Mỹ dường như đang đẩy Trung Quốc vào đường cùng khi cùng một thời điểm tại Thượng viện, các thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất đạo luật trừng phạt Trung Quốc vì COVID-19 còn tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump thẳng thừng loại trừ khả năng đàm phán lại thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung.
Ngày 12/5, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đề xuất dự luật trao cho Tổng thống Mỹ Donald Trump quyền áp các biện pháp trừng phạt Trung Quốc nếu Bắc Kinh không đưa ra “lời giải thích đầy đủ” về sự bùng phát COVID-19.
Dự luật mang tên “Đạo luật Trách nhiệm giải thích COVID-19” (Accountability Act) do nhóm 9 Thượng nghị sỹ đề xuất gồm Lindsey Graham, Thom Tillis, Cindy Hyde-Smith, Mike Braun, Rick Scott, Steve Daines, Todd Young, Jim Inhofe và Roger Wicker.
Dự luật này yêu cầu tổng thống phải chứng nhận trước Quốc hội trong vòng 60 ngày rằng TQ đã “cung cấp một báo cáo toàn vẹn và đầy đủ cho bất kỳ cuộc điều tra COVID-19 nào do Hoa Kỳ, các đồng minh hoặc chi nhánh của Hoa Kỳ như Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện“.
Dự luật cũng yêu cầu tổng thống chứng nhận rằng Trung Quốc đã đóng cửa tất cả các chợ bán động vật hoang dã có thể khiến con người gặp rủi ro về sức khỏe và trả tự do cho tất cả những người ủng hộ dân chủ Hồng Kông bị bắt trong các cuộc đàn áp sau đại dịch.
Nếu không thể xác nhận những vấn đề trên, dự luật sẽ ủy quyền cho Tổng thống Trump áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt Trung Quốc, gồm đóng băng tài sản, cấm đi lại, thu hồi thị thực cũng như hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc vay mượn từ các định chế tài chính Mỹ và cấm các công ty Trung Quốc niêm yết chứng khoán trên các sàn giao dịch Mỹ.
Theo Hãng tin Reuters, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chưa phản hồi khi được yêu cầu bình luận. Tuy nhiên, trước giờ Bắc Kinh vẫn luôn nói rằng họ đã minh bạch về đại dịch COVID-19, khởi phát từ thành phố Vũ Hán thuộc miền trung Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham – Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ và là một đồng minh thân cận của Tổng thống Trump – nói ông tin chắc rằng nếu không vì “sự lừa dối” của Trung Quốc thì COVID-19 sẽ không tìm đường tới Mỹ, nơi đã ghi nhận hơn 1,4 triệu ca nhiễm và hơn 83.400 ca tử vong tính đến sáng 13/5.
Ông Graham nói Trung Quốc đã từ chối cho phép các nhà điều tra nghiên cứu quá trình đại dịch bắt đầu bùng phát: “Tôi tin chắc Trung Quốc sẽ không bao giờ hợp tác để tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc nếu ta không bắt họ làm như vậy“.
Thượng nghị sĩ Jim Inhofe, một trong những người bảo trợ khác của “Đạo luật Trách nhiệm giải trình COVID-19” tuyên bố: “Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì vai trò gây thiệt hại của họ trong đại dịch này.”
Ông Jim Inhofe nói: “Việc họ hoàn toàn lừa dối về nguồn gốc và sự lây lan của virus đã lấy đi của thế giới khoảng thời gian quý giá và cả những sinh mạng khi dịch bắt đầu lan rộng”.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Robert O’Brien, và cố vấn kinh tế quốc gia, Larry Kudlow, hôm thứ Hai đã cảnh báo rằng không nên đầu tư tiền hưu trí liên bang vào các công ty Trung Quốc vì “khả năng các lệnh trừng phạt trong tương lai sẽ xuất phát từ hành động có thể phạm tội của chính phủ Trung Quốc” trong đại dịch virus corona.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng đã từng bóng gió về các lệnh trừng phạt trong tương lai đối với Trung Quốc vì sự tàn phá gây ra cho nền kinh tế toàn cầu và đời sống con người.
Về phía đảng đối lập, Thượng nghị sĩ Tim Kaine, thuộc đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện, nói những điều tệ hại “chắc chắn đã xảy ra ở Trung Quốc” nhưng cần phải xem xét toàn bộ câu chuyện và chính quyền Trump không thể trốn tránh sự giám sát.
Trong một sự kiện do Trung tâm Meridien của Washington tổ chức, ông nói: “Trước tiên hãy đưa câu chuyện ra bàn và xem phần nào của vấn đề này ai phải chịu trách nhiệm, để có khắc phục vấn đề, và sau đó chúng ta có thể quyết định về trách nhiệm giải trình.”
Giới chỉ trích Trump, bao gồm một số cựu quan chức, học giả và bình luận gia, nói rằng trong khi Trung Quốc có nhiều điều phải trả lời, chính quyền Mỹ dường như đang tìm cách làm chệch hướng sự chú ý khỏi những gì bị cho là phản ứng chậm chạp của Mỹ đối với khủng hoảng.
Một phụ tá Hạ viện đảng Dân chủ cho biết Trung Quốc tiếp tục che giấu sự thật về đại dịch và cần có một nỗ lực quốc tế toàn diện để giải thích cho những gì đã xảy ra.
Nhưng nguồn tin này, nói chuyện với Reuters trong điều kiện giấu tên, buộc tội Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phớt lờ nhiều thời hạn để chia sẻ với Quốc hội về nguồn gốc của virus.
“Nếu chính quyền muốn Quốc hội hành động, họ nên ngừng ném đá và cho chúng tôi xem ‘bằng chứng’ mà họ tuyên bố là đã có trong tay,” người phụ tá nói.
Trong cùng ngày 12/5, giới nghị sĩ đảng Dân chủ ở Hạ viện Mỹ công bố gói ngân sách 3.000 tỉ USD nhằm hỗ trợ các hoạt động ứng phó với đại dịch COVID-19 và hỗ trợ tiền cho hàng triệu hộ gia đình ở Mỹ.
Theo AFP, gói cứu trợ lớn nhất về COVID-19 này dự kiến sẽ được bỏ phiếu trong tuần này nhưng đã bị Thượng viện phản đối vì cho rằng chưa cần đến.
Trước đó, Mỹ đã thông qua gói cứu trợ 2.200 tỉ USD vào tháng 3 và sau đó rót thêm 483 tỉ USD cho một chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ bị thiệt hại trong dịch COVID-19.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Donald Trump bác bỏ ý tưởng đàm phán lại thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Tổng thống Trump nói rằng ông không ủng hộ chuyện mở lại các cuộc đàm phán với Trung Quốc về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà hai quốc gia đã ký vào đầu năm nay.
Ngày 11/5, khi được hỏi về các báo cáo cho biết Trung Quốc đang muốn mở lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại đã ký với Mỹ hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Tôi không quan tâm điều đó. Chúng ta đã ký thỏa thuận rồi!”
“Không, không đâu, không một chút nào… Tôi cũng nghe thông tin đó, họ muốn mở lại các cuộc đàm phán thương mại để có một thỏa thuận tốt hơn dành cho họ” – nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định không ủng hộ ý tưởng trên.
Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi tháng 01/2020 trong bối cảnh hai nước dính vào thương chiến với các đòn áp thuế ăn miếng trả miếng.
Theo nội dung của thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn một, Washington chấp nhận ngừng kế hoạch áp thuế đối với 155 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời giảm thuế quan còn 7,5% đối với 120 tỷ USD hàng hóa.
Đổi lại, giới chức Bắc Kinh cam kết trong vòng 2 năm (2020 và 2021) tăng mức mua hàng hóa và dịch vụ Mỹ nhiều hơn năm 2017 với tổng chênh lệch ít nhất là 200 tỷ USD, trong đó phải bao gồm 40 tỷ USD nông sản.
Theo báo New York Times, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ sau khi thỏa thuận trên được ký kết, nhưng vẫn chưa đáp ứng được những kỳ vọng của chính quyền ông Trump.
Trang Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 11/5 tiết lộ các cố vấn thương mại của chính phủ nước này đã thúc giục Bắc Kinh hủy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ để đàm phán lại một thỏa thuận mới có lợi hơn.
Vài giờ sau bài báo của Thời báo Hoàn Cầu, ngay trong ngày 11/5, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo mua ít nhất 4 lô hàng đậu nành (khoảng 240.000 tấn) của Mỹ; việc giao hàng bắt đầu vào tháng 7/2020. Theo thỏa thuận giai đoạn 1, Bắc Kinh cam kết sẽ mua ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm tới.
Clete Willems, cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng, người đóng vai trò tích cực trong đàm phán Mỹ – Trung Quốc, cho biết Trung Quốc đã tuân thủ phần lớn các điều khoản trong thỏa thuận Giai đoạn 1, bao gồm các quy tắc bảo vệ sở hữu trí tuệ. Mỹ không nên từ bỏ thỏa thuận này vì thỏa thuận đã mang lại những kết quả tích cực cho đến nay.
Trước đó, Phòng Thương mại Mỹ ngày 08/5 đã hối thúc Bắc Kinh đẩy mạnh việc mua hàng hóa của Mỹ trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cho rằng việc thúc đẩy mua sắm sẽ giúp ích cho cả hai nước và kinh tế toàn cầu.
Người đứng đầu bộ phận các vấn đề quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ, ông Myron Brilliant nêu rõ: “Khi mà nền kinh tế Trung Quốc đang dần trở lại bình thường, chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ đẩy nhanh đáng kể hoạt động mua các sản phẩm của Mỹ, phù hợp với thỏa thuận Giai đoạn 1 và tiếp tục đưa ra các biện pháp để mở cửa hơn nữa nền kinh tế. Điều đó sẽ giúp ích cho Mỹ, Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu“.
Một số chuyên gia lo ngại nếu giữ tốc độ mua hàng chậm như hiện nay, Bắc Kinh khó có thể đáp ứng cam kết với Washington ngay trong năm đầu tiên.
Nhiều người bày tỏ hoài nghi về khả năng Trung Quốc giữ cam kết này do nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Thực tế, GDP quý I/2020 của Trung Quốc giảm 6,8%, đánh dấu quý tăng trưởng âm đầu tiên kể từ năm 1992.
Theo South China Morning Post, các chuyên gia nhận định dịch COVID-19 có thể khiến thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” giữa Mỹ và Trung Quốc chết yểu.
Khi dịch COVID-19 bùng lên từ Vũ Hán, ngành kinh tế tư nhân Trung Quốc lao đao vì nhiều doanh nghiệp đóng cửa, tiêu dùng lao dốc.
Do đó, nợ Trung Quốc sẽ phình to, tăng trưởng GDP lao dốc. Chính quyền Bắc Kinh sẽ rất khó thực hiện các cam kết mua hàng từ Mỹ theo thỏa thuận “giai đoạn 1“
Tuần trước, ông Trump từng cảnh báo, tăng thuế là “một lựa chọn chắc chắn” để trả đũa Trung Quốc vì cách ứng phó đại dịch Covid-19. Ông chủ Nhà Trắng cáo buộc Bắc Kinh giấu dịch khiến dịch lây lan ra toàn thế giới và tin rằng cách ứng phó của Trung Quốc với đại dịch là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh “sẽ làm bất kể điều gì” để khiến ông thất bại trong bầu cử Tổng thống 2020.
Rõ ràng, tại Mỹ hiện nay, điểm đồng thuận duy nhất giữa hai đảng trong vô số những điểm bất đồng đó là bắt Trung Quốc phải chịu trách nhiệm với việc để đại dịch lây lan ra toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung.
Còn với cá nhân Tổng thống Trump trước đại dịch vốn rất tự hào với sự đi lên của nền kinh tế, một điểm lợi thế cho chiến dịch tái ứng cử nhiệm kì II của ông thì đại dịch COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc đã khiến bao nhiêu hy vọng của vị tổng thống tan biến nhanh như một cơn gió. Và ông Trump càng có lý do để trừng phạt Trung Quốc.
Trung Kiên – Thoibao.de (Tổng hợp)