Trương Thị Mai chầu thiên triều, cắn được “16 chữ vàng, 4 Tốt” bà “khạc ra lửa”

Đảng Cộng sản Việt Nam tạo ra hai loại ngoại giao, ngoại giao nhà nước và ngoại giao Đảng. Hầu hết các mối quan hệ của Việt Nam với các nước là ngoại giao cấp nhà nước. Quan hệ này thông qua Bộ Ngoại giao thực hiện, hay cấp cao hơn là thông qua các chuyến thăm của Thủ tướng hoặc Chủ tịch nước. Quan hệ của Việt Nam với hầu hết các nước trên thế giới đều là quan hệ ngoại giao cấp này.

Riêng mối quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc là mối quan hệ giữa hai Đảng. Mối quan hệ này vượt xa mối quan hệ cấp nhà nước. Mối quan hệ này đặt nền tảng từ Hội nghị Thành Đô năm 1990. Chuyến đi Thành Đô được thiết kế bởi 3 nhân vật quyền lực nhất Việt Nam lúc đó, đấy là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức là Thủ tướng hiện nay) Đỗ Mười và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng. Hai nhân vật bị loại là Chủ tịch nước Võ Chí Công và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Như vậy là những người làm công tác ngoại giao của nhà nước đã bị loại trong chuyến đi này.

Từ sau Hội nghị Thành Đô, cứ mỗi lần Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đắc cử, thì Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam phải sang Trung Quốc thăm và ký những văn kiện bí mật. Những văn kiện đấy được Đảng Cộng sản thực hiện trong 5 năm nhiệm kỳ Tổng Bí thư Trung Quốc. Hành động này được người dân gọi là “sang chầu” thiên triều.

ngày 30/10/2022, ngay sau khi Trung Quốc mới vừa kết thúc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, thì ông Nguyễn Phú Trọng đã vội vã sang Trung Quốc gặp Tập Cận Bình, để “nhận nhiệm vụ mới”. Ông Trọng là người đầu tiên thăm ông Tập Cận Bình khi ông này đắc cử nhiệm kỳ 3.

Hình ảnh sức khỏe kém của ông Nguyễn Phú Trọng bên cạnh Tập Cận Bình

Sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng rất yếu. Ngay cả các kỳ họp quan trọng trong nước ông còn không đến tham dự, nhưng lần đi thăm ông Tập Cận Bình cuối tháng 10 năm ngoái, ông Trọng không thể không đi. Ông sang Bắc Kinh, đi bên cạnh ông Tập Cận Bình với dáng đi xiêu vẹo không vững, nhưng vẫn phải cố gắng mà đi.

Ngày 26/4, báo chí đồng loạt đưa tin bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, làm Trưởng đoàn thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 25 đến ngày 28/4/2023. Được biết, bà Mai sang Trung Quốc là do lời gọi của ông Tập Cận Bình, bảo phải sang tận nơi để “nhận lệnh”. Ông Nguyễn Phú Trọng vì tuổi già sức yếu không thể đi được, nên cử bà Trương Thị Mai sang thay.

Có một điều là, những năm gần đây, báo chí im hẳn cụm từ 16 Chữ vàng và 4 Tốt. Báo chí im được cho là vì dư luận xã hội rất dị ứng với cụm từ này. Và có lẽ, cách hành động này của Đảng Cộng sản Việt Nam không làm Tập Cận Bình hài lòng. Vậy nên, lần này sang Bắc Kinh, bà Trương Thị Mai nói với ông Tập Cận Bình rằng, Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ với Trung Quốc, theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt.”

Trương Thị Mai sang Trung Quốc “chầu thiên triều”

Theo đánh giá của một số nhà quan sát, thì chuyến đi này của bà Mai sẽ làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam xích lại gần hơn với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này cũng làm cho phe ông Nguyễn Phú Trọng củng cố sức mạnh vượt trội hơn so với những thế lực còn lại. Còn đối với bà Trương Thị Mai thì chuyến đi này giúp bà củng cố sức mạnh chính trị đáng kể, trước các đấng mày râu trong Bộ Chính trị.

Bà Trương Thị Mai dù là phụ nữ có quyền lực cao nhất trong Trung ương Đảng hiện nay, nhưng bà vẫn bị các mày râu khinh nhờn. Đặc biệt là khi bà nắm chức Thường trực Ban Bí thư, bà đã khiến nhiều mày râu ganh tức, và tất nhiên, bà có thêm kẻ thù.

Ông Nguyễn Phú Trọng cử bà Trương Thị Mai sang Bắc Kinh là một công đôi việc, thứ nhất bà Mai giúp ông Trọng được dưỡng sức, đồng thời bà Mai củng cố vị trí của bà trước các kẻ thù của bà, những người đang ngấm ngầm muốn lật đổ bà. Sau chuyến “đi chầu” người ta tin rằng, bà Trương Thị Mai sẽ “khạc ra lửa”.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://vietnamnet.vn/thuong-truc-ban-bi-thu-truong-thi-mai-hoi-kien-tong-bi-thu-chu-tich-trung-quoc-2137048.html