền lực. Hiện tại, tuy là các quốc gia dân chủ thường có tiếng nói nhiều hơn tại Liên Hiệp Quốc, nhưng về mặt cơ cấu, Liên Hiệp Quốc bị hạn chế dân chủ. Chẳng hạn, quyền phủ quyết vẫn được xác định là dành cho các quốc gia có vũ khí hạt nhân. 

Một số nước đang phát triển cũng chỉ trích, không phải là hoàn toàn không đúng, rằng các ông chủ thực dân trước đây của họ vẫn muốn duy trì một số đặc quyền cũ thông qua các tổ chức thế giới.

Người Trung Quốc sẽ cố gắng làm cho Liên Hiệp Quốc hoạt động với ảnh hưởng ngày càng tăng của họ – với phương thức độc đoán hơn.

Một lối thoát chống lại một sinica pax (thái bình Trung Quốc) có thể thực hiện bằng một cuộc cải cách Liên Hiệp Quốc. Mạng lưới của một tổ chức gần giống với một chính phủ thế giới phải tự phát triển, trở nên dân chủ hơn trong các cơ cấu của chính nó, nếu như nó muốn tiếp tục biện minh rằng dân chủ là hình thức chính phủ tốt nhất trên toàn thế giới.

Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Biên dịch)

Nguồn: https://www.spiegel.de/politik/ausland/coronavirus-who-weltkrankheitsorganisation-a-29c74432-aea1-4f9a-b1ff-fcc4bb43cc4e?fbclid=IwAR11B2s69_bjXgMyE5_LeAVg1KUPxdBfu7nVyztxN4WAdfqX_lKJQT2kuSI