Câu nói kinh điển của giới làm kinh doanh là “bán những gì người ta cần, chứ không bán những gì mình có”. Trong khi đó, ông Phạm Nhật Vượng đang đi ngược với triết lý kinh doanh kinh điển này. Điều này có nghĩa là VinFast đang “tự sát”.
Vậy cái người ta cần là gì? Đó là độ bền, đó là an toàn, đó là sự tin cậy, đó là hậu mãi. Vậy thì VinFast đáp ứng được những nhu cầu thực sự của khách hay chưa? Câu trả lời là chưa.
Muốn tạo dựng thương hiệu thì người ta phải làm sao để tạo ra những tiếng khen từ những khách hàng đã từng sở hữu sản phẩm. Có những thương hiệu không cần tốn tiền cho quảng cáo, mà họ dùng cách truyền miệng. Tức là họ để tiếng khen tự lan tỏa, tạo thành vị trí vững chắc trong lòng khách hàng.
Hãng Tesla của tỷ phú Elon Musk được biết như một hãng ôtô điện của Mỹ chưa từng tốn tiền cho marketing. Và đến nay, mọi việc ở hãng này vẫn rất tốt. Hiện giá trị của Tesla cao hơn những thương hiệu ôtô lâu năm khác như Ford, General Motors (GM), Fiat-Chrysler (FCA) và Daimler.
Cách quảng bá thương hiệu kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” là cách làm ngược với quảng bá thương hiệu bằng cách nổ quá sự thật. Ông Nguyễn Tử Quảng đã từng nổ quá đà về Bphone, nhưng sau đó thương hiệu Bphone chìm nghỉm. Xe VinFast của ông Phạm Nhật Vượng cho đến nay cũng làm theo cách tương tự ông Quảng. Nhưng ông Vượng cao thủ hơn ông Nguyễn Tử Quảng. Ông Vượng không tự nổ về sản phẩm của mình, mà ông thao túng truyền thông, bắt truyền thông phải nổ thay cho ông ta.
Mới đây, ngày 12/5, VinFast chính thức thông báo sẽ niêm yết tại Mỹ và định giá doanh nghiệp hơn 23 tỷ USD. Tuy nhiên, thông tin từ VinFast cũng chưa cho biết ngày niêm yết cụ thể, chỉ cho biết chung chung rằng, “giao dịch dự kiến sẽ kết thúc trong năm nay sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý và cổ đông, cũng như các điều kiện hoàn tất khác theo thông lệ”.
Việc định giá doanh nghiệp cao khi chưa chào bán cổ phiếu, thì chỉ là ước lượng. Nó chỉ có giá trị tham khảo. Tuy nhiên, việc định giá cao cũng là một cách làm cho nhà đầu tư tiềm năng chú ý. Cho nên không ai định giá thấp doanh nghiệp của mình.
Năm ngoái, báo chí trong nước cũng rùm beng về giá trị của VinFast sau khi niêm yết. Lúc đó, VinFast dự tính giá trị doanh nghiệp của họ lên đến 50 tỷ đô la, chứ không phải 23 tỷ như hiện nay. Không biết vì lý do gì VinFast lại tự hạ giá mình xuống hơn một nửa? Có lẽ, do thời gian qua, VinFast đã để lại quá nhiều tai tiếng.
Mới đây, ít nhất 7 trang tin tức của Mỹ hôm 12/5 đã đăng bài cho biết, các phóng viên của họ đã lái thử VinFast VF8 lần đầu, trong điều kiện thực tế ở Mỹ, và có đánh giá không tích cực, cho rằng xe còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Trang MotorTrend giật tít “Lái VinFast VF8 lần đầu: Hãy trả lại người gửi”. Trang R&T thì đăng bài “Lái lần đầu: VinFast VF8 2023 không chấp nhận được”. Trang InsideRs thì đăng tin “Đánh giá lần đầu lái VinFast VF8 2023 City Edition: Ôi dào”. Trang Green Car Reports: “Đừng mua VinFast VF8 2023 City Edition”.
Đây là những đánh giá rất tiêu cực, chính những đánh giá này sẽ tác động đến quyết định của các nhà đầu tư tiềm năng đối với cổ phiếu của VinFast. Có nên đánh giá, việc định giá cho công ty sau niêm yết có thể lên đến 23 tỷ đô la là quá cường điệu.
Tại Mỹ, Tesla dùng chất lượng của xe để khách hàng tự truyền miệng. Họ phải rất tự tin về chất lượng mới làm theo cách này. Còn với chất lượng của VinFast mà dùng cách này, thì công ty đã tàn từ lâu. Chính vì chất lượng không tốt mới cần quảng bá, cần nổ cho chật nhiều, để lùa khách hàng. Tuy nhiên, trong quảng cáo, chỉ cần nổ vừa thôi, nếu nổ quá có thể gây phản ứng ngược.
Khi mua một sản phẩm mới mà người ta chưa từng dùng, thì thông thường, người ta sẽ hiểu từ những đánh giá của người đã từng sử dụng. Với VinFast, rất nhiều khổ chủ của xe này từ trong nước đến ngoài nước phàn nàn. Cho nên, rất khó để VinFast trụ được trên đất Mỹ. Dù nổ đến 9 tầng mây, thì vị trí của nó vẫn là mặt đất.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://tienphong.vn/vinfast-duoc-dinh-gia-khong-duoi-50-ty-usd-post1327700.tpo