Việt Nam chuẩn bị khởi kiện Trung Quốc?

https://www.youtube.com/watch?v=zBEN5QjGnBw
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=zBEN5QjGnBw

Kể từ sự kiện năm 2014 khi Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các biện pháp hòa bình mà Việt Nam lựa chọn để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông ngày càng tỏ ra không có tác dụng. Đến nay đã 6 năm trôi qua, Trung Quốc lại càng tỏ ra hung hăng, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của Việt Nam bất chấp dịch COVID-19 hoành hành trên toàn thế giới, bỏ ngoài tai tiếng nói của các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Khả năng Việt Nam sẽ áp dụng biện pháp hòa bình cuối cùng là con đường pháp lý đang đến gần hơn bao giờ hết.

Hôm 30/3/2020, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) đã gửi một công hàm tới Tổng thư ký LHQ để trình bày một cách có hệ thống về lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề pháp lý chính trên Biển Đông.

Vậy mà ngày 03/4 tàu hải cảnh Trung Quốc lại một lần nữa đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc thực hiện hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang vật lộn với đại dịch COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc. Việt Nam đã gửi công hàm lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm pháp luật của Trung Quốc và nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ các nước khác như Mỹ và Philippines.

Ngày 01/6 phái đoàn đại diện của Mỹ tại LHQ cũng gửi công hàm phản đối yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Công hàm của Mỹ nói “quyền lịch sử” mà Bắc Kinh tuyên bố đã “vượt quá quyền lợi hàng hải mà Trung Quốc được hưởng như phản ánh trong Công ước Luật biển năm 1982”.

Ảnh chụp phần đầu Công hàm số 22/HC-2020 ngày 30/3/2020 của Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc

Những động thái phản đối của các nước đều bị Trung Quốc ‘làm ngơ’ và tiếp tục những hành động ‘vô lối’ của mình tại Biển Đông.

Ngày 10/6, một tàu sắt và một ca nô Trung Quốc đâm, va, húc và cướp phá tài sản một tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam ở gần đảo Linh Côn, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Và hai ngày sau đó, ngày 12/6, Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia của Trung Quốc đưa ra nhận định rằng Việt Nam sẽ ‘phải trả giá’ nếu kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông. Trong bài viết bằng tiếng Anh có nhan đề “Liệu Việt Nam có suy nghĩ kỹ trước khi nộp đơn kiện về Nam Hải (tức Biển Đông)?” cho chương trình “Sáng kiến Tìm hiểu Tình hình Chiến lược Nam Hải” (tức Biển Đông), thuộc Viện Nghiên cứu Hải dương tại Đại học Bắc Kinh, học giả họ Ngô viết với lời lẽ mang đầy tính đe dọa là: ““Nếu Việt Nam liều lĩnh dám nộp đơn kiện ra tòa trọng tài, tôi tin rằng Trung Quốc sẽ không ngồi yên.”

Tiếp đến, học giả này liệt kê ra những động thái đáp trả mà Trung Quốc có thể tiến hành, trong đó, hàng đầu là Trung Quốc có thể công bố đường cơ sở thể hiện lãnh hải của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, mà họ gọi là Nam Sa.

Thứ hai, Trung Quốc có thể hành động cứng rắn hơn và trấn áp mạnh hơn đối với việc ngư dân Việt Nam đánh bắt cá mà Bắc Kinh gọi là “bất hợp pháp” tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đặt tên là Tây Sa.

Một biện pháp đáp trả nữa từ phía Bắc Kinh nếu Hà Nội khởi kiện, theo vị tiến sĩ Trung Quốc, là đất nước 1,4 tỷ dân “có thể kìm hãm và chặn đứng” quá trình quân sự hóa của Việt Nam trên các đảo và các rạn san hô nằm trong tay Việt Nam.

Viện trưởng Ngô Sĩ Tồn phác họa về một số hành động mang tính chiến thuật như “chặn đường và xua đuổi tàu Việt Nam đi vào vùng biển không được phép”, làm đứt nguồn cung cấp hậu cần cho binh sĩ Việt Nam đồn trú trên các đảo và rạn san hô. Tiến sĩ Ngô cảnh báo: “Các biện pháp quản lý và kiểm soát hơn thế nữa sẽ được thực hiện nếu cần.”

Cuối cùng, vị Viện trưởng của Trung Quốc nói nước của ông ta có thể khởi sự thăm dò dầu khí trong Bãi Tư Chính. Ông viết: “Nếu Việt Nam nộp đơn khởi kiện, Trung Quốc có thể nhân cơ hội này đi trực tiếp vào Bãi Tư Chính mà không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào để khởi động việc thăm dò dầu khí … Đây sẽ là một bước đột phá đối với Trung Quốc, là hoạt động thăm dò dầu khí đầu tiên ở khu vực Nam Sa.”

Kết luận bài viết, học giả họ Ngô khẳng định nếu chọn con đường kiện tụng, Việt Nam sẽ chứng kiến quan hệ Việt – Trung bị thụt lùi và “trả giá đắt” cho những biện pháp đáp trả từ phía Trung Quốc. Viện trưởng Ngô Sĩ Tồn nhấn mạnh: “Việt Nam nên nghĩ kỹ trước khi nộp đơn kiện.”

Ảnh: Tàu cá Quảng Ngãi, Việt Nam bị hư hỏng nặng sau khi bị tàu sắt của Trung Quốc tấn công hôm 10/6

Giới nghiên cứu đánh giá đây được coi là lời hăm dọa của Trung Quốc trước khả năng Việt Nam khởi kiện nước này về Biển Đông.

Ở Trung Quốc, dưới quyền lãnh đạo duy nhất và tuyệt đối của đảng cộng sản thì quan điểm của một viện trưởng như ông Ngô Sĩ Tồn không thể có sự khác biệt với quan điểm của Đảng và Nhà nước Trung Quốc.

Thực tế là cả Việt Nam và Trung đều đang có cảm nhận một vụ kiện về tranh chấp trên Biển Đông mà Việt Nam là nguyên đơn còn Trung Quốc là bị đơn đang đến gần hơn bao giờ hết.

Hai nhà nghiên cứu người Việt đã khẳng định với VOA hôm 16/6 rằng Việt Nam đã chuẩn bị cho việc kiện Trung Quốc về Biển Đông trong hai năm qua và đang tích cực đẩy nhanh công việc.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore nhận định trong giới lãnh đạo Việt Nam có “sự đồng thuận” về chính sách và chiến lược liên quan đến việc kiện Trung Quốc tại một cơ quan tài phán quốc tế. Các bước đi của phía Việt Nam và các phản ứng có thể đến từ phía Trung Quốc dường như đã được Hà Nội tính toán kỹ. Các chuyên gia Việt Nam tham gia công tác chuẩn bị có nhiều liên lạc với các đối tác Mỹ, Anh, Pháp… trong những tháng gần đây, dù bị ảnh hưởng một chút vì dịch COVID-19 cản trở các cuộc gặp gỡ trực tiếp.

Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên một ban nghiên cứu luật biển, hải đảo ở Việt Nam khẳng định Việt Nam “đã làm rất nhiều, thúc đẩy quan hệ với các tòa án quốc tế, trong đó có PCA [Tòa Trọng tài Thường trực]” để chuẩn bị cho việc khởi kiện.

Theo ông Việt, Hà Nội đến nay đã “tiệm cận gần hơn” với việc khởi kiện Trung Quốc về Biển Đông và ông mô tả rằng việc chuẩn bị “cũng rất đầy đủ”.

Ông đưa ra nhận định: “Tôi cho rằng Trung Quốc đe dọa là một chuyện, nhưng tôi vẫn khẳng định rằng sớm muộn gì Việt Nam phải khởi kiện Trung Quốc thôi. Bởi vì Trung Quốc sẽ không dừng các tham vọng của họ trên khu vực Biển Đông và càng ngày càng lấn tới, và lấn tới một mức nào đó thì Việt Nam không chịu nổi, buộc phải đưa Trung Quốc ra tòa.”

Vào ngày 06/11/2019, tại một hội nghị ở Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nói Việt Nam sẽ ưu tiên chọn đàm phán, nhưng nếu đàm phán không mang lại kết quả, thì Việt Nam bắt buộc phải cân nhắc “những sự lựa chọn khác.” Ông Lê Hoài Trung nói: “Chúng tôi hiểu rằng các biện pháp đó gồm tìm hiểu các tài liệu chứng minh, nhờ hòa giải, hàn gắn, thương thuyết, trọng tài và cả kiện tụng.”

Sự kiện này được biết là lần đầu tiên Việt Nam đề cập đến khả năng khởi kiện. Chuyên gia về Biển Đông Bill Hayton của Tổ chức Chatham House nhận định: “Đây là chuyển biến lớn về chính trị trong quan hệ Việt – Trung, nhưng có lẽ đó cũng là khả năng duy nhất còn lại đối với Việt Nam.”

Ảnh: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu khai mạc Hội thảo Biển Đông lần thứ 11, sáng ngày 06/11/2019 tại Hà Nội

Về thời điểm khởi kiện, giới nghiên cứu đều cho rằng nó sẽ ở trong một tương lai rất gần.

Tại cuộc trao đổi trực tuyến với báo giới do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức hôm 27/5 về chủ đề “An ninh Khu vực Biển Đông giai đoạn Covid-19”, Chuyên gia Bonnie Glaser, Cố vấn Cao cấp về Châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định: “Tôi biết rằng trong nhiều năm qua Việt Nam đã âm thầm nỗ lực hết mình để tích lũy, thu thập thông tin và chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Nếu có một quyết định chính trị được đưa ra bởi Việt Nam để tiếp tục xử lý hồ sơ này, tôi tin rằng họ đã sẵn sàng để làm như vậy.”

Chuyên gia Hoàng Việt thì không phỏng đoán về một khung thời gian cụ thể nhưng ông cho rằng Việt Nam sẽ cố nhẫn nhịn chừng nào còn có thể. Ông nói: “Nếu Trung Quốc không làm căng vấn đề, Việt Nam cũng không dại gì khởi kiện Trung Quốc để làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc cứ tiếp tục dồn Việt Nam vào chân tường, ví dụ, gần đây Trung Quốc bóng gió về việc lập Vùng nhận diện phòng không trên trên Biển Đông, nếu Trung Quốc thực sự tuyên bố, thì chắc chắn Việt Nam sẽ tìm cách khởi kiện.”

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì đưa ra nhận định rằng quyết định của Việt Nam về khi nào nộp đơn kiện ra tòa sẽ xoay quanh đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2021. Ông nói: “Trước khi có Đại hội Đảng 13 thì Việt Nam chưa kiện Trung Quốc đâu vì bây giờ họ còn đang chuẩn bị đại hội cho nó xong. Thế nhưng không loại trừ là trước đại hội họ có thể khởi kiện. Vì họ nắm tình hình là khóa tới vẫn nhất quán với việc khởi kiện, nên họ sẽ làm việc này. Các khả năng, các bước mà Trung Quốc có thể phản ứng, cư xử với Việt Nam thì dường như họ [Việt Nam] tính toán rất là kỹ.”

Ảnh: Hội nghị Trung ương 10 ngày 16/5/2020 chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng

Dự đoán về kết quả vụ kiện và tác động của vụ kiện tới tranh chấp trên Biển Đông, giới chuyên gia đều lạc quan về khả năng thắng kiện của Việt Nam và vụ kiện sẽ mang lại lợi thế cho Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo kể cả trong trường hợp Trung Quốc không thừa nhận kết quả vụ kiện.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp dự đoán một kết quả tiềm tàng nếu Việt Nam kiện Trung Quốc. Ông nói: “Dự báo khả năng thắng kiện là rất lớn. Và cũng có thể dự báo luôn là Trung Quốc sẽ không công nhận kết quả phán quyết tới đây. Kết quả phán quyết, nếu Việt Nam khởi kiện, sẽ tương tự như kết quả mà Philippines đã có năm 2016 và Trung Quốc sẽ có cùng thái độ, là không công nhận phán quyết mà tòa quốc tế đưa ra cho Philippines.”

Theo ông, Trung Quốc sẽ “tăng cường quấy phá và đe dọa” Việt Nam trên mọi lĩnh vực – chính trị, kinh tế, trên biển, trên các diễn đàn quốc tế. Các hành động gây rối trên biển của Trung Quốc đối với Việt Nam có thể còn nhiều hơn và nghiêm trọng hơn những gì họ đã làm với Philippines, thậm chí có thể có “nổ súng”. Nhưng phản ứng của Trung Quốc chỉ mang lại thêm những bất lợi cho nước này, khi thế giới nhìn vào đó và phê phán rằng Trung Quốc – một thành viên cộng đồng quốc tế và một ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ – lại không tuân thủ phán quyết của một cơ quan pháp lý thuộc LHQ.

Tiến sĩ, luật sư người Mỹ Dale J. Montpelier, người từng cố vấn pháp lý cho các vụ tranh chấp liên quan đến dầu khí với Việt Nam và cũng là người đã gửi thư đến Đại sứ quán Việt Nam ở Washington đề nghị tư vấn miễn phí cho Việt Nam kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông cũng khẳng định tác động về mặt ngoại giao cũng như thương mại nếu Việt Nam thắng kiện Trung Quốc. Ông nói: “Vấn đề ở đây là, đối với bất kỳ ai theo dõi vụ việc và bất kỳ doanh nghiệp nào làm kinh doanh tại Trung Quốc, nếu chính phủ Trung Quốc không tôn trọng phán quyết của tòa án hay toà trọng tài thường trực, làm thế nào một doanh nghiệp Hoa Kỳ, một doanh nghiệp Singapore, một doanh nghiệp Việt Nam có thể tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ tôn trọng thỏa thuận đối với họ? Không có gì ngăn được Trung Quốc phá vỡ các thỏa thuận nếu chính phủ trên thực tế không tôn trọng luật pháp.” Trung Quốc sẽ phải nhận thấy rằng việc làm ăn, kinh doanh trong thế giới hiện đại phụ thuộc vào việc chính phủ có tôn trọng pháp luật hay không. Ông nói thêm: “Trung Quốc cần phải nhận thấy hình phạt. Nếu Trung Quốc không công nhận phán quyết, thì hình phạt sẽ tính bằng đồng đô la và thương mại…”

Nhà nghiên cứu luật biển, hải đảo Hoàng Việt nhấn mạnh rằng giá trị và tác động từ phán quyết của tòa trọng tài về Biển Đông có sức mạnh không thể xem thường. Ông chỉ ra rằng sau phán quyết năm 2016, cả bộ máy chính trị và giới học giả Trung Quốc đều phải tìm cách bác bỏ, nhưng một loạt các nước có tranh chấp hoặc có quyền lợi ở Biển Đông, gồm cả Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Mỹ… vẫn viện dẫn phán quyết, điều chỉnh các tuyên bố theo phán quyết. Ông Việt nói về hiệu ứng “cú đánh bồi” nếu Việt Nam cũng thắng kiện như Philippines thì không những uy danh của Trung Quốc bị sụp đổ, mà sự đe dọa cũng rất lớn, bởi vì các quốc gia khác sẽ đưa ra vấn đề pháp lý phù hợp với phán quyết đó, tạo sức ép rất lớn với Trung Quốc. Nếu ví dụ sau Việt Nam, tiếp tục có Malaysia, như trong võ thuật có liên hoàn cước, thì chiến thắng liên hoàn như vậy sẽ có tác động rất lớn đối với thế giới. Khi đó thế giới nhìn vào vấn đề uy tín của Trung Quốc và Trung Quốc sẽ lo sợ về ảnh hướng lớn từ các vụ kiện tụng đến sự phát triển của quốc gia có hơn 1,4 tỉ dân này.

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Luật sư Mỹ đề nghị tư vấn miễn phí cho Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế

>>> Quân Trung Quốc dùng „chày đinh” tàn sát lính Ấn Độ

>>> Trung Quốc “giãy giụa” khi Mỹ gây áp lực tối đa trên Biển Đông

https://www.youtube.com/watch?v=S9jPLqHSORk
TQ “giãy giụa” khi Mỹ gây áp lực tối đa trên Biển Đông

 

Kasse animation 7.8.2023