Cùng với sự khốn khó của người dân vì mưa lũ miền Trung suốt 1 tuần qua, dư luận vẫn đang nóng chuyện ca sỹ Thủy tiên đã quyên góp được hơn 105 tỷ đồng từ hàng ngàn người dân chỉ trong 1 tuần. Trong khi đó MTTQVN chỉ mới quyên được 22 tỷ đồng nhưng do 55 cơ quan tổ chức đóng góp, chứ nhân dân không nhiệt tình đóng góp vào quỹ này.
Một số Luật sư cho rằng 1 nghị định đã lạc hậu của Chính phủ nhưng vẫn còn hiệu lực, đã quy định theo hướng độc quyền làm từ thiện cho các cơ quan nhà nước và đẩy những cá nhân làm từ thiện vào tình trạng bất hợp pháp.
Cùng lúc đó lực lượng dư luận viên của Đảng cũng đổ xô vào nói xỏ nói xiên nhằm hạ thấp uy tín của Thủy Tiên, thậm chí còn bình luận rất tục tĩu về cái mông của cô ca sỹ này….nhưng nhân dân vẫn biết chọn mặt gửi vàng để nhờ Thủy Tiên đại diện cầm tiền giúp đỡ người dân Miền Trung đang khốn khó.
“Bây giờ người ta tin cái mông của cô Thủy Tiên hơn cái mồm của mấy ông bà lãnh đạo”, một bình luận trên Facebook đang được rất nhiều người chia sẻ.
Một cán bộ về hưu thắc mắc rằng: “Cho hỏi số tiền trên 100 tỷ thì có bao nhiêu phần trăm thật sự đóng góp hay phần nhiều do các thành phần phản động ở hải ngoại dùng thời cơ gây rối? Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phong tỏa ngay tài khoản của cô ca sĩ Thủy Tiên này hoặc chuyển giao cho một cơ quan có thẩm quyền quản lý như hội phụ nữ hay hội chữ thập đỏ” Facebook của cán bộ về hưu tên Trần Văn Két đưa ra kiến nghị như vậy, tuy nhiên hàng ngàn Facebook đã chỉ trích nặng nề đối với kiến nghị của cán bộ về hưu này.
So sánh hành động của ca sỹ Thủy Tiên với MTTQVN, Facebook Vũ Hoàng Linh viết:
“Cô ca sĩ Thủy Tiên quyên góp được 100 tỷ sau mấy ngày bão lũ. Theo luật của Nhà nước (Nghị định gì đó) thì cô đang phạm pháp vì cá nhân không phải là đối tượng được phép quyên tiền từ thiện, mà chỉ có các cơ quan tổ chức Nhà nước, các hiệp hội, quỹ từ thiện…được thành lập hợp pháp!
Và chúng ta té ngửa ra là bấy nhiêu nay, bao nhiêu “mạnh thường quân” đều đang làm những việc mà pháp luật không cho phép (và nếu muốn, chính quyền hoàn toàn có thể sờ vào họ, thậm chí khởi tố vụ án với những tội danh như “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”..vv.).
Chắc chắn, với số tiền khổng lồ nhận được như thế, công việc quản lý và sử dụng số tiền này thế nào cho minh bạch là một việc không dễ dàng với Thủy Tiên. Thế nhưng, ít nhất cô cũng công khai được số tiền đã nhận.
Trong khi đó vào trang web của Mặt trận Tổ quốc, cơ quan được coi là đại diện của Chính quyền trong công tác từ thiện và cứu trợ thiên tai, mình không thể tìm ra được thông tin về tổng số tiền quyên góp mà cơ quan này đã nhận cũng như các phương án phân bổ số tiền quyên được.
Trong thông báo của Mặt trận, cũng chỉ có dòng sau đây “Kết thúc đợt vận động có báo cáo kết quả vận động quyên góp và phân bổ hỗ trợ gửi về Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ban Cứu trợ Trung ương.”, tức là sẽ chỉ có báo cáo tổng hợp gửi cho lãnh đạo Mặt trận, còn không có báo cáo cho người dân, và sẽ phải đợi cho tới “kết thúc đợt vận đông” nghĩa là chắc cả tháng nữa?
Chưa nói chuyện số tiền đóng góp cho Mặt trận có bị bớt xén hay tới đúng địa chỉ hay không, vì trong việc này, người dân không thể theo dõi và Mặt trận cũng không có cơ chế báo cáo rõ ràng và kịp thời cho nhân dân- cả người đóng góp và người thụ hưởng- thì riêng sự cồng kềnh của cả bộ máy cũng làm cho người ta có thể nghi ngờ về hiệu quả công tác cứu trợ của Mặt trận rồi.” ông Vũ Hoàng Linh đưa ra lý giải.
Trong cùng thời gian, nhiều tổ chức thuộc nhà nước như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… cũng kêu gọi “sẻ chia, hỗ trợ” cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, song chưa có tin tức cho hay tổng số tiền họ thu được là bao nhiêu, có vượt qua con số mà ca sĩ Thủy Tiên huy động được hay không.
Lý giải về hiện tượng Thủy Tiên kêu gọi được số tiền khổng lồ trong vòng 6 ngày, một bài viết của VTC News chỉ ra rằng tuy nữ ca sĩ không phải là người nổi tiếng nhất Việt Nam, nhưng điều mấu chốt làm nên thành công của cô trong hoạt động thiện nguyện là “niềm tin và khả năng truyền cảm hứng”.
“Thủy Tiên đã nhận được sự tin tưởng cực lớn, bởi chính cô liều mạng lăn xả vào vùng lũ, lặn ngòi ngoi nước bê từng thùng mỳ đi cứu trợ đồng bào”, VTC News viết, đồng thời lưu ý rằng nữ ca sĩ không chỉ đến một thôn, một xã, chụp ảnh quay phim trong một hai ngày rồi về, mà cô đi cả tuần liền.
Bài viết cũng nhấn mạnh rằng Thủy Tiên không chỉ trải qua vất vả, mà còn đối mặt với nguy hiểm, thậm chí cả về tính mạng, vì các nguy cơ bị nước cuốn, sạt lở đất, vùi lấp vẫn đang chực chờ.
Đối lập lại, VTC News nhắc đến thực tế đã được báo chí và người dân phản ánh nhiều lần trước đây là có quá nhiều vụ các quan chức địa phương “làm bậy” với tiền từ thiện.
“Nhiều cán bộ xã, thôn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để phân phát tiền không đúng đối tượng, phát cho họ hàng mình trong khi họ hoàn toàn không cần đến số tiền này. Không ít lần họ còn thu bớt số tiền lại ngay sau khi phát cho dân nghèo”, VTC News điểm lại.
Trên mạng xã hội, hiện tượng Thủy Tiên cũng được bàn luận rộng khắp với hầu hết các ý kiến ca ngợi việc làm của nữ ca sĩ, và đồng ý rằng niềm tin của người dân đặt vào Thủy Tiên nhiều hơn các tổ chức quốc doanh chính là yếu tố mang lại sự ủng hộ chảy về như thác đổ.
Trong số những người đưa ra ý kiến, nhà văn-nhà báo Nguyễn Như Phong viết trên trang cá nhân có khoảng 45.000 người theo dõi rằng nhiều người gửi tiền để Thủy Tiên chuyển đến nạn nhân lũ lụt “vì họ tin”.
“Họ tin cô sẽ làm từ thiện bằng cái Tâm của mình. Họ tin cô không ăn bớt, ăn xén. Họ tin là cô thực làm… Còn thực sự là họ không tin được chính quyền… Mặc dù phường, xã, tổ dân phố đến gõ từng nhà bắt nộp… Dân không tin chính quyền trong công tác từ thiện , đó là một thực tế”, ông Phong, từng là Phó Tổng biên tập báo Công An Nhân Dân và Tổng biên tập báo PetroTimes, viết.
Dẫn ra kinh nghiệm bản thân đã có vô số chuyến đi làm công tác xã hội-từ thiện ở các tỉnh Tây Bắc và nhiều nơi khác khi còn làm báo, ông Nguyễn Như Phong cho biết đã chứng kiến không ít cán bộ cấp địa phương gây khó khăn cho các đoàn từ thiện hoặc tìm cách bắt người nhận tiền, hàng từ thiện phải “chia sẻ”.
“Làm từ thiện mà cứ giao khoán cho mấy tổ chức đoàn thể là khéo mất toi. Nói thật là tôi mất niềm tin vào các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… và không bao giờ tôi phối hợp với các tổ chức này”, nhà văn-nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong bày tỏ.
Trong diễn đàn Góc nhìn Báo chí – Công dân và các trang cá nhân khác, nhiều người khẳng định rằng qua thảm nạn lũ lụt, người dân có thể thấy vai trò của các tổ chức quốc doanh như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… rất yếu ớt, chậm chạp, thậm chí hụt hơi trước yêu cầu của thực tiễn.
Tương phản lại, không ít người bình luận rằng một ca sĩ – mà theo quan niệm thông thường được coi là nữ nhi chân yếu tay mềm – lại có sức ảnh hưởng rộng lớn và làm việc hiệu quả, kịp thời hơn tất cả các đoàn thể cộng lại.
Trên trang Facebook có hơn 8,1 triệu người theo dõi, nữ ca sĩ Thủy Tiên cảm ơn sự ủng hộ và quan tâm của bạn bè và công chúng đối với hoạt động cứu trợ, từ thiện cô đang thực hiện.
Thủy Tiên nói về số tiền 100 tỉ đồng: ‘Nếu mất hết sự nghiệp, tôi cũng vui vẻ chấp nhận’
Công khai nhận 100 tỉ đồng tiền cứu trợ miền Trung, Thủy Tiên được cảnh báo ‘không cẩn thận là mất hết sự nghiệp’. Cô cho biết sẵn sàng chấp nhận rủi ro đó.
Về số tiền 100 tỉ đồng, Thủy Tiên nhận được rất nhiều lời tư vấn cho rằng cô nên lập tổ chức cứu trợ, hoặc giao tiền cho cơ quan chức năng để giải ngân, hoặc thuê công ty kiểm toán… “Họ lo lắng cho mình, dặn mình nên khóa tài khoản lại, vì nếu không cẩn thận là coi như mất hết cả sự nghiệp tạo dựng” – Thủy Tiên cho biết.
Nhưng Thủy Tiên tuyên bố cô không thể làm theo những lời tư vấn trên.
Cô phản biện: “Tổ chức một bộ máy cồng kềnh càng làm rắc rối và mất thời gian. Nhỡ đâu trong bộ máy có người không đàng hoàng, gây ảnh hưởng đến tổ chức thì lại càng nguy hiểm nên tuyệt đối không thể.
Tôi chỉ là một cá nhân và tôi sẽ làm việc theo cái tâm của một cá nhân mong muốn giúp đỡ cộng đồng. Tiền trao tận tay để giúp đỡ bà con, không thông qua một tổ chức nào cả và cũng tạo ra một tổ chức nào cả“.
“Tiền người dân gửi cho Tiên đi trực tiếp giúp đỡ, là Tiên phải cầm đi, dù có cực đến mấy..nếu giao cho 1 cơ quan tổ chức nào thì khác gì Tiên lừa họ??”
Trong các cuộc thảo luận về “hiện tượng Thủy Tiên”, xuất hiện ý kiến của luật sư Ngô Ngọc Trai và một bài báo trên tờ Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng Việt Nam có Nghị định 64/2008 không cho những cá nhân, nhóm người như Thủy Tiên được vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Tuy nhiên, luật sư Ngô Ngọc Trai và báo Pháp Luật TP.HCM nhận xét rằng nghị định ra đời cách đây 12 năm đã “lạc hậu”, đồng thời cũng là một văn bản dưới luật mà tự thân nó không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp.
Luật sư Trai và tờ báo kêu gọi rằng Nghị định 64/2008 “cần phải được nhanh chóng hủy bỏ”.
Ở một góc nhìn khác Luật sư Đặng Bá Kỹ viện dẫn chế định hợp đồng cho tặng tài sản của Luật dân sự dựa trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận và khẳng định CA SỸ THỦY TIÊN VÀ TỪ THIỆN LUÔN HỢP PHÁP.
Về nghị định 64/2008 của Chính phủ, Luật sư Đặng Bá Kỹ cho rằng đó là văn bản dưới Luật và chỉ có văn bản do Quốc hội ban hành mới có giá trị cấm và về cơ bản thì việc làm từ thiện hoàn toàn phù hợp với Pháp luật dân sự và phải được khuyến khích.
Hành động ‘quyên góp 100 tỷ’ của Thủy Tiên làm đại biểu Quốc hội Việt Nam quan tâm
Việc ca sĩ Thủy Tiên vận động quyên góp được 100 tỷ ủng hộ người dân miền Trung khắc phục thiệt hại vì thiên tai đang gây tiếng vang, khiến một số đại biểu Quốc hội Việt Nam bình luận.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội nói nếu thông qua một tổ chức có năng lực thì sẽ hiệu quả hơn.
“Một người điều hành 100 tỷ đồng không thể bằng một tổ chức có uy tín, sức mạnh tham gia vận hành, phân phối. Thực tế, bây giờ nếu yêu cầu Thủy Tiên chứng minh chi tiết về nguồn tiền và việc sử dụng là rất khó.”
“Rất nhiều đơn vị, cá nhân tự đứng ra làm thiện nguyện, kêu gọi cứu trợ nhưng với số tiền nhỏ thì có thể chuyển thẳng, tự đi làm dễ dàng hơn.
Song khi số tiền lớn thì nên có tổ chức, những cá nhân, đơn vị kêu gọi được đều được ghi nhận và đánh giá đầy đủ. Điều quan trọng là tiền cứu trợ phải đến được đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm.” ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Hôm 21/10, trả lời báo chí, đại biểu Lê Thanh Vân – Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội – khen ngợi ca sĩ Thủy Tiên.
“Chắc chắn họ sẽ sẵn sàng để minh bạch. Người dân nên lưu giữ lại các bằng chứng để sau này khi lũ lụt hết rồi, những ai muốn truy cứu hành vi có minh bạch hay không thì Thủy Tiên có căn cứ để giải trình. Tôi nghĩ đây cũng là một sự lo xa, nhưng cũng nhiều bạn khác nói rằng khi người ta đã gửi tiền quyên góp cho Thủy Tiên, người ta đã ủy thác rồi và họ tin tưởng rằng đấy là địa chỉ tin cậy, cô sẽ đưa số tiền đó nhanh nhất, đúng nhất tới đối tượng cần cứu trợ“.
Bên cạnh đó, ông Vân chỉ ra rằng nên tạo điều kiện về pháp luật để các cá nhân có thể kêu gọi đóng góp thiện nguyện.
“Thủ tục ta có thể đăng ký thôi, không nhất thiết là phải qua một trình tự thủ tục hành chính phức tạp, giống như doanh nghiệp, chỉ cần đăng ký một mã định danh với thông tin cá nhân và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sau đó, quy định về phương thức quyên góp, hình thức đi cứu trợ như thế nào một cách công khai, minh bạch… để ràng buộc trách nhiệm“.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, nhận xét: “Chúng ta nên ghi nhận công lao của ca sĩ Thủy Tiên trong đợt lũ lụt này, nhưng không nên để một mình ca sĩ xoay xở như vậy.”
“Tôi rất hoan nghênh hành động nhân văn của Thủy Tiên nhưng tôi có một lời khuyên là Thủy Tiên hãy cùng huy động mọi người làm với mình, để hỗ trợ nhanh nhất đến bà con, tránh những câu chuyện ì xèo về tiền bạc sau này.”
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Nhận 100 tỷ làm từ thiện – Thủy Tiên “đè bẹp” Đảng Ba Đình
>>> Tượng đài khô ráo – Dân tình ngụp lặn
>>> Đại hội 13 và nhu cầu bức xúc về dân chủ
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT