Giám sát tài chính cá nhân cần bài bản, có hệ thống

Link Youtube: https://youtu.be/ECVGnqMS-w4

Ngày 20/8, trên Facebook Kim Văn Chính có bài “Viết nhân chuyện kỷ luật mấy cán bộ có sổ tiết kiệm mấy trăm triệu đồng không kê khai”.

Theo tác giả, tài sản cá nhân và kiểm soát tài sản cá nhân của xã hội là một bộ phận rất quan trọng của hệ thống quản lý tài sản – tài chính của một xã hội.

Trong một nền kinh tế thị trường phát triển (tức là gắn với tiêu chí văn minh) như Đức, Anh, Mỹ… hệ thống quản lý tài sản – tài chính là cả một rừng thể chế và việc thi hành chúng trong thực tế trơn chu, rộng khắp, triệt để, công tâm, không có chỗ trống – tất nhiên thực tế vẫn còn có những kẽ hở, nhưng các cơ quan công quyền liên tục và thường xuyên cố gắng bịt các kẽ hở đó, không cho phép ai lợi dụng chúng để trục lợi cá nhân.

Do vậy, tác giả nhận xét, người Việt khi làm ăn ở các nước phát triển, ít người trở thành giàu nhanh bất thường được. Ai giàu thì cũng là giàu chính đáng do tài năng hoặc may mắn, làm ăn, kinh doanh gặp thời phất mạnh. 

Tác giả phân tích, Việt Nam xưa theo cơ chế bao cấp, tưởng như thế là công bằng, nhưng hóa ra chỉ là một xã hội cào bằng giả tạo. Theo đó, tầng lớp thượng tầng là các ủy viên Bộ Chính trị, sống như các ông hoàng, thấp hơn là lớp trung gian đại thần chen chúc nhau hưởng bổng lộc, dưới nữa là lớp cùng đinh thì ai cũng nghèo khổ như ai.

Cuộc Cách mạng “đổi mới” chuyển sang cơ chế thị trường đã cứu dân tộc và chế độ đương thời của Việt Nam không sụp đổ. Dân có tài sản, người giàu nhiều lên, thu nhập xã hội tăng nhanh.

Tác giả tiếp tục nhận xét, Việt Nam mong muốn có một hệ thống tài chính đạt chuẩn thị trường (học theo như Mỹ, Đức, Anh…). Nó là 1 trong 5 tiêu chí của một nền kinh tế thị trường.

Các tiêu chí đó là: Hệ thống tài chính phải thông suốt, minh bạch, công khai, giám sát được bởi các định chế xã hội.

Tác giả nhận định, trong mảng tài chính tài sản cá nhân, mọi người rất tôn trọng quyền sở hữu tài sản cá nhân, nhưng Nhà nước phải giám sát mọi biến động của tài chính, tài sản cá nhân chặt chẽ. Chặt đến mức không con ruồi nào thoát khỏi tầm mắt của các cơ quan quản lý giám sát tài chính cá nhân.

Hình: Thông tin về các mô hình giám sát tài chính cá nhân trên thế giới

Tác giả dẫn chuyện hàng ngàn người Việt Nam sống ở Đức mấy chục năm, nhiều người cũng có tiền, nhưng rất ít người xây nhà, mua nhà biệt thự lớn. Hầu hết họ là những người kiếm tiền bươn chải nhiều năm, cơ hội và rủi ro đan xen, nên rất ngại va chạm với hệ thống giám sát tài chính Đức. Có chút tiền kha khá thì gửi về Việt Nam mua cái nhà cho thuê.

Hệ quả là: ai mà làm ăn có tiền, dư giả thu nhập, không bao giờ dám công khai những thu nhập đó, thậm chí không dám gửi vào tài khoản ngân hàng mà phải giữ bằng tiền mặt.

Tóm lại, tác giả cho biết, hệ thống quản lý, giám sát tài chính cá nhân ở các nước phát triển nó là công việc thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, công bằng, nghiệp vụ cao. Nó không cần bất kỳ một cơ quan kiểu Thanh tra Chính phủ hay Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp như ở Việt nam.

Tác giả nêu các đặc điểm của hệ thống quản lý, giám sát tài chính cá nhân, gồm:

  • Trên nó là luật pháp và hệ thống tư pháp – tòa án.
  • Nó tự động làm việc 24/24 không ngơi nghỉ.
  • Nó không cần các mệnh lệnh, hô hào phong trào kiểu học tập tấm gương ai đó rồi mới lại làm, hết phong trào rồi thôi, nghỉ đã.
  • Nó công bằng cho mọi người, dân thường cũng như quan chức, chứ không có chuyện dân thường xử theo luật, quan chức xử lý nội bộ trong Đảng.

Tác giả kết luận:

  • Giám sát tài chính quá cần, nhưng phải làm bài bản. Làm xôi đỗ, theo phong trào hoặc làm kiểu lạm dụng sẽ chỉ làm cho câu chuyện phức tạp hơn.
  • Giám sát tài sản – tài chính cán bộ nhưng cũng cần giám sát cả tư nhân, chống trốn thuế, rửa tiền tư nhân mới là lỗ hổng rất lớn trong quản lý tài chính ở Việt Nam.

 

Hoàng Anh – thoibao.de

>>> Có bao nhiêu công an là tội phạm?

>>> Trung Quốc dụ dỗ Việt Nam cùng duy trì lý tưởng Cộng sản

>>> Bong bóng VFS vỡ chỉ sau một ngày

>>> Liệu có còn tia hy vọng nào cho Nguyễn Văn Chưởng?

Cú ngã lớn của VinFast