Vì sao Bộ Công an dưới thời Tô Lâm, liên tiếp ra các chính sách móc túi dân?

Mới đây, Bộ Công an Việt Nam đã có đề xuất, những giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012, phải đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Ngày 26/9, báo Dân Trí loan tin “Khoảng 22 triệu giấy phép lái xe sẽ phải đổi?”.

Theo đó, trong bản cập nhật mới nhất của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã bổ sung điều khoản: “Giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định”. Với mục đích để thuận lợi hơn trong việc quản lý dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo Công an thành phố Hồ Chí Minh nêu lý do, một số bằng lái xe cũ, loại mẫu giấy phép lái xe giấy, khó tích hợp vào tài khoản định danh điện tử Vn-eID.

Nguyên nhân có thể do thông tin cá nhân khi được cấp bằng lái xe và thông tin cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện có sai lệch. Và công bố mức lệ phí cho một lần đổi giấy phép lái xe là 135.000 đồng.

Dư luận xã hội, đại đa số không đồng tình với đề xuất vừa kể của Bộ Công an, và cho rằng, có cần thiết phải đổi bằng lái xe cấp trước năm 2012 hay không? Tại sao hệ thống sai, lại bắt dân phải lãnh? Và vì sao nhà nước cứ đẩy những khó khăn về phía dân?

Trong khi đó, giới chuyên gia thấy rằng, không cần thiết phải đổi bằng lái. Về mặt kỹ thuật, dữ liệu dân cư Bộ Công an đã có rồi, tàng thư lưu trữ cũng có rồi, cứ việc nhập dữ liệu vào là xong. Đây là về mặt kỹ thuật, người dân đâu thể “chạy” theo Bộ Công an.

Đồng thời, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách làm ăn của ngành công an. Nay vẽ cái này, mai vẽ cái khác để kiếm tiền chia nhau, gây tốn kém cho người dân và xã hội. Nếu Bộ Công an cần làm thì phải làm miễn phí cho người dân.

Đáng chú ý, có nhiều ý kiến phân tích và so sánh chỉ rõ, mỗi người chỉ bỏ ra 135 ngàn, nhưng tổng số 22 triệu bằng lái cấp mới là con số rất lớn. Cụ thể, làm phép tính nhân sẽ thấy kết quả là 2.970 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí cũng còn lại ước chừng 2.500 tỷ. Đó là một nguồn lợi nhuận khổng lồ mà Bộ Công an có thể chia nhau.

Theo nhà báo Vũ Thịnh, từ quận 2 Sài Gòn nói với thoibao.de, “Đổi 22 triệu giấy phép lái xe là do nhu cầu của nhà nước, chứ đâu phải của dân. Thế nên, nhà nước phải chịu mọi chi phí và không thể bắt dân bỏ công việc để đi làm thủ tục, mà phải gửi đến tận nhà đổi cho dân. Tôi nghĩ, đó là tư duy về nhà nước do dân và vì dân”.

Ngoài ra, trên mạng xã hội còn rất nhiều ý kiến bức xúc và mỉa mai, như: “Giờ mới hiểu ý nghĩa thật sự của 2 chữ Đồng Bào – Đồng Bào nghĩa là bào đến từng đồng của dân”;

Hay như: “Dễ kiếm tiền thế thảo lào cứ nghĩ ra mấy cái đề xuất để bào người dân. Hết bắt đổi giấy phép lái xe máy bằng bìa cứng sang thẻ nhựa cứng, lắp camera giám sát trên ô tô cá nhân, giờ đến đề xuất khám sức khỏe định kỳ của người lái xe máy. Đề xuất lào cũng thu về cả đống tiền của dân thì dại gì không đề xuất”.

Ngoài ra, còn có các ý kiến chỉ trích trực tiếp Bộ Công an cũng như Bộ trưởng Tô lâm, khi cho rằng, “Thời Pháp bọn nó ác thế mà một cổ chỉ có 2 tròng, thời này luôn hô hào là thiên đàng, là nhân văn, mà một cổ có đến cả nghìn tròng. Bộ Công an dưới thời Tô Lâm, liên tiếp đề xuất các chính sách móc túi dân, cứ 10 chính sách thì hết 9 chính sách đi ngược lòng dân và để hành dân. Đúng là bọn đầy tớ phản chủ”.

Lâu nay, Bộ Công an ra rất nhiều chủ trương “móc túi dân”, như đổi biển số xe, đổi Giấy Chứng minh – Căn cước Công dân, thay đổi thông tin cá nhân trên hộ chiếu, nay là Giấy phép lái xe v.v… đã gây quá nhiều phiền hà tốn kém cho người dân và ngân sách quốc gia.

Trong một bộ máy nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân, những điều này chắc chắn sẽ không xảy ra. Dân không phải chịu những tốn kém về thời gian, về tiền bạc, không đáng có./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023