Mặc dân „lóp ngóp“ – Đảng lo Đại hội

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=bMc0LqxYxRc

Hôm 20/10/2020, đảng Cộng sản Việt Nam đã công bố các văn bản là dự thảo văn kiện đại hội 13 của đảng này dự kiến họp vào đầu sang năm để ‘xin ý kiến nhân dân’.

Bốn dự thảo được đưa ra lấy ý kiến theo báo mạng VnExpress gồm Các dự thảo văn kiện được công bố lấy ý kiến nhân dân gồm “Báo cáo chính trị tại đại hội XIII của Đảng“, “Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030.”

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025,” “Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.”

Hôm thứ Ba, một nhà quan sát từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, nhà nghiên cứu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Minh Triết Việt, cựu Vụ trưởng thuộc Ban Dân vận Trung ương của đảng CSVN bình luận với BBC về động thái này.

Việc công bố hiện nay là theo lời hứa của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư trước đó nói là phải công bố và lấy ý kiến, nhưng chúng tôi cho rằng thứ nhất là chậm, thứ hai là hình thức, khi đại hội 13 đã sát nút rồi, chỉ còn mấy tháng nữa thôi.

Và thứ ba là chúng tôi hoài nghi về năng lực tiếp thu ý kiến nhân dân của đảng cầm quyền và ban lãnh đạo, bởi vì phải có trí tuệ mới, đạo đức mới, tình cảm mới, có nhãn quan mới thì mới có thể tiếp thu được ý kiến của nhân dân.

Còn như nhân cách hiện nay và tình hình trong ban lãnh đạo đảng thì chúng tôi không tin là họ có thể nhận thức được vấn đề, cho nên động thái này theo tôi ngoài chuyện chậm ra, thì nó hình thức và nó chỉ là một thứ dân chủ giả hiệu mà thôi và không thực sự đáng quan tâm với người dân, nếu không có đổi mới thực sự về bản chất, nội dung và cách làm của đảng cầm quyền.”

Ảnh 1: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ĐCSVN công bố sẽ lấy ý kiến đóng góp chỉ trong thời gian 3 tuần từ 20-10 cho đến 10-11, đây là thời gian lấy ý kiến rất ngắn so với các kỳ đại hội trước đây

Vẫn lối mòn, chưa dám nói sự thật

Khi được hỏi là có gì đáng lưu ý, chẳng hạn như tính mới trong nội dung của các văn kiện, đặc biệt về các đường lối liên quan tới lãnh đạo, tới sự phát triển của đất nước và cả vấn đề nhân sự, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nói:

Có thể thấy qua những văn bản gần nhất cho tới hiện nay, thì tôi thấy nội dung về bản chất vẫn không có gì mới, về cơ bản vẫn như cũ, từ nhận định tình hình thế giới cũng không có gì mới, vẫn chung chung, lối mòn như đứng trước bất động khôn lường, chuyển biến tình hình phức tạp, nhưng cụ thể bản chất của cái khôn lường ấy, cái phức tạp ấy để ra chính sách, chiến lược là cái gì, thì không dám nói ra cho rõ.

Thứ hai là nói về thành tựu thì nói rất nhiều, nhưng những sai lầm thì hời hợt, chưa dám tự chỉ ra, không dám đi vào thực chất, mà chỉ nói khái quát, đại thể, còn những cái cụ thể, thiết thực, mà thức chất là sự yếu kém và nguyên nhân yếu kém của sự lãnh đạo của đảng và bản thân yếu kém của đảng hiện nay thì không nói rõ.

Những người chấp bút chỉ bổ sung một vài thứ để cố tỏ ra là đổi mới, nhưng nhiều chỗ chỉ như là sự chơi chữ, vụn vặt, những đổi mới thật dứt khoát, lớn và có ý nghĩa thì thiếu vắng và có thể nói cái đó chỉ nói lên một sự thất vọng nếu xem xét kỹ những khía cạnh chiến lược, chính sách, đường lối lớn đó và khả năng đổi mới, cải tổ.”

Ảnh 2: Pano cổ động Đại hội 13  thắp sáng niềm tin ở huyện Lệ thủy Quảng bình, nơi mà nước dâng kinh hoàng suốt đêm người dân kêu cứu trong tuyệt vọng hôm 18-10 không có lời đáp, một gia đình treo quan tài hơn 1 tuần không thể đem chôn khi nước lũ quá lớn

Cho rằng việc hoạch định đường lối và cải cách có quan hệ với vấn đề nhân sự và làm nhân sự của đảng cầm quyền, ông Nguyễn Khắc Mai bình luận:

Thực ra, họ vẫn theo một quan niệm rất cũ, đưa ra những tiêu chuẩn hết sức đại khái như yêu nước, có tầm nhìn, lòng chung thành v.v…, nhưng trong thời đại này sự thể hiện của tất cả những cái ấy là gì, thì chưa rõ ràng.

Yêu nước có dám đi với dân tộc không, hay đặt lợi ích của đảng lên trên hết, chung thành thì có đặt chung thành với dân tộc nhân dân lên trước lợi ích của đảng hay thậm chí của quan hệ liên – đảng nào đó trong đối ngoại hay không?

Có tầm nhìn thì có dám thoát ra khỏi tư duy lệ thuộc vào một cường quốc nào đó, để mà từ tư duy tới hành động bứt hẳn ra, thoát hẳn ra vòng ảnh hưởng đó để đồng hành cùng với nhân dân, dân tộc đưa quốc gia trở nên độc lập hơn hay không?

“Có tầm nhìn thì có dám đề cao chiến lược để gần gũi hơn với thế giới hiện đại với những khuynh hướng tiến bộ, văn minh hay không, mà nói thẳng ra là thực sự học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm của các khối, các quốc gia phát triển hơn, văn minh tốt hơn như tây phương.

“Và cụ thể hơn, có dám dân chủ hóa đất nước và xã hội hiện nay không? Thì tất cả những vấn đề trên đặt ra tiêu chí để lựa chọn con người, và khi không trả lời những vấn đề này, có dám dân chủ hóa như thế không, bên cạnh việc có dám đi với nhân loại hiện đại, văn minh, tiến bộ không, thì khó tìm ra được những giải pháp, đáp án cho đường lối và cũng là cơ sở để tìm ra con người.”

Ảnh 3: các đại biểu Quốc hội trong phút mặc niệm tưởng nhớ thiếu tướng Nguyễn Văn Man sáng 20-10 tại Hà nội. Giáo sư Mạc Văn Trang lên tiếng:“Hơn 100 đồng bào và chiến sĩ tử nạn trong lũ lụt miền Trung, Quốc Hội nên tổ chức quốc tang, nếu không cũng cần mặc niệm tất cả đồng bào tử nạn, Chứ sao chỉ dành cho một đại biểu Quốc hội và các chiến sĩ? Quốc Hội của toàn dân cơ mà!”

Sau những câu hỏi được đặt ra về mặt đường lối kể trên, nhà nghiên cứu nguyên là Vụ trưởng Vụ nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương ĐCSVN, bình luận về nhân sự của đảng cầm quyền trước Đại hội 13.

Bây giờ tôi không thấy bất cứ ai và một vài gương mặt nhắc đến gần đây, kể cả ông Nguyễn Văn Nên tân Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh và ông Vương Đình Huệ, bí thư thành ủy Hà Nội, mới được bầu ở Sài Gòn và Hà Nội trong các hội nghị mới đây.

Nhân đây, tôi cũng muốn đưa ra quan sát của mình về chính người lãnh đạo của đảng này, tôi cho rằng ông Tổng Bí thư về thực chất, so với kỳ vọng, trông đợi của người dân, thậm chí cán bộ, đảng viên, nếu nhìn sâu vào bản chất vẫn chưa đạt yêu cầu và nhiều công việc làm vẫn có thể coi là ‘nửa vời’.

Tôi nói câu chuyện về chống tham nhũng được làm ồn ào, nhưng thực chất thì nó là nửa vời, người ta bắt bớ một số người để tạo tiếng vang, nhưng thực chất cũng không nên hồn vì số bị xử lý quá ít ỏi và xử lý không đầy đủ, rốt ráo, công bằng và cân xứng.

“Nhưng vấn đề đáng nói hơn sự ồn ào đó, theo quan điểm của chúng tôi là ông và đồng sự đã đang xây dựng trong giai đoạn này một đảng cầm quyền có khuynh hướng độc tài, toàn quyền, chuyên quyền, tùy tiện, lấn át công việc của chính quyền, đảng đứng trên cả luật pháp, đảng lấn át không chỉ chính quyền mà còn lấn át mọi hệ thống của nhà nước, quốc hội, chính phủ v.v… Điều này để lại một hệ lụy không đúng đắn và rất khó sửa chữa sau này.

“Thứ ba là những vấn đề dân coi là tày đình thể hiện dưới sự lãnh đạo của ông Tổng Bí thư trong giai đoạn này, đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp, đã thể hiện một đường lối và thái độ rất yếu kém và nó thể hiện rất rõ qua những vụ xử gần đây dưới nhiệm kỳ của ông Trọng, trong đó có những vụ như xét xử tái thẩm tử tù Hồ Duy Hải, cũng như là vụ xử Đồng Tâm mới đây.

“Và bản án Đồng Tâm, như nhiều người dân và trí thức, nhân sỹ nhìn nhận, đó là bản án của chế độ, nếu anh làm như thế, đó không còn phải là một bản án hình sự hay là dân sự, và hãy nhìn phản ứng quan ngại của quốc tế để thấy rõ hơn.”

Ảnh 4: xẻ núi xây chùa lũng cú ở Hà Giang

Điều gì muốn nói trước Đại hội?

Khi được hỏi liệu có điều gì muốn nói với đảng, cũng như với chính quyền và người dân Việt Nam, trước Đại hội 13 của đảng CSVN hay không, ông Nguyễn Khắc Mai nói:

Tôi nghĩ rằng vận nước đã đến, nhưng vấn đề không phải là đảng Cộng sản cầm quyền có thể có khả năng giải quyết những vấn đề bức xúc đang đặt ra hiện nay cho Việt Nam như tôi đã nhấn mạnh, mà thứ nhất là có ‘giải Trung’, ‘thoát Trung’ tức là thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc được không, hai là có dám quan hệ ngang ngửa với các nước tiến bộ phương Tây, Âu-Mỹ hay không?

“Và muốn như thế, một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, là phải dân chủ hóa để nâng cao sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam.

“Những vấn đề lớn như thế là phải được giải đáp, chứ không phải chỉ là thay nhân sự vụn vặt, sửa vài chỗ không cơ bản trong kế hoạch, đề án, đường lối hay cái gọi là ‘Báo cáo chính trị’, thế thì từ đó, chọn người mới chọn ra những người có tầm chiến lược như vậy và có tầm nhìn để trong vòng ba chục năm tới có thể xoay chuyển, chuyển đổi được tình hình.

“Nếu không, như mấy đại hội gần đây và hiện nay, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đi vào ngõ cụt và giẫm chân tại chỗ, tức là có chuyển động bề ngoài đấy, nhưng mà không hề có vận động, chuyển đổi thực chất.

“Và đấy là cái với đảng là cái không nên tự hào, hay không nên tự vỗ ngực, tự khen ngợi gì, mà nên xem lại, còn với dân, thì tôi nghĩ nhiều người dân nhìn vào đó và thấy là đáng lo buồn.

Ảnh 5: biếm họa trên Báo trẻ online về cứu trợ lũ lụt miền Trung, hình vẽ bên trái là ca sỹ Thủy Tiên quyên góp hơn 100 tỷ đồng, bên phải là thuyền chở MTTQVN, Ban Tuyên Giáo, Hội Phụ Nữ với lời đề nghị: “Thủy Tiên hợp tác nhá! Bọn anh có đủ cả …. chỉ thiếu UY TÍN thôi!”

Nhưng còn bây giờ dựa vào cái gì để đất nước, dân tộc, nhân dân đổi mới, thì tôi nghĩ là dựa vào sự thức tỉnh của đồng bào, của giới trẻ, của giới trí thức.

Thì hiện nay, trong lòng dân tộc Việt Nam có những xung lực nào thôi thúc sự lớn nhanh của những con người mới, của những nhân cách mới trong dân tộc và thậm chí là trong bốn triệu đảng viên, liệu có một số người nào mà bỏ lối và bỏ lốt cũ, thay đổi nhân cách, để đi với dân tộc, đi với thời đại không? Thì đấy mới là những vấn đề lớn đáng và phải đặt ra,” nguyên Vụ trưởng, Ban Dân vận Trung ương ĐCSVN nói với BBC hôm thứ Ba.

Thời hạn góp ý chỉ trong vài tuần

Trở lại với việc đảng CSVN lấy ý kiến các dự thảo văn kiện Đại hội 13, hôm 20/10, trang mạng của Đại hội đảng 13 trong một bài viết công bố các dự thảo này, cho hay thêm về động thái:

Việc lấy ý kiến của Nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của Nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng dân.

“Thông qua việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của Nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.”

Vẫn theo trang mạng này, theo Hướng dẫn ngày 10/9/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương ĐCSV, việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội 13 của đảng cầm quyền được tiến hành từ ngày 20/10 đến hết ngày 10/11/2020.

Ảnh 6: Ở Quảng Bình khắp nơi nước ngập nhưng chỉ tượng đài trăm tỷ thì vẫn khô ráo. MTTQVN thu tiền ủng hộ chống dịch Covid được 800 tỷ đồng, nhưng không ai biết chi cho việc gì giúp đỡ những ai. Nay Thủ tướng thấy Ca sỹ Thủy Tiên nhận được 100 tỷ ủng hộ lũ lụt thì ra lệnh cho MTTQVN phải giám sát kỹ hoạt động từ thiện theo một nghị định lạc hậu từ năm 2008

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Nhận trên 100 Tỷ – Thủy Tiên làm Đảng “sáng mắt sáng lòng”

>>> Xếp tướng Man trên cùng – Quốc hội „bỏ rơi“ Nhân dân

>>> Khi đồng bào cần, Đảng đang ở đâu?

Đảng viên “giật” lương khô – Thủ tướng đòi trăm tỷ

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023