Chính quyền Canada xem xét đơn tố cáo Việt Nam vi phạm CPTPP

Link Video: https://youtu.be/EYndT_-1CHc

Ngày 15/3, website của Chính phủ Canada cho biết, chính quyền Ottawa đưa ra quyết định đồng ý xem xét đơn tố cáo Chính phủ Việt Nam vi phạm Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc và Chương 19 (về Lao động) của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Ottawa nhận được một bản đệ trình dưới dạng “Thông tin Công cộng” theo Chương 19 của Hiệp định CPTPP.

RFA Tiếng Việt ngày 23/3 cho biết, bản đệ trình này là của Liên hội Người Việt Canada (VCF), với sự trợ giúp của các hiệp hội thành viên VCF tại Canada, Cộng đồng Người Việt tại Nam Úc, và Cộng đồng Người Việt Tỵ nạn Chính trị tại Âu Châu có trụ sở tại Pháp.

Theo RFA, bản đệ trình này cáo buộc rằng, Bộ luật Lao động của Việt Nam không tuân thủ các nghĩa vụ trong Chương 19, chương về Lao động của CPTPP, liên quan đến “quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể“, theo Tuyên bố năm 1998 của ILO về Các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc.

Thông báo của Chính phủ Canada cho biết, NAO sẽ kiểm tra nội dung bản đệ trình và báo cáo về các vấn đề được nêu ra trong vòng 180 ngày, kể từ ngày nội dung “Thông tin Công cộng” được chấp nhận để xem xét, hoặc ngày gửi bất kỳ nội dung bổ sung nào.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã gọi điện cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về quyết định trên của Chính phủ Canada, nhưng không ai nghe máy. Họ cũng gửi email cho cơ quan này, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Hình: Thông báo trên website của Chính phủ Canada

RFA dẫn thông cáo báo chí công bố ngày 21/3 của VCF, cho rằng, Nhà nước Việt Nam không chấp nhận bất kỳ quyền tự do nào, kể cả quyền tự do lập hội. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức công đoàn duy nhất được phép hoạt động hợp pháp, lại là công đoàn do nhà nước điều hành và kiểm soát. Điều này vi phạm trắng trợn quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể theo Tuyên bố của ILO, hạn chế khả năng của người lao động trong việc thành lập các công đoàn độc lập và đàm phán với người sử dụng lao động theo các điều khoản của riêng họ.

VCF cho rằng, việc cải thiện quyền tự do lập hội của người lao động Việt Nam chắc chắn sẽ nâng cao mức sống của họ. Tuy nhiên, những người lao động có ý định thành lập tổ chức công đoàn độc lập có thể bị trả thù, bao gồm sa thải hoặc quấy rối, sách nhiễu.

VCF cũng cho rằng, khi một quốc gia trong CPTPP không tôn trọng quyền lao động, có thể tác động tiêu cực đến sân chơi bình đẳng trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia thành viên của Hiệp định.

VOA cho biết thêm, CPTPP là Hiệp định thương mại tự do giữa 11 quốc gia, trong đó Canada tham gia từ năm 2018 và Việt Nam tham gia một năm sau đó. Đây là hiệp định thay thế Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump rút ra khỏi hiệp định này.

Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam Cộng sản chưa bao giờ cho phép công đoàn độc lập hoạt động. Một tổ chức có mục tiêu đấu tranh cho quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam là tổ chức Lao Động Việt bị chính quyền quy kết là tổ chức khủng bố. Một số thành viên của tổ chức này đã bị kết án tù như: Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh… bị bắt năm 2010. Anh Lê Trí Tuệ bị mất tích bí ẩn ở Campuchia vào năm 2007 vì thành lập công đoàn độc lập.

Sau khi ký kết tham gia CPTPP, Việt Nam vẫn tiếp tục cấm đoán công đoàn độc lập hình thành, dù trong Hiệp định có quy định về quyền này. Cách “hòa nhập” quốc tế của Việt Nam từ trước đến nay vẫn là cứ ký kết, cứ cam kết đáp ứng các điều kiện mà các tổ chức quốc tế yêu cầu, nhưng rồi sau khi tham gia thì lại bơ đi không thực hiện. Các tổ chức quốc tế trước nay vẫn bất lực trước sự trơ lì của chính quyền Hà Nội. Không rõ, Hiệp định CPTPP có đủ sức chế tài buộc Hà Nội phải tuân thủ hay không.

Hình: Bài trên RFA

Minh Quang – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Chuyện lạ nhưng có thật! Tô Đại tướng “vả mặt” Tô Bộ trưởng

>>> Nhổ ra rồi hốt lại, Thiếu tướng Lê Hồng Nam tự “vả vào mặt” hay tìm kế hoãn binh?

>>> Cặp Ngà voi của Lê Khả Phiêu và 7 tấn ngà voi buôn lậu. Có cung ắt có cầu

>>> Sợ “cá mập trắng” Lê Thanh Thản, Công an Hà Nội hốt cá lòng tong lập công

Thất bại đang đến gần với quân Nga