Đại hội 13 : Bao giờ đảng công khai về nhân sự?

 

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=HZ2lXK8jbYo

Hội nghị Trung ương 14 khóa XII của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã bế mạc hôm 18/12 tại Hà Nội, tuy nhiên kết quả về diễn tiến nhân sự còn chưa tường minh và công khai với nhân dân và cán bộ. Có thể nói rằng Đảng vẫn quyết dấu diếm nhân dân và công luận chứ không thật lòng muốn công khai các nội dung đã họp bàn.

 

Các báo trong nước đồng loạt đăng tin rằng “Trung ương ‘nhất trí rất cao’ về nhân sự tham gia Bộ Chính trị” tuy nhiên dường như các lãnh đạo Đảng vẫn dè chừng nhân dân và dè chừng “các thế lực thù địch” cho nên hầu như không ai biết được sự thống nhất cao ấy cụ thể như thế nào và căn cứ vào đâu.

Ảnh 1: Các lãnh đạo Đảng và đại biểu tham dự biểu quyết về nội dung hội nghị.

 

Các danh sách và thông tin liên quan đến nhân sự sát đại hội đã có, nhưng đảng vẫn chưa muốn công bố với công chúng và cán bộ, nhân dân, mặc dù một số thông tin được thảo luận không chính thức ở bên ngoài hội nghị có thể có một số phản ánh dường như đúng với tình hình trong hội nghị.

Facebook của nhà hoạt động Hoàng Dũng đưa thông tin rằng:

Một danh sách được cho là tỷ lệ ủng hộ vào Bộ Chính trị nhiệm kỳ tới. Lê Minh Hưng 1970 – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, con trai Lê Minh Hương (Bộ trưởng BCA 1998-2002) dẫn đầu danh sách với 150 phiếu ủng chiếm 87%.” Trước đó Blogger Bùi Thanh Hiếu cũng dẫn tin tương tự, tuy nhiên thông tin này không hề xuất hiện trong bất kỳ bản tin chính thống nào của báo trong nước.

Hội nghị Trung ương 14, khóa XII, đã “thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII“.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết như trên trong phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 14, khóa XII (hội nghị), sáng 18/12.

Ông nói, sau gần 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, hội nghị đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và kết thúc sớm hơn 2 ngày so với dự kiến.

Tại hội nghị, Trung ương đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ chính trị, Ban Bí thư khoá XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia hai cơ quan lãnh đạo này.

Trước hết, từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nghiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển nhận định rằng:

 

Điều đầu tiên có thể nói là đã có những câu hỏi đặt ra và nghe thấy ở trong công luận rằng tại sao ban lãnh đạo của đảng và nhà nước, Ban chấp hành Trung ương, lại không thể công bố công khai những thông tin về nhân sự được bàn thảo, giới thiệu, thậm chí biểu quyết v.v… và các phương án sau hội nghị này cũng như trong suốt quá trình.

Ảnh 2: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 14.

 

Đảng vẫn nói là đảng công khai, minh bạch và dân chủ, đảng lại là lực lượng lãnh đạo của một nhà nước của dân, do dân và vì dân, và đảng nhận là từ trong dân và ra và vì nhân dân mà phục vụ, thì ngại gì mà không công bố cho nhân dân biết việc làm nhân sự, chọn lựa nhân sự này trong mọi bước một cách minh bạch, công khai?

Hay là đảng sợ dân biết, dân bàn, dân tham gia “làm” và dân kiểm tra?

“Trả lời những câu hỏi này mà tôi cho là cũng không phải là không có lý của công luận, thì tôi có thể nói rằng đảng dường như vẫn còn theo truyền thống cũ đó là còn giữ nhiều bí mật trước quần chúng, nhân dân và thậm chí với cả cán bộ.

“Tôi cho rằng tới đây, đảng nên có dũng khí để đổi mới nhiều khâu, mặt trong các công tác đảng và lãnh đạo của mình, trong đó nên có những thay đổi như về dân chủ hóa và minh bạch, cái đó theo tôi chỉ có giúp cho đảng có lợi hơn vì sẽ được quần chúng tin tưởng hơn, thay vì là tiếp tục theo cách làm cũ.

“Tôi có nghiên cứu các dự thảo văn kiện của đảng chuẩn bị cho Đại hội 13 lần này, và tôi thấy cũng đã có những thay đổi nhất định, chẳng hạn như cách nhìn được trình bày trong các dự thảo thể hiện cách hiểu có thể đã thay đổi về Chủ nghĩa tư bản.

“Tôi rà soát các văn bản và dường như không thấy có nhắc nhở hay phê phán gì tới chủ nghĩa tư bản như cách thức trước đây thời chiến tranh và chiến tranh lạnh vẫn làm, mà người ta có chăng thì nhắc tới nền kinh tế thị trường v.v…

“Như thế là đã có dấu hiệu của thay đổi nhất định, và tôi hiểu là thay đổi, cải cách thì đôi khi có thể cần đi theo từng bước, nhưng về công khai, minh bạch như công luận đặt ra ở hội nghị này và cả từ trước đó, tôi nghĩ là đảng nên sớm suy nghĩ và làm.

 

Một điểm thứ hai tôi muốn nói là thông báo của đảng về Hội nghị loan rộng rãi trên truyền thông khẳng định rằng Trung ương đã “thống nhất rất cao” về vấn đề nhân sự cấp cao lần này, tức là liên quan cả nội dung giới thiệu ứng cử viên để Đại hội 13 tới đây bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Ảnh 3: “Hình bên phải là một danh sách được cho là tỷ lệ ủng hộ vào Bộ Chính trị nhiệm kỳ tới. Lê Minh Hưng (hình bên trái) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, con trai Lê Minh Hương (Bộ trưởng BCA 1998-2002) dẫn đầu danh sách với 150 phiếu ủng chiếm 87%. Theo Facebook của nhà hoạt động Hoàng Dũng”

 

Tôi cũng thấy báo chí giật tít nói sẽ có hội nghị 15 và tại hội nghị đó sẽ có thêm công bố, vậy tôi đặt ra một câu hỏi là đã nhất trí và thống nhất rất cao ở hội nghị 14 rồi, thì tại sao còn cần hội nghị Trung ương 15, hay ở đây chỉ là nhất trí và thống nhất cao ở một số nội dung nào đó, còn có thể nội dung hệ trọng hay quyết định then chốt nào đó thì chưa? hay là còn phải đợi? Và tôi xin nhắc lại là vì đảng chưa công khai, nên người dân và các giới, kể cả giới quan sát và phân tích rất khó có thể có thông tin để mà biết chưa kể là để theo dõi, để tư duy v.v…”, PGS Phạm Quý Thọ nói với BBC từ quan điểm riêng.

Cũng trong dịp này, từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam bình luận với BBC:

Người ta thực ra là đã có các danh sách và các thông tin cụ thể liên quan tại Hội nghị rồi đấy, nhưng người ta chưa muốn nói ra, công khai ra, thực tế ra là có người cũng có thể nói được về những thông tin đó, nhưng nói ra như thế sẽ rất khó, vì có thể người ta sẽ bị hỏi và truy vấn để lần ra là có thông tin từ đâu, như là có một số bản danh sách nào đó thấy mới xuất hiện ra ngoài mà được người ta cho là có thể “đúng” hay “chính xác“…

 

Tuy nhiên, theo những gì mà giới quan sát nghiên cứu và biết được thì cũng đã nhiều sơ đồ, kịch bản về nhân sự cấp cao, đặc biệt là cho tứ trụ, nhưng khó nhất vẫn là dự đoán cho chức Tổng Bí thư…

Ảnh 4: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng

 

Mọi người cũng biết là ông Nguyễn Phú Trọng rất ủng hộ ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, làm Tổng Bí thư, đấy là một khả năng,

Thế nhưng mà cũng có những đề xuất nói rằng ngoài ông Vượng ra thì cũng có thể đề xuất ông Nguyễn Xuân Phúc làm Tổng Bí thư.

Chức Chủ tịch nước thì nếu trường hợp trong những người quá tuổi, như là ông Trương Hòa Bình có thể ra ứng cử, nếu như người ta đồng ý cho ông ấy vào trường hợp đặc biệt.

Còn chức vụ Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội thì sao? Về ghế Thủ tướng Chính phủ thì ví dụ nếu như ông Trần Quốc Vượng đã được đề cử làm Tổng Bí thư, thì có khả năng người ta sẽ đề xuất là ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ là trường hợp đặc biệt tái ứng cử vào Bộ Chính trị khóa tới để làm Thủ tướng, đấy là một khả năng lớn.

Tôi không thấy một khả năng lớn nào khác cho chức Thủ tướng cả và đấy là cá nhân góc nhìn của tôi, tôi không thấy.

Bấy lâu nay người ta dự đoán rằng có khả năng là bà Trương Thị Mai có thể trở thành Chủ tịch Quốc hội, thế nhưng cũng có thông tin, cũng có người dự báo và nói rằng là có thể bản thân bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng có thể được đưa vào danh sách gọi là trường hợp đặc biệt, tức là quá 65 tuổi vẫn ở lại Bộ Chính trị và vẫn ở lại thì là sẽ làm tiếp Chủ tịch Quốc hội.”

Khi được hỏi nếu trong trường hợp trở thành trường hợp đặc biệt, ông Nguyễn Phú Trọng có thể tái cử một lần nữa vào chức Tổng Bí thư hay không, hay đảm nhiệm chức vụ nào và nếu như vậy thì sẽ lưu lại bao lâu (một năm, hay nửa nhiệm kỳ) hay toàn khóa, nếu không phải toàn khóa, thì có thể được thay thế ra sao, bởi ai, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đáp:

 

Câu hỏi này theo tôi nó thú vị ở chỗ này, bây giờ điều quan trọng nhất ở Việt Nam là việc cả đất nước phải chú ý đến chuyện xây dựng kinh tế và giữ gìn, bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Ảnh 5: Bà Trương Thị Mai (sinh năm 1958) là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương

 

Do đó vai trò của lực lượng vũ trang, đặc biệt của quân đội là vô cùng quan trọng – vừa bảo vệ đất nước, vừa bảo vệ đảng Cộng sản Việt Nam, thế thì nếu trong trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng, mặc dù đã làm hai khóa, mà có đề cử ở lại thêm, tức là rơi vào trường hợp đặc biệt, nếu có xảy ra như thế, thì có thể ông sẽ vẫn làm Tổng Bí thư, nhưng sẽ không làm lâu, mà có thể ông làm một thời gian ngắn thôi, rồi ông sẽ chuyển giao cho một người khác.

“Vì sao như thế? Theo tôi là bởi vì vấn đề sức khỏe và thứ hai là do vấn đề Tổng Bí thư có một chức vụ rất quan trọng, ngoài chức lãnh đạo cao nhất của đảng ra, đó là Tổng Bí thư còn là Bí thư quân ủy Trung ương.

“Nhưng bí thư quân ủy Trung ương rất khó bàn giao cho một người nào đó mà sẽ thay ông Trọng làm Tổng Bí thư ở trong khóa 13, mà cũng có thể người ta sẽ đề xuất ông ở lại thêm một thời gian nào đó, có thể là một năm chẳng hạn, để rồi khi mà chín muồi về điều kiện bàn giao, thì ông sẽ bàn giao lại chức vụ Tổng Bí thư cho một người mà Ban chấp hành Trung ương mới của đảng thấy là có đủ năng lực và uy tín để làm Tổng Bí thư của khóa 13. Thì đấy theo tôi là một khả năng lớn, không loại trừ…

“Nhân đây, tôi nói thêm rằng tôi thấy nếu ông Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng, mà thật là khỏe, thì ông vẫn có thể ở lại làm một chức vụ khác, không phải là chức Bộ trưởng, đấy là ý kiến cá nhân của tôi như thế.

“Bởi vì chức Bộ trưởng Quốc phòng trong tình hình hiện nay mà nói, ngoài những vai trò của một nhà lãnh đạo chính trị trong quân sự, nó còn đòi hỏi một tiêu chuẩn nữa là tiêu chuẩn gọi là chỉ huy tác chiến, thì có lẽ là nếu ông Lịch ở lại, có khi ông làm một chức vụ khác quan trọng hơn, ví dụ như Chủ tịch nước hay là như thế nào đấy thì hơn là ở lại thêm một khóa nữa làm Bộ trưởng Quốc phòng.

“Đấy là trong trường hợp ông ấy khỏe và đủ tín nhiệm, nhưng đây chỉ là một phỏng đoán và chúng ta có lẽ sẽ phải chờ tới sau Hội nghị 15, rồi chắc chắn nhất là tới bế mạc Đại hội 13 để có thông tin rõ nhất về toàn bộ dàn lãnh đạo của đảng CSVN trong nhiệm kỳ tới,” nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas-Singapore) bình luận với BBC News Tiếng Việt trên quan điểm cá nhân.

 

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam: Đốt lò nóng, nhưng tham nhũng quyền lực thì sao?

>>> Nguyễn Phú Trọng “Đốt lò” hay nuôi tham nhũng?

>>> Quy chế bầu cử: phải công khai, minh bạch và trả lại quyền cho dân!

Việt Nam trước chọn lựa ‘sinh tử’: Hoa Kỳ hay Trung Quốc


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023