Lời dẫn: Thoibao.de nhận được bài viết phản biện của một độc giả lấy bút danh Cầm Chuông. Chúng tôi đăng để rộng đường công luận.
Tối hôm nay 10/7/2020 tình cờ đọc được bài „Tổ chức Văn Bút Hoa Kỳ PEN America kiện Tổng thống Donald Trump“ của tác giả Thục Quyên đăng trên Báo Tiếng Dân (bấm vào dòng chữ in đậm để xem, hoặc xem trên facebook: https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/3051177831626905?__tn__=K-R).
Theo đường link ghi trong bài viết, tôi vào trang web của tổ chức Văn Bút Hoa Kỳ để đọc bài gốc tiếng Mỹ. Và từ trang web của PEN America tôi được dẫn vào những đường link khác nữa, cứ như thế tiếp tục … Cuối cùng tôi tìm hiểu được diễn biến vụ kiện này cho đến nay như sau:
– Ngày 16 tháng 10 năm 2018, tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) đã đệ đơn kiện Tổng thống Donald Trump lên Tòa án Liên bang Hoa Kỳ tại New York (Bấm vào những dòng chữ in đậm để xem đơn).
– Ngày 6 tháng 2 năm 2019, PEN America sửa đổi và bổ sung đơn khiếu kiện của mình, đặc biệt bổ sung trường hợp phóng viên CNN Jim Acosta bị thu hồi thẻ báo chí tác nghiệp tại Nhà Trắng.
– Ngày 10 tháng 4 năm 2019, Tổng thống Trump đã đệ đơn yêu cầu tòa án bác bỏ đơn khiếu kiện của Văn bút Hoa Kỳ.
– Ngày 24 tháng 3 năm 2020, Tòa án Liên bang Hoa Kỳ tại New York ra Quyết định (phán quyết) về đơn kiện của Văn bút Hoa Kỳ cũng như đơn yêu cầu bác bỏ của Tổng thống Trump (Bấm vào những dòng chữ in đậm để xem Quyết định).
Một câu hỏi được đặt ra, Tòa án Liên bang Hoa kỳ tại New York đã quyết định những gì?
Không cần tìm ở đâu xa xôi, ngay trên trang web của Văn Bút Hoa Kỳ, chính trong bài viết (tiếng Anh) mà tác giả Thục Quyên đã dịch trọn vẹn tuyên bố của Jennifer Egan, Chủ tịch Văn Bút Hoa Kỳ và nhận định của Suzanne Nossel, Giám đốc điều hành của PEN America, nhưng không hiểu lý do vì sao, tác giả Thục Quyên lại không dịch phần nhận định của Kristy Parker (bấm vào dòng chữ in đậm để xem). Bài chỉ có 3 người, mà người duy nhất bị bỏ quên chính là người quan trọng nhất: nữ luật sư Kristy Parker, cố vấn cho tổ chức Protect Democracy, một trong những tổ chức đại diện cho PEN America trong vụ kiện.
Nữ luật sư Kristy Parker cho biết, vụ kiện đã được đệ trình bởi tổ chức Protect Democracy cùng với những luật sư khác, đại diện cho Văn Bút Hoa Kỳ. Như đã nêu trong đơn khiếu kiện, Tổng thống Trump đã sử dụng quyền lực của chính phủ để đe dọa hoặc trừng phạt các nhà báo trong ít nhất 5 tình huống, riêng tình huống thứ 5 có hai điểm (tổng cộng 6 điểm với chữ màu đỏ). Nói tóm lại đơn kiện của Văn Bút Hoa Kỳ gồm cả thảy 6 cáo buộc cùng với những yêu sách.
Luật sư Kristy Parker cũng nêu rõ, tòa án đã bác bỏ 4 tình huống (cáo buộc) đầu tiên thể theo đơn yêu cầu bác bỏ của Tổng thống Trump, nhưng cho phép vụ kiện được tiến hành với tình huống thứ năm, gồm 2 cáo buộc liên quan đến việc thu hồi thẻ báo chí ra vào Nhà Trắng và rút quyền miễn trừ an ninh của các cựu quan chức chính phủ sau khi họ xuất hiện trên truyền thông với những lời chỉ trích Tổng thống Trump.
Các nguyên đơn cáo buộc rằng Tổng thống Trump đã vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ, khi ông sử dụng quyền lực chính phủ để nỗ lực ngăn chặn tự do ngôn luận và trừng phạt giới chỉ trích.
Với nội dung tương tự, tờ Publisherweekly ngày 25/03/2020 đã đưa tin như sau:
Trong phán quyết ngày 24 tháng 3 năm 2020, Thẩm phán Lorna Schofield tại New York đã bác bỏ 4 trong số 6 cáo buộc trong đơn kiện của PEN America chống lại Tổng thống Trump, nhưng thấy 2 cáo buộc còn lại của Văn Bút Hoa Kỳ là đáng tin:
– tước thẻ báo chí ra vào Nhà Trắng
– rút quyền miễn trừ an ninh của 6 cựu quan chức chính phủ sau khi họ phê phán ông trong các lần xuất hiện trên truyền thông.
Không hiểu tại sao tác giả Thục Quyên chỉ nói một nửa sự thật, không hề nhắc đến việc „bốn trong số sáu cáo buộc của PEN America đã bị tòa án bác bỏ“, mặc dù đã được nữ luật sư Kristy Parker nêu rõ trong bài của Văn Bút Hoa Kỳ, nhưng bị tác giả Thục Quyên bỏ quên. Ngoài ra, tờ Báo Tiếng Dân đăng bài mà không kiểm chứng những thông tin có đầy đủ hoặc bị cắt xén hay không?
Cầm Chuông