Trung Quốc cùng lúc thôn tính lãnh thổ Việt Nam, gây gổ với Ấn Độ, Nhật Bản

https://www.youtube.com/watch?v=rZ1gmBDkQog

Không chỉ hung hăng trên Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục gây sự với hai quốc gia láng giềng khác là Ấn Độ và Nhật Bản.

Quân đội Ấn Độ hôm 10/5 cho biết một số binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã ẩu đả và ném đá vào nhau tại khu vực biên giới hẻo lánh giữa 2 nước gần Tây Tạng.

Theo AFP, quân đội Ấn Độ tiết lộ một số binh sĩ nước này đã có các vụ ẩu đả trong hai ngày 09-10/5 với các binh sĩ Trung Quốc ở khu vực hẻo lánh trên biên giới hai nước, tại vị trí chiến lược gần Tây Tạng.

Người phát ngôn Bộ Tư lệnh phía Đông của Ấn Độ, ông Mandeep Hooda nói: “Hành động hung hăng của cả hai bên khiến cho các binh sĩ bị thương nhẹ. Đó là tranh cãi từ việc ném đá dẫn tới ẩu đả.”

Sự kiện diễn ra hôm 09/5 tại khu vực Naku La, gần cửa khẩu Nathu La cao 4.572 mét ở bang Sikkim phía đông bắc Ấn Độ, khu vực tiếp giáp với cả Bhutan, Nepal và Trung Quốc.

Hơn 100 binh sĩ của Trung Quốc và Ấn Độ đã tham gia vụ đụng độ dọc biên giới hai nước và một số binh sĩ ở cả hai bên bị thương. Một sỹ quan quân đội Ấn Độ cho hay bảy lính Trung Quốc và bốn lính Ấn Độ bị thương.

Sự việc sau đó đã được giải quyết bằng “đối thoại và tương tác” ở cấp địa phương, theo ông Hooda.

Ông Hooda nói thêm: “Cuộc đụng độ ngắn và bộc phát giữa các binh sĩ biên phòng diễn ra do ranh giới chưa được xác định.”

Một vụ đụng độ khác giữa binh sĩ hai bên diễn ra sáng 10/5 tại Ladakh.

New Indian Express đưa tin: “Người Trung Quốc đã động chạm với người Ấn Độ và các binh sĩ Ấn Độ đã can thiệp, dẫn tới ẩu đả.”

Vụ việc diễn ra bên phía Ấn Độ gần thị trấn Nallah. Vụ việc đã được giải quyết nhưng binh lính cả hai bên vẫn đang hiện diện ở khu vực này.

Các nguồn tin khác cho biết binh sĩ Trung Quốc đã hung hăng hơn kể từ cuối tháng 4, và từng đỗ xe bên phía đường kiểm soát thực tế (LAC) của Ấn Độ hôm 27/4. Binh sĩ Ấn Độ đã trao đổi với lính biên phòng Trung Quốc và sự việc đã được giải quyết.

Một sĩ quan quân đội Ấn Độ cho biết hàng năm các hoạt động quân sự dọc theo đường LAC đều sẽ ngừng lại do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, và các tần suất va chạm giữa hai bên cũng giảm xuống trong vòng từ 6 đến 7 tháng.

Người này cũng nói rằng số lần phía Trung Quốc vượt qua đường LAC sang phần do Ấn Độ kiểm soát đã tăng lên trong thời gian gần đây, và có nhiều địa điểm diễn ra va chạm giữa hai bên.

Trung Quốc và Ấn Độ có những tranh cãi về đường biên giới chung kéo dài 3.400km.

Ảnh: Biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc

Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã kéo dài và đôi khi vẫn có các cuộc đụng độ nhỏ giữa binh sĩ hai nước. Hai quốc gia láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân và từng có cuộc chiến tranh ngắn vào năm 1962 để tranh giành lãnh thổ ở khu vực dãy Himalaya tại bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.

Sự kiện hôm 09/5 là lần đầu tiên binh sĩ hai nước đụng độ kể từ năm 2017, khi lính biên phòng hai bên cãi lộn ở khu vực tây bắc Ladakh.

Cùng năm đó, có một cuộc chạm trán khác diễn ra khi Ấn Độ gửi quân tới vùng Doklam của Bhutan để ngăn chặn Trung Quốc xây dựng một con đường ở đó.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với khoảng 90.000 km vuông ở khu vực – vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của New Delhi.

Tuy cả hai nước đều gửi quân tới tuần tra và các nhóm này thường xảy ra các đụng độ ở hình thức xô đẩy, va chạm thân thể, nhưng chưa có viên đạn nào được khai hỏa ở đường biên trong suốt bốn thập niên qua.

Trong đại dịch COVID-19, mối quan hệ của hai nước cũng có không ít sóng gió. Ngày 18/4, Ấn Độ đã thực hiện một thay đổi lớn trong chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước này, bằng việc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn để hạn chế các nước có chung đường biên giới thừa cơ thâu tóm các doanh nghiệp Ấn Độ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Đây được coi là động thái nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc tận dụng cơ hội trong dịch COVID-19.

Tiếp đó, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, cơ quan hàng đầu đối phó với dịch COVID-19, hôm 27/4 cho biết đã lên kế hoạch trả lại bộ dụng cụ xét nghiệm được mua từ hai công ty Trung Quốc vì độ chính xác kém, theo Reuters.

Đại sứ quán Trung Quốc lập tức chỉ trích Ấn Độ về việc ngừng sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 được sản xuất bởi hai công ty là Guangzhou Wondfo Biotech và công ty Zhuhai Livzon Diagnostics của Trung Quốc vì vấn đề chất lượng, cho rằng điều này là không công bằng và vô trách nhiệm.

Trong một diễn biến khác, truyền thông Nhật Bản hôm 09/5/2020 cho biết: Lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản đã triển khai tàu tuần tra để cảnh cáo một nhóm tàu Hải Cảnh Trung Quốc bị phát hiện đang truy đuổi một tàu đánh cá Nhật Bản ở vùng Biển Hoa Đông.

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết là bốn chiếc tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào khoảng 16 giờ ngày 08/5.

Trích tin từ hãng thông tấn Nhật Jiji Press, tờ báo Hồng Kông cho biết là khoảng 50 phút sau đó, hai chiếc tàu Trung Quốc bắt đầu đuổi theo một tàu cá Nhật Bản tại khu vực cách Uotsuri, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khoảng 12 km về phía tây nam.

Sau khi JCG điều động tàu tuần tra đến hiện trường, cảnh báo qua bộ đàm, các tàu Trung Quốc mới rời khỏi khu vực.

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, bốn chiếc tàu Trung Quốc đã ở trong khu vực này khoảng hai giờ đồng hồ.

Vào thời điểm xảy ra vụ truy đuổi, có ba thuyền viên trên tàu cá Nhật Bản và không ai bị thương, JCG xác nhận.

Một quan chức của JCG cho biết: “Chúng tôi không thể nghĩ rằng một vụ việc nguy hiểm đã xảy ra.”

Trước đó, vào sáng 08/5, trên mạng xã hội Weibo, Cảnh sát biển Trung Quốc thông báo một đội tàu hải cảnh tuần tra quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Ảnh: Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vốn là điểm nóng trong tranh chấp lãnh thổ Nhật Bản – Trung Quốc kéo dài nhiều thập niên qua

Hôm 17/4, các tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đã xuất hiện quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Chính quyền Trung Quốc còn tìm cách khẳng định chủ quyền tại Senkaku/Điếu Ngư bằng cách áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè hàng năm ở biển Hoa Đông, bao gồm cả vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Năm nay, lệnh cấm đánh bắt đơn phương của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/5 đến 16/8.

Quần đảo trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, do Nhật Bản kiểm soát trên thực tế với tên gọi Senkaku. Các hòn đảo không có người ở nhưng giàu tài nguyên cùng rạn san hô ở Biển Hoa Đông trở thành điểm nóng trong tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc – Nhật Bản kéo dài nhiều thập niên qua, bất chấp mối quan hệ giữa hai bên dần được cải thiện trong những năm gần đây.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có hai chuyến thăm Trung Quốc kể từ năm 2018. Các quan chức hai bên đang chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản đã được lên kế hoạch vào tháng trước nhưng phải hoãn lại vì đại dịch COVID-19.

Sự việc hôm 08/5 đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2008, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiến vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để truy bắt tàu cá Nhật Bản.

Động thái này được cho là diễn ra ngay sau khi Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Hoa Đông, Biển Đông, Bột Hải và Hoàng Hải.

Năm 2012, sau khi Chính phủ Nhật Bản mua lại quần đảo này từ tư nhân, tần suất các vụ xâm nhập của tàu công vụ Trung Quốc tăng liên tục.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, Nhật đã ghi nhận tổng cộng 1.097 vụ xâm nhập vùng nước xung quanh Senkaku của tàu Trung Quốc, trong đó có 126 lần các tàu này tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh Senkaku. Theo báo Asahi của Nhật Bản, đây là tần suất cao thứ hai chỉ sau năm 2013.

Chưa dừng lại đó, Bắc Kinh cũng điều thêm các tàu hải cảnh cỡ lớn, thế hệ mới và một số tàu được hoán cải từ tàu chiến cũ đến Senkaku. Điểm đáng chú ý là lượng giãn nước của những tàu này luôn lớn hơn tàu Nhật Bản gấp đôi, có khi gấp ba.

Liên tục xâm nhập, Trung Quốc chỉ sử dụng tàu hải cảnh. Hải quân Trung Quốc hầu như không can dự các hoạt động ở Senkaku, cá biệt chỉ có năm 2016 một tàu chiến Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải.

Giới quan sát nhận xét mục đích của Trung Quốc chủ yếu để quấy rối, tạo sự bình thường mới và tuyên bố Nhật Bản không có năng lực quản lý nếu không cử tàu ra ngăn cản.

Theo nhà nghiên cứu Adam P. Liff thuộc Đại học Indiana (Mỹ), Bắc Kinh đã cố gắng tránh tạo cớ để Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản can thiệp bởi họ hiểu đằng sau đó có thể là hải quân Mỹ.

Sự thận trọng này được nâng lên vào năm 2014, sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama rằng Washington sẽ đứng về phía Tokyo và bảo vệ Senkaku là một nghĩa vụ trong Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật.

Về phía Nhật Bản, theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, Nhật Bản đã hoàn tất việc bố phòng cho Senkaku với các căn cứ của tuần duyên và Lực lượng phòng vệ biển trải dài từ đảo Yonaguni tới Amamioshima.

Các hòn đảo nằm trong chuỗi này vừa là căn cứ hậu cần cho các tàu tuần duyên chuyên tuần tra Senkaku vừa là “tai mắt” phát hiện các hoạt động của máy bay, tàu chiến và tàu công vụ Trung Quốc trong khu vực.

Trong bài viết trên Trung tâm An ninh hàng hải quốc tế hồi tháng 4 rồi, chuyên gia Michael Perry cho biết Trung Quốc không dám sử dụng tàu hải cảnh quấy rối và bắt giữ ngư dân Nhật như đã làm trên Biển Đông bởi Tokyo sở hữu sức mạnh tuần duyên tương đương với Trung Quốc.

Trước sự xuất hiện của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, Nhật Bản đã quyết định thành lập lực lượng cảnh sát tuần tra đảo trực chiến Senkaku. Nhiệm vụ của lực lượng này là phá vỡ kịch bản các tàu cá ngụy trang của Trung Quốc có thể bất ngờ tiếp cận và đổ bộ các toán vũ trang lên Senkaku hòng tạo sự đã rồi.

Với ngân sách năm đầu tiên khoảng 66 triệu USD, lực lượng này sẽ được trang bị các máy bay trực thăng cỡ lớn cho phép triển khai quân nhanh chóng tới những địa điểm nghi ngờ có đổ bộ bất hợp pháp.

Là một đất nước rộng lớn có chung biên giới với nhiều quốc gia. Nhưng cho đến những ngày đây, Trung Quốc dường như gây hấn ở khắp nơi từ Biển Đông, Biển Hoa Đông nay lại là biên giới với Ấn Độ trong khi đó biên giới với Nga cũng chưa yên ổn vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Đây cũng có thể là dấu hiệu của một đại cường đang quằn quại trước thời điểm sụp đổ, bởi đủ thứ áp lực dồn lên từ các vụ điều tra nguồn gốc của virus, các vụ kiện đòi chịu trách nhiệm về sự bùng phát của đại dịch trên toàn cầu, làn sóng bài Trung lan ra khắp năm châu, cho đến sự lục đục trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự đánh mất tính chính danh của Đảng trong đại dịch và ngọn lửa chống đối trong dân chúng đang được thổi bùng sau ba thập kỷ, kể từ sự kiện nhà cầm quyền Bắc Kinh gây ra vụ thảm sát dã man người dân nước này tại quảng trường Thiên An Môn.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=hxQ777c8aGQ
TQ “bơ vơ” – VN “nghi ngờ” – quốc tế ” lánh xa”