Vụ việc một cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống một cây cột bê tông rỗng tại một công trường thi công dự án cầu Rọc Sen ở tỉnh Đồng Tháp đang nóng trong dư luận Việt Nam. Nhiều người ngạc nhiên vì sao một em bé đã 10 tuổi lại có thể lọt vào cây cột có tiết diện chỉ rộng hơn một chút so với bàn tay người lớn. Và dư luận cũng đặt vấn đề về sự an toàn ở các công trình xây dựng, tại sao một em bé lại có thể tự đi vào bên trong khu vực đang thi công đầy rẫy rủi ro như vậy. Trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu thi công trong dự án này như thế nào? Trách nhiệm của các đơn bị giám sát công trình ra sao?
Hôm 02/01, Luật sư Đặng Đình Mạnh đã có một số bình luận với BBC Tiếng Việt về vụ việc này. Quan điểm của Luật sư Mạnh như sau:
“Theo nguyên tắc thì phân chia trách nhiệm như sau. Chủ đầu tư công trình phải chịu trách nhiệm toàn bộ vấn đề xảy ra tại công trình của mình.”
“Công ty xây dựng, thi công cũng có phần trách nhiệm về giữ an toàn, nếu họ không đảm bảo mà để xảy ra sự việc thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đến mức độ hình sự.”
“Còn về mức độ dân sự thì chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm chính để bồi thường, nếu xảy ra sự cố làm tổn hại đến sức khỏe, sinh mạng đến tài sản của người khác. Và sau đó thì hai bên, chủ đầu tư và công ty xây dựng sẽ giải quyết với nhau, bồi hoàn cho nhau.”
Dự án cầu Rọc Sen là một dự án do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư. Liên danh Công ty Công trình cầu phà TP HCM và Công ty Thương mại Dịch vụ Vận tải xây dựng giao thông T&T là nhà thầu thi công công trình. Tính đến nay, dự án này đã thi công được 6 tháng.
Vụ tai nạn này là một vụ liên quan đến an toàn lao động trong xây dựng, có thể kể đến một số nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn này là:
- Rào chắn quá sơ sài, chỉ làm bằng dây căng nên không thể bảo vệ công trường hiệu quả.
- Tuy có giám sát bằng camera và lực lượng bảo vệ, nhưng không hiệu quả, vẫn để lọt người từ bên ngoài vào công trình.
Hiện tai, lực lượng chức năng vẫn đang tìm mọi cách để cứu cháu bé ở Đồng Tháp. Tuy nhiên, đã hơn 3 ngày trôi qua, cọc bê tông thì quá hẹp và có khả năng cháu bé bị va đập, hoặc trượt trên thành cột khi rơi xuống, dẫn đến bị thương. Hy vọng giải cứu thành công không còn nhiều và các chuyên gia y tế cũng tiên lượng sức khỏe bé là xấu.
Vụ việc xảy ra vào trưa ngày 31/12/2022, bé Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi, trong lúc đang cùng các bạn khác đi nhặt phế liệu tại khu vực công trình dự án cầu Rọc Sen, thì bị rơi vào bên trong một cột bê tông rỗng. Cây cột bê tông này dài thẳng đứng, có đường kính 25 cm và đã được đóng sâu xuống lòng đất 35m. Khi cha cậu bé đến hiện trường lần đầu tiên, ông đã nghe thấy tiếng kêu cứu của cậu bé, nhưng sau đó tiếng kêu đã ngừng lại.
Dù đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng đến bây giờ lực lượng cứu hộ vấn chưa tiếp cận được cháu bé. Nước uống và oxy đã được truyền xuống dưới hố nhằm giúp cháu bé duy trì sự sống. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu huy động mọi nguồn lực để cứu cháu bé, cả quân đội cũng đã được huy động đến hiện trường.
Chưa biết cơ quan chức năng sẽ xử lý vụ việc này ra sao, nhưng đây không phải là lần đầu tiên một công trình xây dựng để xảy ra tai nạn cho người dân. Mới chỉ hơn 10 ngày trước đó, một bé gái 5 tuổi đã bị rơi xuống hố cọc nhồi có đường kính khoảng 40cm, sâu hơn 10m. Vụ việc này xảy ra tại Đồng Nai, vào ngày 19/12/2022, lực lượng cứu hộ đã thả dây xuống hố để kéo bé lên. Một vụ khác xảy ra vào năm 2015 tại Bình Dương, một bé gái 7 tuổi bị rơi xuống một cái giếng công nghiệp sâu 13m. Cả 2 bé gái này đều may mắn sống sót.
Đề cập đến sự an toàn tại các công trường xây dựng, tác giả Đỗ Ngà đã có bài viết “Ngành xây dựng Việt Nam, mạng người rẻ rung” gửi cho thoibao.de và đăng trên trang Facebook cá nhân của ông. Tác giả với tư cách từng là người trong ngành, lột trần cách hành xử vô trách nhiệm của các nhà thầu, gây ra rất nhiều vụ tai nạn lao động.
Vấn đề an toàn lao động tại các công trình dự án đã đến lúc cần phải báo động, Tình trạng hiện trường thi công cẩu thả, coi thường mạng sống của người dân phải được chấm dứt.
Thu Phương – Thoibao.de. (Tổng hợp)