“Tự hào quá Việt Nam ơi”! Sân Mỹ Đình bị so sánh như ruộng khoai

Ngày 6/1/2023, một số báo mạng đưa tin, báo Indonesia chê sân Mỹ Đình “như vườn khoai tây”.

Tờ báo Libero.id của Indonesia đã so sánh sân vận động Mỹ Đình với sân vận động Bung Karno của họ. Hình ảnh sân Bung Karno xanh mướt đặt bên cạnh sân Mỹ Đình xám xịt, với bình luận “nông dân trồng khoai tây có thể quan tâm đến việc thuê sân vận động này”.

 

Báo Indonesia đăng hình ảnh sân Mỹ Đình và Gelora sân Bung Karno, cùng với động tác nhổ cỏ của huấn luyện Park Hang Seo

Trong khuôn khổ giải đấu Cúp vô địch bóng đá Đông Nam Á – AFF Cup 2022, sân vận động quốc gia Gelora Bung Karno của Indonesia là nơi diễn ra trận bán kết lượt đi vào ngày 6/1 giữa đội tuyển Indonesia và đội tuyển Việt Nam, còn sân vận động Mỹ Đình là nơi diễn ra trận lượt về vào ngày 9/1. Giới hâm mộ bóng đá tại đảo quốc Indonesia đang rất quan tâm và thất vọng về chất lượng sân Mỹ Đình, họ lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trận đấu.

Chất lượng của các sân vận động ở Indonesia luôn được nâng cao qua việc chăm sóc và trùng tu thường xuyên, người Indonesia cảm thấy tự hào khi so sánh chúng với sân Mỹ Đình.

Có lẽ, do dư luận xôn xao quá nhiều, nên tối 6/1, báo chí Việt Nam loan tin, “sân Mỹ Đình chi 120 triệu đồng tiền bón phân cho mỗi trận đấu của đội tuyển Việt Nam”. Cách giật tít này rõ lạ, người đọc không hiểu “bón phân cho trận đấu” nghĩa là gì, tại sao trận đấu lại cần phải bón phân? Rõ khổ, thì ra là bón phân để chăm cỏ trên sân…

Báo chí loan tin báo Indonesia chê sân Mỹ Đình

Báo chí Việt Nam dẫn lời một lãnh đạo Khu liên hợp Thể thao Mỹ Đình, nói rằng, mỗi trận đấu tại AFF Cup 2022, sân Mỹ Đình được VFF thuê với giá 800 triệu đồng một trận, nhưng vẫn chịu lỗ từ 100 đến 200 triệu đồng. Đến nay, vẫn chưa thấy lãnh đạo Khu liên hợp Thể thao Mỹ Đình công bố chi tiêu cho những trận đấu này.

Cũng trong khuôn khổ AFF Cup 2022, trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Myanmar vào tối 3/1, điều gây “ấn tượng” không phải là trận đấu, mà là chất lượng sân cỏ Mỹ Đình. Một màu cỏ vàng úa, xơ xác, xấu xí, mặt sân thì lồi lõm khiến bóng lăn lập bập… Mặt sân xấu đến nỗi, nhiều khán giả tưởng tivi nhà mình bị hỏng. Trong khi đó, được phát hình cùng giờ, trận đấu giữa Malaysia và Singapore trên sân Bukit Jalil đẹp như sân cỏ châu Âu.

Không chỉ mặt sân xấu xí, khán đài, các hàng ghế và khu vệ sinh của sân Mỹ Đình cũng bị chê là bẩn thỉu, nhếch nhác, cũ nát, thậm chí bốc mùi hôi thối…

Ông Nguyễn Trọng Hổ, Giám đốc Khu liên hợp Thể thao Mỹ Đình trả lời truyền thông rằng, sân vận động Mỹ Đình đã 12 năm không thay mới cỏ trên sân, vì vậy mặt cỏ già, úa, héo. Đáng lẽ, trung bình phải thay cỏ trong vòng 6-7 năm một lần. Toàn bộ ghế ngồi cũng được lắp từ 2003 đến nay, nên bạc màu, ố bẩn.

Bài báo nói về việc sân Mỹ Đình được cấp 408 tỷ để sửa chữa nâng cấp, nhưng vẫn y nguyên

Cũng ngày 6/1, báo Thanh niên đưa tin rằng, lãnh đạo ngành thể thao cho biết, Khu liên hợp Thể thao Mỹ Đình nợ thuế, khiến việc duy tu bảo dưỡng gặp khó khăn, tài chính kiệt quệ đến mức không đủ để trả lương cán bộ. Điều này khiến dư luận ngạc nhiên, không rõ Khu liên hợp này làm ăn ra sao mà đến nỗi tệ hại như vậy.

Trước đó, đầu tháng 12/2022, báo chí đã đưa tin, sân vận động Mỹ Đình được cấp 408 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, mua sắm, thay mới trang thiết bị, nhưng đến bây giờ vẫn không sửa chữa được gì, sân vẫn cũ bẩn, cỏ vấn héo úa… Vậy 408 tỷ kia trôi về đâu???

Ở Việt Nam vẫn luôn tồn tại những điều phi lý không thể hiểu nổi.

Sau khi nhận quá nhiều lời chê trách, Khu liên hợp đang gấp rút cải tạo trước trận lượt về gặp Indonesia tối 9/1. Các công nhân tưới nước cho mặt sân và bón phân theo chỉ định của chuyên gia để sân xanh trở lại. Khung thành cũng được kiểm tra, sửa chữa để không còn sự cố khung thành bị bật lên như trong trận giao hữu giữa đội Việt Nam và CLB Dortmud hồi tháng 11/2022.

Hiến kế chăm sóc cỏ sân Mỹ Đình

Sang ngày 7/1, truyền thông lại loan tin, 100 sinh viên tình nguyện thuộc Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn, Bắc Ninh, đã chung tay cùng công nhân sân Mỹ Đình để tổng vệ sinh sân. Họ chia nhau quét dọn trong và ngoài sân vận động, trên khán đài, các hành ghế, nhà vệ sinh, nhà chức năng, đường pitch…

Cách sân Mỹ Đình chỉ khoảng 1km, tổ hợp sân của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam có mặt cỏ êm mượt, xanh mướt dù tồn tại trong cùng điều kiện thời tiết, khí hậu giống sân Mỹ Đình. Sân này được chăm sóc tốt, đúng cách mà không quá tốn kém.

Như vậy, để mặt cỏ sân Mỹ Đình và toàn bộ sân trong tình trạng xuống cấp thê thảm, hoàn toàn do lãnh đạo Khu liên hợp Thể thao Mỹ Đình vô năng, kém cỏi, mọi lý do như thời tiết hay nợ thuế chỉ là bao biện.

 

Chúc Anh – thoibao.de (Tổng hợp)

 

 

Kasse animation 7.8.2023