Trung Quốc: Trên 500.000 Doanh nghiệp phá sản – Tập Cận Bình “lung lay”

https://www.youtube.com/watch?v=3X0abimE8mk

Virus corona đẩy tăng trưởng của Trung Quốc trong ba tháng đầu 2020 xuống số âm. Nhưng các chuyên gia dự báo cơn ác mộng mới chỉ bắt đầu.

Đây là sự sụt giảm tồi tệ nhất trong một quý mà Trung Quốc đã ghi nhận kể từ khi bắt đầu công bố những số liệu này vào năm 1992.

Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc báo cáo sự co lại về kinh tế kể từ năm 1976, khi cái chết của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Mao Trạch Đông chấm dứt một thập kỷ hỗn loạn về kinh tế và xã hội.

Ba động cơ chính cho sự tăng trưởng của Trung Quốc gồm chi tiêu tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư tài sản cố định đều sụt giảm, khi những khu vực kinh tế lớn của đất nước bị phong tỏa.

Một số hạn chế đã được dỡ bỏ ở Trung Quốc và dữ liệu kinh tế tháng 3 cho thấy sự phục hồi dự kiến. Nhưng Trung Quốc vẫn còn một chặng đường rất dài để đi trước khi mọi thứ trở lại bình thường.

Yue Su tại nhóm nghiên cứu The Economist Intelligence Unit nói: “Sự suy giảm GDP từ tháng Giêng đến tháng Ba sẽ chuyển thành tổn thất thu nhập vĩnh viễn, được thể hiện trong các vụ phá sản của các công ty nhỏ và người lao động mất việc làm.”

Năm ngoái, Trung Quốc chứng kiến tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở mức 6,4% trong quý đầu tiên, giai đoạn mà nước này bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 9% mỗi năm, mặc dù các chuyên gia thường xuyên đặt câu hỏi về tính chính xác của các dữ liệu này.

Nền kinh tế của Trung Quốc đã bị đình trệ trong 3 tháng đầu năm khi nước này đưa ra các biện pháp phong tỏa và xét nghiệm quy mô lớn để ngăn chặn sự lây lan của virus vào cuối tháng Giêng. Kết quả là, các nhà kinh tế đã dự đoán con số ảm đạm, nhưng dữ liệu chính thức còn tệ hơn dự kiến.

Sau khi Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội GDP quý I của nước này giảm 6,8% so với cùng kỳ, hàng loạt các tỉnh thành của Trung Quốc cũng công bố các số liệu tương ứng.

Trong đó đáng chú ý có tỉnh Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch bệnh và cũng là địa phương được cho là chịu thiệt hại nặng do dịch COVID-19.

Theo đó, GDP quý 1 năm 2020 của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc chỉ đạt 637,9 tỷ nhân dân tệ, khoảng 90,5 tỷ USD, giảm 39,2% so với cùng kỳ. Các chỉ số kinh tế chính của tỉnh Hồ Bắc đều sụt giảm mạnh trong đó 38/41 ngành nghề chính tại tỉnh này đều tăng trưởng âm, đầu tư tài sản cố định toàn tỉnh giảm 82,8%, tiêu dùng giảm 44,9%, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 6,1%.

Tính đến ngày 22/4, cũng đã có 16 địa phương của Trung Quốc công bố số liệu kinh tế quý 1 năm 2020, trong đó đáng chú ý tăng trưởng GDP của ba thành phố trực thuộc Trung ương là Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh đều giảm mạnh với mức lần lượt 6,6%, 6,7% và 6,5%.

Hơn 460.000 tức gần nửa triệu công ty của Trung Quốc đã phá sản trong quý đầu tiên năm 2020.

Giữa tháng 3, tỉ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc được ghi nhận tăng từ 5,2 lên 6,2%, tương đương 5 triệu công việc biến mất. Thống kê này còn chưa bao gồm số dân di cư đang nghỉ làm do lệnh phong toả, và những người không có hợp đồng lao động chính thức.

Hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomic trụ sở tại Bắc Kinh ước tính virus corona tước đi thu nhập của dân nhập cư khoảng 800 tỉ nhân dân tệ (115 tỉ USD) và nền kinh tế xem như mất số tiền này mãi mãi, đơn giản vì người lao động không thể nào lấy lại được 3 tháng đã mất dù họ có làm việc cật lực hơn.

Kể từ khi dịch SARS bùng nổ vào 17 năm trước, cấu trúc kinh tế Trung Quốc đã chuyển dịch sang hướng phục vụ tiêu dùng nội địa, nhấn mạnh phát triển dịch vụ, bớt phụ thuộc vào sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng. Mỉa mai thay thay đổi này lại là nguyên nhân chính khiến kinh tế Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề hơn trong đợt đại dịch COVID-19.

Tiêu dùng năm 2019 của Trung Quốc đã chiếm 60% GDP. Đi cùng sự lên ngôi của tiêu dùng trong nước là sự phát triển của ngành dịch vụ, hiện đang đóng góp 54% GDP Trung Quốc.

Tác động kinh tế của dịch bệnh lần này xuất phát từ nhu cầu phải cách ly công dân, đồng nghĩa dập tắt khả năng và mong muốn giải trí, mua sắm, du lịch, giao thiệp… của người tiêu dùng.

Hấp dẫn bởi tiềm năng du lịch của thành phố Trùng Khánh, năm ngoái, Li Yi đã dùng một phần lớn trong khoản tiết kiệm của mình để kinh doanh BnB (hình thức cơ sở lưu trú nhỏ giá rẻ, chỉ cung cấp chỗ nghỉ qua đêm có kèm bữa ăn sáng cho khách, thường do các hộ kinh doanh gia đình làm chủ). Nhưng 2 tuần sau khi nơi này bắt đầu hoạt động, căn BnB của Li với view hướng sông Dương Tử đã chịu ảnh hưởng vì dịch COVID-19

Sau 2 tháng liên tiếp không có lợi nhuận, Li đã rất háo hức để mở cửa lại vào tháng 4. Tuy nhiên, sau đó anh sớm nhận ra phía trước còn rất nhiều thách thức. Li chia sẻ: “Tôi biết rằng nhu cầu sẽ sụt giảm, nhưng tôi không dự đoán tình hình sẽ tồi tệ đến mức này.” Trong 2 tuần đầu tháng 4, chỉ có 2 trong số 11 phòng có khách thuê, dù Li đã giảm giá tới 70%.

Trước cuộc khủng hoảng COVID-19, các phòng tại đây đều kín khách. Hiện tại, Li đã sa thải 1 nhân viên dọn dẹp và giảm một nửa lương của những nhân viên khác xuống mức tối thiểu là 1.350 tệ (190 USD). Anh cho biết thêm: “Người dân Trung Quốc vẫn sợ khi đi ra ngoài. Tôi nghĩ rằng ngành du lịch sẽ hồi phục vào năm tới, trong kịch bản tốt nhất.”

Li không phải là doanh nhân duy nhất chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Dù cuộc sống ở hầu hết các thành phố của Trung Quốc đã trở lại bình thường, nhưng các khách sạn, nhà hàng, nhà máy và nhiều nơi khác vẫn đang chật vật, với nhiều người đã bị sa thải hoặc bỏ việc.

Hồi phục sau đại dịch nhờ động lực nào trở thành bài toán khó tại Trung Quốc hiện nay khi mà những “động cơ” truyền thống như đầu tư và xuất khẩu đã “hụt hơi” còn động cơ triển vọng nhất là tiêu dùng trong nước đã trở thành điều không thể khi người dân Trung Quốc đang phải ‘thắt lưng buộc bụng’ sau đại dịch.

Ảnh: Dịch corona khiến nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, trung tâm thương mại tại Trung Quốc thất thu

Những chủ kinh doanh như Li đang nỗ lực duy trì bằng cách giảm lương và sa thải bớt nhân viên. Dẫu vậy, các nhà kinh tế lo ngại rằng những biện pháp “tự phòng vệ” đó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn: Khi người lao động được trả thù lao ít hơn, họ sẽ giảm chi tiêu, tạo áp lực cho triển vọng của các nhà bán lẻ, khách sạn và những ngành khác.

Thực tế là trong những tuần hoạt động kinh tế bị đình trệ, cùng với nhiều khoản chi tiêu bổ sung khác cần thiết để tái khởi động sản xuất, nhiều công ty đã thiếu tiền mặt. Từ đó dẫn đến tình trạng nhân viên bị sa thải, mất việc làm, thu nhập giảm sút, phải cắt giảm chi tiêu và nhu cầu sử dụng hàng hoá, dịch vụ sụt giảm.

Bruce Pang, trưởng nhóm nghiên cứu vĩ mô và chiến lược tại China Renaissance Securities, nhận định: “Trung Quốc hiện phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu trong nước và tiêu dùng hộ gia đình. Đây là trụ cột mới của nền kinh tế đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Sự bùng phát mạnh đã kết thúc, nhưng nền kinh tế vẫn chịu áp lực về việc làm thế nào để phục hồi nhu cầu tiêu dùng, vì điều cần thiết là sự tăng trưởng của thu nhập khả dụng.”

Pang cho hay: “Nợ hộ gia đình ở Trung Quốc đã tăng lên trong những năm gần đây. Với một tương lai bất ổn, người tiêu dùng có thể hạn chế chi tiêu hơn, đây là một rắc rối đối với các công ty Trung Quốc.”

Jay Chan, một nha sĩ ở thành phố Đông Quan, hiểu rõ vấn đề này hơn cả. Ông cho biết số lượng bệnh nhân đã giảm hơn 70% kể từ khi phòng khám được phép mở cửa vào tháng 4. Chan chia sẻ rằng khách hàng không muốn đến trừ khi họ gặp tình huống khẩn cấp. Đà hồi phục chậm hơn dự kiến đã khiến Chan phải sa thải 3 trong số 8 y tá của phòng khám.

Ông cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục sa thải nếu mọi việc không có tiến triển vào vài tháng tới.” Hơn nữa, gia đình ông cũng đang “thắt lưng buộc bụng“. Thông thường, gia đình ông sẽ đi du lịch nước ngoài 2 lần/năm, nhưng năm nay lại không có kế hoạch nào ngay cả khi đại dịch kết thúc.

Xiao Yu, doanh nhân sở hữu 4 nhà hàng ở Trung Khánh, đã không sa thải bất kỳ ai trong số 80 nhân viên, nhưng giảm tới 50% mức lương. Xiao chia sẻ: “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Dù đã mở cửa vào đầu tháng này, nhưng lượng khách vẫn rất ít, chỉ bằng 1 nửa so với trước đây.

Theo thăm dò của hãng tài chính Rong360.com ở Bắc Kinh, 64,4% người dân cho biết sẽ “xiết thói quen tiêu xài” sau khi dịch bệnh kết thúc, 31,4% nói “không có kế hoạch tăng chi tiêu” khi khủng hoảng đã qua.

Bi thảm hơn các trường hợp kể trên, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang còn đối mặt với việc phải đóng cửa khi nhu cầu yếu đi.

Ảnh: Gần nửa triệu công ty Trung Quốc phá sản trong quý I/2020 do đại dịch COVID-19

Ye Zhenqing, một chủ nhà máy ở Ôn Châu, chuyên xuất khẩu các loại kính râm sang châu Âu và Mỹ, cũng cảm nhận sự ảnh hưởng rõ rệt khi 2/3 đơn hàng của công ty bị huỷ trong thời gian đại dịch diễn ra. Ông Ye đã cắt giảm 30% lương của 100 nhân viên, yêu cầu họ chỉ làm việc nửa ngày và đồng ý bồi thường cho 10 người đồng ý nghỉ việc. Ye cho biết: “Tôi sẽ duy trì hoạt động đến tháng 7. Nếu tình hình không cải thiện, tôi sẽ phải đóng cửa nhà máy trong 3 tháng.”

Trong khi đó, Zhou Dewen, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ôn Châu, ước tính 1 trong số 5 nhà máy sản xuất nhằm xuất khẩu tại thành phố đã phá sản và nhiều công ty có thể không bao giờ hoạt động trở lại. Ông nói: “Tình trạng ngừng hoạt động kinh doanh có thể tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.”

Ông Stanley Szeto, Giám đốc công ty dệt may cao cấp Lever Style, kẹt cứng một chỗ trong mấy tháng gần đây vì dịch bệnh. Từ trụ sở Hong Kong, ông chứng kiến cú sốc kinh tế biến đổi liên tục, gây tác động mạnh lên công việc kinh doanh.

Mô hình của Lever là đặt hàng các nhà máy ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước châu Á khác gia công quần áo cho các thương hiệu cao cấp Hugo Boss, Ted Baker, Fila, All Saints… nhưng lúc này người tiêu dùng phương Tây đang thắt chặt hầu bao, nhu cầu đơn hàng cũng bốc hơi theo.

Chúng tôi hiện đang chạy 70, 80 và 90% công suất tuỳ vào nhà máy, nhưng vậy là quá nhiều vì nhu cầu đã giảm. Chúng tôi và nhiều khách hàng đều làm trong ngành thời trang, các cửa hiệu của họ phải đóng cửa hết“, ông Szeto cho biết.

Các thương hiệu như Adidas, Nike, Lululemon Athletica và Under Armour đã thông báo đóng chuỗi cửa hàng trên khắp châu Âu và Mỹ.

Mark Williams, Kinh tế gia trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics, nhận định rằng sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu trì trệ do nhu cầu của người tiêu dùng và các công ty giảm sút. Ông cũng cảnh báo rằng nếu người dân không chi tiêu, thì nhiều công ty nữa sẽ ngừng hoạt động trong vài tuần tới.

Tiến trình phục hồi kinh tế hậu COVID-19 của Trung Quốc sẽ chậm hơn thời dịch SARS 2003.

Fan Gang, cố vấn hàng đầu của ngân hàng trung ương Trung Quốc nhận định: Sự trở lại của kinh tế Trung Quốc sẽ khó có hình chữ V như đợt dịch SARS 2003, khi cấu trúc nền kinh tế đã thay đổi và quốc gia tỉ dân đang đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu khi các nền kinh tế Bắc Mỹ và châu Âu suy giảm.

Nhìn lại năm 2003, các khoản đầu tư chiếm 55% GDP Trung Quốc. Nhờ các dự án đầu tư và xây dựng tiếp tục được triển khai, kinh tế Trung Quốc đã duy trì được tăng trưởng và nhanh chóng phục hồi. Dù tỷ lệ tăng trưởng kinh tế quý II năm 2003 giảm xuống còn 5%, nhưng kết thúc năm 2003 mức tăng trưởng vẫn cao hơn 1% so với năm 2002.

Còn trong quá trình hồi phục hậu COVID-19, tái khởi động các hoạt động tiêu dùng sẽ tốn nhiều thời gian hơn là thúc đẩy sản xuất và đầu tư. Điều này đồng nghĩa biểu đồ phục hồi kinh tế sau đợt đại dịch này sẽ không có hình chữ V, tức không thể bật tăng mạnh mẽ trở lại sau giai đoạn đi xuống như năm 2003.

Hơn thế nữa, COVID-19 là một loại vi-rút khó lường khi nó có thể lây từ những người nhiễm nhưng bệnh chưa có triệu chứng sang những người xung quanh. Vì vậy thời hạn cách ly và lánh xa xã hội sẽ kéo dài hơn, từ đó kéo giãn thời điểm hồi phục các hoạt động kinh tế so với dịch SARS.

Một yếu tố khác khiến COVID-19 khác biệt với SARS là tốc độ và mức độ lây lan trên toàn cầu. Cho dù nền kinh tế Trung Quốc có trở lại bình thường, các doanh nghiệp nước này vẫn phải chuẩn bị cho “làn sóng đứt gãy thứ hai” của chuỗi cung khi các nhà máy nước ngoài đóng cửa và hoạt động vận tải toàn cầu bị đứt gãy.

Cùng lúc đó Trung Quốc cũng phải đương đầu với tình trạng tái bùng phát dịch bệnh khi khởi động lại nền kinh tế.

Nhìn chung, Trung Quốc đang rơi vào những vòng luẩn quẩn khó có thể thoát ra do chính nước này tạo ra.

Các chủ doanh nghiệp Trung Quốc duy trì hoạt động bằng cách giảm lương và sa thải bớt nhân viên khiến thu nhập người lao động giảm sút, buộc phải giảm chi tiêu, gây áp lực cho hoạt động của các nhà bán lẻ, dịch vụ và những ngành khác. Các công xưởng sản xuất thì đã hoạt động trở lại nhưng hàng hóa không có người mua, trong nước thì tiêu dùng giảm sút, người dân thắt lưng buộc bụng, hoạt động xuất khẩu bị đình trệ do các nước khác vẫn đang đối phó với đại dịch. Cung đang vượt quá cầu.

Như bà Alicia Garcia Herrer, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc Công ty Natixis, mô tả về thế giới hậu COVID-19 là: “Bây giờ, đây là một nước Trung Quốc khác, một thế giới khác.”

Việt Nam nằm ngay sát Trung Quốc với đường biên giới chung hàng nghìn Km, kinh tế cũng bị phụ thuộc nặng nề vào nước lãng giềng phương Bắc. Đại dịch cũng làm nền kinh tế Việt Nam suy sụp nhanh chóng, hàng triệu người lao động mất việc làm, hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản.

Đây là bài học cay đắng với nhà cầm quyền ở Hà Nội, từ đó, cần điều chỉnh nhanh và triệt để chính sách phát triển đa phương, đem đến Dân chủ, Tự do cho người dân, phát triển sáng tạo và thiết lập giá trị gia tăng lớn hơn cho các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=nlkiIXhkKHA&t=8s
TQ „thắt“ vòng vây VN trên Biển Đông
Kasse animation 7.8.2023