Trách nhiệm chính trị của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng ra sao khi hàng loạt cán bộ đảng viên sai phạm?

Những ngày qua, có rất nhiều bình luận xung quanh vụ từ chức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Trong đó, có những bình luận rằng, ông Phúc từ chức vì nhận “trách nhiệm trước Đảng và nhân dân” vì đã để nhiều cán bộ cấp dưới vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, vậy thì, trách nhiệm người đứng đầu Đảng cầm quyền và người đứng đầu Chính phủ ở đâu?

Một trong những người đặt vấn đề theo hướng này, tác giả Trần Văn đã viết trên blog VOA rằng, “Còn Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, BCH TƯ Đảng… thì sao?”

Tác giả Trần Văn đặt câu hỏi: “Lẽ nào “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc lại tự trọng hơn Tổng Bí thư, các thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13?”

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII

Cụ thể hơn, tác giả phân tích:

“Các Ủy viên BCH TƯ Đảng khóa 13 được các đại biểu đại diện cho toàn bộ đảng viên Đảng Cộng sản trên toàn Việt Nam bầu ra hồi cuối tháng giêng năm ngoái. Sau đó, chính họ lựa chọn và bỏ phiếu bầu các thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo… “quy trình bảy bước”, bầu Tổng Bí thư theo… “quy trình sáu bước” và toàn bộ hoạt động lựa chọn – giới thiệu – bỏ phiếu được khẳng định là… “thận trọng, chặt chẽ, dân chủ”.”

“Kết quả của quy trình… “thận trọng, chặt chẽ, dân chủ” đó là… chỉ chưa đầy một năm, BCH TƯ Đảng CSVN khóa 13 phải họp… “bất thường”… ba lần để… giải quyết vấn đề nhân sự.

Tác giả viết tiếp: “Sự… “bất thường” trong lựa chọn – sắp đặt nhân sự của BCH TƯ Đảng CSVN, không chỉ nằm ở số lượng… “kỳ họp bất thường”, mà còn nằm ở cách thức tổ chức những… “kỳ họp bất thường” này. Ví dụ, hai… “kỳ họp bất thường” đầu tiên còn thông báo trước, nhưng “kỳ họp bất thường” vừa diễn ra thì… không thông báo, chỉ công bố kết quả.”

Bài của tác giả Trần Văn trên blog VOA

Theo tác giả:

“Nếu các ủy viên BCH TƯ Đảng không chỉ biết gật và lắc theo tác động của… ngoại lực, thì làm gì có chuyện cuối tháng Giêng năm ngoái, 200 ủy viên mới được bầu vào BCH TƯ Đảng khóa 13 công khai… vi phạm điều lệ Đảng, (không để đồng chí nào đảm nhận vai trò Tổng Bí thư quá hai nhiệm kỳ), nhất trí bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba.”

“Nếu không chỉ biết gật và lắc theo tác động của… ngoại lực, thì tại sao hạ tuần tháng trước (12/2022), các ủy viên BCH TƯ Đảng khóa 13 nhất trí để “đồng chí” Phạm Bình Minh… “thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH TƯ Đảng khóa 13” và nhất trí để “đồng chí” Vũ Đức Đam… “thôi giữ chức vụ Ủy viên BCH TƯ Đảng khóa 13” không cần… lý do, cũng chẳng xác định đó có phải là ý muốn của các đương sự hay không. Sau ba tuần, lại đột nhiên xác định hai “đồng chí” này nằm trong nhóm “có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng” khiến “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc phải… tự xửTại sao bây giờ, sau khi “đồng chí” Phạm Bình Minh và “đồng chí” Vũ Đức Đam đã “thôi” rồi, BCH TƯ đảng mới xác định hai “đồng chí” này “xin thôi giữ các chức vụ”, dù một đồng chí khác đã khẳng định với đồng chí, đồng bào là họ… “không từ chức”?”

Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Tác giả tiếp tục bình:

“Ghép việc “đồng chí” Phạm Bình Minh và “đồng chí” Vũ Đức Đam “thôi” mọi thứ để minh họa cho việc “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc đột nhiên thấy cần… “thôi” luôn, và mượn điều đó để cùng lờ đi trách nhiệm của “đồng chí” Phạm Minh Chính – Thủ tướng đương nhiệm – rõ ràng là hết sức phi lý! Không có tác động của… ngoại lực và có thêm những kỹ năng khác ngoài gật và lắc, chắc chẳng có ai điềm nhiên… nhất trí như thế!”

“Vài năm gần đây, noi gương Tổng Bí thư, “Đảng ta” nói đi, nói lại việc buộc người đứng đầu và tổ chức Đảng có nhiều đảng viên “vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng” phải chịu trách nhiệm liên đới, phải bị xử lý nghiêm khắc và khẳng định đó là một trong những bằng chứng chứng tỏ quyết tâm, nỗ lực chỉnh đốn Đảng.”

“Chín Ủy viên BCH TƯ Đảng khóa này bị loại, trong đó có hai Ủy viên Bộ Chính trị…, chẳng lẽ chưa đủ để xem xét – quyết định hình thức kỷ luật Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và toàn bộ BCH TƯ Đảng khóa 13? “Đồng chí” Nguyễn Phú Trọng vừa là người khởi xướng, vừa giữ vai trò tiên phong trong chỉnh đốn Đảng đã hơn một thập niên. Trong hơn một thập niên chỉ đạo – sắp đặt mọi thứ, đặc biệt là nhân sự, kết quả chống tham nhũng là gì ngoài hậu quả tham nhũng càng ngày càng trầm trọng?”

Tác giả Trần Văn kết luận:

“Việc công bố “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc tự nguyện đệ đạt nguyện vọng được… rời chức vì: Nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng và nhân dân nên có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu… là một lựa chọn thuộc loại… lợi bất cập hại. Lẽ nào “đồng chí” Nguyễn Xuân Phúc lại tự trọng hơn Tổng Bí thư, các thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13? Khi nào các “đồng chí” mới “nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng và nhân dân” để làm như vậy?”

 

 

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)