Báo động về tình trạng sử dụng bạo lực trong đồn công an ở Việt nam?

Tình trạng bạo lực trong các đồn công an ở Việt Nam không phải là chuyện hiếm gặp. Đã có rất nhiều trường hợp, nghi phạm khi đang bị giam giữ trong đồn công an tử vong bất thường.

Mới nhất, một Phó trưởng Công an xã ở tỉnh Đồng Tháp vừa bị bắt hôm 31/8, và bị khởi tố về tội danh “Làm chết người trong khi thi hành công vụ”.

Theo báo Tuổi Trẻ, Thiếu tá Hồ Thanh Hòa, Phó trưởng Công an xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, đã đá một người say rượu đến chết tại đồn Công an xã. Theo đó, Thiếu tá Hòa bị cáo buộc đã gây ra cái chết cho ông Trần Văn Đảm, 56 tuổi, là người trong xã. Vào tối ngày 28/8, khi ông Đảm bị đưa về đồn Công an xã để làm việc, với lý do, công an nhận được tin báo ông này nhậu say, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo bản tường trình của Thiếu tá Hòa, ông Trần Văn Đảm đã “lớn tiếng, chửi mắng công an”, sau khi bị đưa về đồn, khiến cho ông Hòa do “không kiềm chế được bản thân”, đã tức giận và đá vào người ông Đảm nhiều lần.

Sau đó, Thiếu tá Hòa để mặc ông Đảm nằm tại chỗ và bỏ ra ngoài khoảng 10 phút. Khi quay trở lại, ông Hòa phát hiện ông Đảm đã “bất tỉnh, co giật”, nên vội đưa ông này đi cấp cứu. Tuy nhiên, ông Đảm đã tử vong trên đường đến Trạm Y tế xã.

Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp xác định, thiếu tá Hồ Thanh Hòa “đã sử dụng vũ lực quá mức cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”, và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Thiếu tá Hòa để điều tra. Ngay sau đó, Thiếu tá Hòa đã bị Giám đốc Công an Đồng Tháp tước danh hiệu Công an Nhân dân.

Dư luận xã hội cho rằng, việc Thiếu tá Hồ Thanh Hòa bị khởi tố, bắt giam, do đánh chết dân, chứng tỏ ông Hòa không có thân thế, thiếu chỗ dựa, và tiền chưa nặng để chạy tội. Việc cấp trên xử lý nặng với Thiếu tá Hòa là chuyện hy hữu. Vì những năm gần đây, tình trạng người dân chết bất thường tại trụ sở công an là chuyện hết sức phổ biến. Việc này nghiêm trọng tới mức, trên mạng xã hội xuất hiện một số “thông báo” về tình trạng sức khỏe “bình thường” của một số người, khi nhận được thông báo từ chính quyền, mời lên làm việc.

Mới đây nhất, VnExpress cho hay, trong một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội ngày 8/8, cho thấy, Trưởng công an xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, Trung tá Lê Huy Cao, đã đấm và đạp liên tiếp vào anh Đậu Ngọc Hoàn khiến người này bị chảy máu đầu. Lúc đó, anh Hoàn đang ngồi trên xe ba gác và bị nghi là chở đồ gian. Được biết, Trung tá Cao sau đó đã bị đình chỉ công tác 2 tháng, còn anh Hoàn nạn nhân bị Trung tá Cao đánh đập, đã được Công an huyện và chính quyền địa phương đến thăm hỏi.

Theo BBC Tiếng Việt, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở TP Hồ Chí Minh, nói với BBC:

“Người dân có quyền nghi ngờ về những cái chết trong đồn công an, mà báo chí hay tường thuật là do nạn nhân tự tử, bằng những vật dụng đơn giản đến khó tin, như quần áo họ đang mặc trên người.” Và, “Một khi kết quả giám định pháp y những vụ này không được công khai, và vẫn được xem là “bí mật nhà nước”, thì người dân càng hoang mang và hoài nghi, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, khi mình hoặc người thân được mời đến đồn công an.”

Cho dù không có con số chính thức của nhà cầm quyền Việt Nam về số người chết trong đồn công an hàng năm. Báo chí trong nước đưa ra con số trong năm 2018, có 11 “nạn nhân” chết khi bị công an tạm giam, nhưng số liệu này được cho là thông tin không chính thức.

Được biết, trong thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 3/2015, một đại diện của Bộ Công an báo cáo rằng, trong 3 năm, từ 2011 đến 2014, đã xảy ra 226 vụ chết người trong đồn Công an.

Theo báo Công an Nhân dân (3/5/2017), thống kê của Bộ Công an Việt Nam không nói rõ về những con số của các vụ bạo lực xảy ra tại đồn công an, trong các trại tạm giam ở Việt nam, nhưng các vụ tử vong khi bị bắt vẫn được đề cập. Phát biểu tại Hội thảo Khoa học “Giải pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong phòng, chống tội phạm” ở Hà Nội ngày 14/4/2017, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nhấn mạnh một số giải pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân và cán bộ chiến sĩ trong phòng, chống tội phạm:

“Tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an Nhân dân, về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn cho nhân dân và cán bộ chiến sĩ Công an; trong trường hợp không phải sử dụng vũ lực theo quy định của pháp luật, cần bảo đảm an toàn cho cả đối tượng phạm tội, phòng ngừa đối tượng phạm tội tự sát, tự đả thương.”

Hiến pháp Việt nam ghi nhận sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Vì vậy, công an không có quyền hành hung người khác, chứ chưa nói đến việc nhân viên công vụ còn có nhiều điều luật ràng buộc khác nhau. Do đó, cơ quan công an phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, nếu để xảy ra tình trạng gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bị tạm giữ, tạm giam, kể cả được mời đến làm việc tại cơ quan công an./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023