Người Việt về nước bị ép mua vé cách ly 100 Đô mỗi ngày

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=vYRmS8_OIpM

Chuyến bay thương mại quốc tế của Vietjet từ Seoul (Hàn Quốc) về Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) số hiệu VJ963 chở 158 hành khách là người Việt về đến sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 12g30 trưa 30/9/2020. Tuy nhiên, sau hơn 10 tiếng hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất, hàng trăm hành khách vẫn phải chờ đợi vật vã ở sân bay thậm chí có người đã ngất xỉu vì chờ đợi quá lâu, một vài người phải bóc mì tôm sống để ăn vì đói, do mâu thuẫn chuyện cách ly ở khách sạn.

Câu chuyện được lan truyền rộng rãi trên cộng đồng mạng do người dùng facebook có tên là Le Hung (Lê Hùng) tường thuật trực tiếp bằng một đoạn livestream có thời lượng hơn 35 phút quay cảnh hàng trăm khách hàng có cả người già, trẻ con phải chờ đợi. Nhiều người khác tranh cãi với nhân viên Vietjet.

Cho đến hôm 02/10, anh Lê Hùng mới đăng một bài viết khác để kể lại chi tiết mâu thuẫn xảy ra ở sân bay Tân Sơn Nhất hôm 30/09 vừa qua.

Anh cho biết:  Lúc ở bên Hàn Quốc, hành khách liên hệ với các đại lý để mua vé đã có hỏi lúc về Việt Nam thì sẽ cách ly như thế nào. Phía bên đại lý có báo là lúc về đến sân bay thì sẽ có 2 hình thức cách ly để cho khách hàng lựa chọn. Cho đến hôm ra sân bay Inchoen, Hàn Quốc để check in vé và làm thủ tục lên máy bay thì phía nhân viên của Vietjet có đưa cho hành khách 2 tờ giấy thỏa thuận, cá nhân anh Hùng đọc thì phát hiện có điều bất thường ,trong tờ giấy không ghi giá cả cách ly, cũng không có con dấu hay chữ ký của cơ quan hay ban ngành nào cả, ký xong thì họ mới ghim mẩu giấy nhỏ vào tờ giấy với giá là 100$ ,và kèm theo 1 tờ giấy có ghi các khách sạn từ 3 sao đến 5 sao xong họ tự khoanh tròn vào danh mục khách sạn 3 sao cho hành khách, nên mọi người cũng đã khiếu nại. Nhưng khổ nỗi nhân viên Vietjet ở đó lại là toàn người Hàn Quốc, nên họ không giải thích được, mình nghĩ họ cũng chẳng biết trong tờ giấy đó nội dung như thế nào, và mình có kêu mọi người không ký vào đó.

Ảnh chụp màn hình phần livestream tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm 30/09 của người dùng facebook có tên là Le Hung (Lê Hùng) được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội

Nhưng lúc đó không ký thì họ sẽ không xuất vé, không làm thủ tục cho hành khách nên mọi người lo lắng, sợ không về được nên đành phải ký và có nói ký xong về đến sân bay sẽ khiếu nại, không là họ không cho bay.

Riêng anh Hùng HunHđã ghi dòng chữ ở khoảng trống ở tờ giấy đó là “Tôi không có đủ tiền chi trả phí cách ly khách sạn”. Vì họ là người Hàn nên không hiểu anh đã ghi gì vào tờ giấy đó nên họ đã thu và vẫn xuất vé cho anh bình thường.

 Xong tất cả hành khách đã bay về như dự kiến và lúc đến sân bay, do anh Hùng làm thủ tục và làm tờ khai y tế sau nên xuống muộn hơn mọi người và có nghe nói là họ có chỉ dẫn mọi người tập trung làm 2 nhóm:

1 – là những người đăng ký có khả năng đi cách ly khách sạn .

2 – là những ai đi cách ly tập trung .

Nhưng không hiểu 1 lúc sau họ (đại điện hãng Vietjet) báo là giờ đi cách ly khách sạn hết với mức giá 100$ nên mọi người phản đối, chất vấn mãi không được. Tiếp đến thì họ nhờ an ninh sân bay đưa mọi người qua sảnh khác đứng, đó chính là thời điểm anh Hùng quay cái video đầu tiên đó. Lúc đó là đã đợi mấy tiếng nên mọi người có bức xúc rồi (vì bên Hàn tranh thủ ra sân bay sớm nên chẳng ăn uống gì, trên máy bay cũng không ăn uống gì cho đến lúc đó) hành khách rất đông người nhiều tuổi thậm chí có cả trẻ em mới mấy tháng tuổi.

Sau một lúc lâu họ qua nói là giờ đi cách ly khách sạn với giá là 1,3 triệu vnđ /1 phòng/1 ngày gồm 4 người ở chung(14 ngày cách ly ) thì mọi người đồng ý nên họ đưa qua lại chỗ tập trung ban đầu.

Mọi người chờ để được đi cách ly mãi, nhưng rồi họ lại thông báo là giá phòng như vậy không còn nữa, và giờ phải trả với giá 1,7 triệu đồng cho 1 người lớn + 1 trẻ nhỏ. Mọi người lại không chấp nhận và giằng co (anh Hùng có quay lại trực tiếp trong video thứ 2 để chia sẻ với mọi người). Nói chung là lúc đó mọi người xác định là ngủ ở sân bay rồi.

Ảnh: Hai tờ giấy mà Hãng hàng không Vietjet phát cho hành khách ở sân bay Incheon, Hàn Quốc và bắt hành khách phải ký thì mới làm thủ tục cho lên máy bay. Một tờ là biên bản thỏa thuận cam kết chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí liên quan đến chuyến bay bao gồm: Khách sạn cách ly, vận chuyển, xét nghiệm và các chi phí liên quan khác. Một tờ có danh sách 3 khách sạn trong đó có 2 khách sạn 3 sao và 1 khách sạn 4 sao

Trước diễn biến trên, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế (Sở Y tế TP HCM) đã tích cực liên hệ các địa điểm tổ chức cách ly tập trung để sắp xếp chỗ ở cho nhóm khách này.

Đến 21 giờ cùng ngày, một cán bộ của đơn vị này cho biết toàn bộ nhóm khách được trung tâm đưa về cách ly tập trung tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ – địa điểm cách ly không mất phí.

Trong bài viết hôm 02/10, anh Lê Hùng cũng viết: “… hiện giờ tất cả mọi người đang được cách ly tập trung tại “Trung Tâm Y Tế Cần Giờ”. Tất cả mọi người đều khỏe mạnh, vui vẻ cả, nơi cách ly sạch sẽ cơm nước đàng hoàng, nhân viên thân thiện . Nói chung là ổn.”

Anh Lê Hùng cũng khẳng định là diễn biến hôm 30/09 tại sân bay Tân Sơn Nhất “chẳng chửi lộn, lăng mạ, xúc phạm, phản đối chính quyền hay cá nhân nào cả. Tất cả mọi người đều chấp hành và hiểu rõ là khi về Việt Nam sẽ phải cách ly.

  1 là trước tiên vì sức khỏe của cả nhân mình .

  2 là vì sự an toàn cho gia đình mình và xã hội Việt Nam mình.”

Sau đó, anh Lê Hùng đã gửi lời nhắn nhủ đến những người Việt Nam đang có ý định trở về nước. Anh viết: “Qua đây cũng xin nhắn gửi đến những người con Việt Nam đang ở nước ngoài là lúc muốn trở về nước thì mình nên tìm hiểu cẩn thận hơn, không để tình trạng như vậy xảy ra nữa. Và đặc biệt chấp hành các quy tắc phòng dịch của Bộ Y Tế yêu cầu nhé.”

Ảnh: Các hành khách trên chuyến bay thương mại từ Hàn Quốc về Việt Nam hôm 30/09

Sự việc đã tạo nên những ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng.

Tài khoản facebook có tên Hoàng Hùng đã có bài viết mang tựa đề “Hàng trăm người bị giữ lại hơn 10 tiếng trong sân bay hôm 30/09/2020! Lỗi tại ai?”

Anh Hoàng Hùng nhận định:

Sự việc được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội và được báo Tuổi Trẻ đăng tải. Thế nhưng ngạc nhiên là nhiều người Việt lại ủng hộ việc bắt chẹt khách của hãng hàng không và chỉ trích người dân, những người đang bị nhốt hơn 10 tiếng ở sân bay vì không chấp nhận cái giá cách ly cắt cổ trong khách sạn.

Xin mọi người nghe hết đoạn videos rồi tìm thêm các thông tin để biết sự thật. Người dân chấp nhận cách ly và trả tiền theo mức giá mà nhà nước Việt Nam qui định, chứ không phải họ không chịu cách ly. Họ chỉ không có tiền để cách ly ở các khách sạn với giá vài chục triệu VND cho 14 ngày cách ly. Không phải ai ra nước ngoài cũng là đại gia. Mà rất nhiều người phải bỏ công sức để kiếm từng đồng tiền nơi đất khách, quê người và những người Việt Nam về đợt này phần lớn là những người lao động.

Quyền được trở về Tổ quốc của các công dân là quyền đã được Hiến pháp qui định và không ai có quyền cấm đoán.

Thế nhưng người dân Việt Nam khi ở nước ngoài về trong dịp này phải cách ly là hoàn toàn hợp lý.

Chính phủ cũng qui định rõ như sau:

Theo đó, trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam có nhu cầu thực hiện cách ly tại khách sạn, resort, cơ sở khác được chọn làm nơi cách ly tập trung và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì cá nhân tự chi trả các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt trong thời gian cách ly cho khách sạn, resort, cơ sở khác theo mức giá do khách sạn, resort, cơ sở khác quy định.

Trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện cách ly tập trung tại các doanh trại quân đội, các trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định làm nơi cách ly tập trung phải tự chi trả các chi phí tiền ăn theo mức 80.000 đồng/ngày; các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế là 40.000 đồng/ngày.”

Nếu sự việc đúng như người dân chia sẻ thì đây là việc bắt ép người dân vào các khách sạn, mà người dân không biết được giá tiền là bao nhiêu. Nếu việc này là có thật thì đó là hành vi bắt chẹt người dân, cần được chấn chỉnh ngay và không để tái diễn ở các chuyến bay sau. Thế nhưng đó không phải là qui định của chính phủ Việt Nam mà là lỗi của hãng hàng không.

Chính phủ nên qui định việc đóng phí cách ly tập trung là bắt buộc và do các hãng hàng không thu từ khi bán vé ( 14 ngày nhân với 120 nghìn VND ). Các khách sạn, resort, cơ sở khác, có ký hợp đồng nhận người cách ly, cũng phải được công khai giá từ trước để người dân được quyền lựa chọn.

Sau khi xuống sân bay, những ai đã trả tiền ở dạng cách ly nào sẽ được đưa đến khu cách ly đó. Chứ không thể có chuyện nhốt mọi người vào một chỗ như thế này, rồi bắt đi chỗ cách ly đắt tiền.

Ai cũng có lúc khó khăn, ai rồi cũng có lúc rơi và hoàn cảnh bơ vơ nơi xứ người và mong trở về quê nhà. Cho nên thay vì chỉ trích, mong mọi người tìm hiểu rõ sự việc rồi hãy bình luận. Chứ đừng tiếp tay cho bọn gian thương, làm trái pháp luật, bắt chẹt người dân!

Ảnh: Hành khách từ Hàn Quốc về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và phải chờ đợi vì mâu thuẫn về hình thức và chi phí cách ly vào ngày 30/09

Sau sự việc hành khách Việt Nam từ Hàn Quốc bị ép đi cách ly ở khách sạn với chi phí đắt đỏ, chính phủ Việt Nam đã có những động thái nhanh chóng, tích cực để thay đổi phù hợp hơn với tình hình.

Truyền thông trong nước đưa tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 09/2020 diễn ra hôm nay 02/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý việc thay đổi mức phí cách ly tự nguyện tại khách sạn (như với đoàn từ Hàn Quốc về nước cách đây vài ngày) là dễ gây bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết trong lần tìm kiếm các khách sạn cách ly, đơn vị cũng nhắm phân khúc 1-2 sao nhiều hơn để giảm gánh nặng chi phí cho người cách ly.

Anh Lê Hùng cũng thừa nhận sự tác động đáng kể của sự việc mà anh trực tiếp trải nghiệm đối với tình trạng cách ly hiện nay. Hôm 03/10, anh viết: “Qua vụ việc của chuyến bay ngày 30/09 từ Hàn Quốc về mọi người có thấy được sự tác động chưa?

Theo mình nghĩ thì giờ chắc là các hãng hàng không sẽ phải rõ ràng, cụ thể chứ không làm mập mờ như vụ việc vừa rồi đươc . Giờ những người ở nước ngoài muốn về Việt Nam chắc sẽ dễ nắm bắt được thông tin minh bạch, và sẽ có sự lựa chọn tốt cho mình rồi.”

Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 09/2020 diễn ra hôm nay 02/10

Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> “Viết dưới giá treo cổ” nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang vừa bị bắt

>>> Luật Magnisky và chế tài vi phạm nhân quyền ở Việt Nam thế nào?

>>> Vụ bắt Tiến Sĩ Phạm Đình Quý: Dân „chia tay“ Đảng

Campuchia bỏ dự án của Mỹ để theo Trung Quốc?

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT