Vì sao Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng bị bắt?

Một thông tin nóng bỏng và thu hút sự quan tâm của dư luận trong ngày 15/11, đó là, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội – ông Lưu Bình Nhưỡng – đã bị khởi tố, bị bắt tạm giam, với cáo buộc về tội danh “cưỡng đoạt tài sản”, theo Khoản 4, Điều 170, Bộ luật Hình sự.

Báo VnExpress ngày 15/11, với tựa đề “Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt”, cho biết: “Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bị cáo buộc vai trò đồng phạm của nhóm giang hồ cưỡng đoạt tiền của nhiều doanh nghiệp khai thác cát.”

Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng, 60 tuổi, khi ông vừa xuống sân bay Nội Bài tối 14/11, về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” theo Khoản 4, Điều 170, Bộ luật Hình sự.

Lực lượng chức năng cũng thực hiện công tác khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Nhưỡng ngay sau đó, kéo dài trong nhiều giờ; thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật.”

Theo Công an tỉnh Thái Bình, đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường, sinh năm 1986 (thường gọi là Cường “quắt”, là đối tượng hình sự, có 3 tiền án), trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình về tội cưỡng đoạt tài sản. Từ năm 2020 đến 2022, nhóm của Cường đã chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

Được biết, ông Lưu Bình Nhưỡng là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 (2016 – 2021) thuộc tỉnh Bến Tre, và là Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ông Nhưỡng cũng từng là Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội; từng là cán bộ tham mưu cho Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương. Hiện nay, ông Nhưỡng là Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mới nhất, ngày 27/9, ông Nhưỡng có cuộc gặp với gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng tại Văn phòng Quốc hội.

Việc cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng bị bắt không nằm ngoài dự báo của giới quan sát, nhất là khi, trước kỳ bầu cử Quốc hội khóa 15, ông Nhưỡng không được giới thiệu tái cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 (nhiệm kỳ 2021 – 2026), với lý do “quá tuổi”. Mặc dù năm đó, ông Lưu Bình Nhưỡng mới 58 tuổi, còn ít hơn ông Nguyễn Phú Trọng 19 tuổi.

Ông Lưu Bình Nhưỡng là một Đại biểu Quốc hội “vì dân”, được cử tri yêu mến và ủng hộ, có những phát biểu được đánh giá là “nói thẳng, nói thật” vào những vấn đề nóng mà dư luận xã hội quan tâm. Nhưng ông Nhưỡng cũng là cái gai trong mắt các thế lực nắm quyền trong Đảng. Bởi những phát biểu thẳng thắn của ông đã làm cho nhiều kẻ phải nóng mặt.

Tháng 10/2018, ông Nhưỡng gây chú ý dư luận, khi chỉ đích danh những sai phạm của Cơ quan điều tra Bộ Công an, mà ông cho là “rất khủng khiếp”.

Nguyên văn lời ông Nhưỡng khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là:

“Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng và tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong việc này.”

Sau phát ngôn kể trên của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Bộ Công an đã cải chính, và cho rằng, phát biểu của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng “gây dư luận không tốt”.

Nghiêm trọng hơn, sáng 26/3/2021, trong buổi thảo luận về các báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói rằng: “Không được biến Quốc hội thành “phòng kín” để chia chác quyền lực”.

Cụ thể, theo báo Thanh niên, “bàn giao” những tâm tư đến Quốc hội khóa sau, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Quốc hội phải “cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực bằng thể chế”. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói:  “Quốc hội cần công bằng trong phân bổ nguồn lực và trao quyền lực, kiểm soát quyền lực, không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân, đặc biệt, không được biến Quốc hội thành căn phòng kín, để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực, chia chác nguồn lực của đất nước.”

V.v.. và v.v..

Phản ứng chung của dư luận xã hội cho rằng, tiếc cho cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, vì trong xã hội Việt Nam hiện nay, không có chỗ đứng cho những người có tâm với đất nước, dám nói thẳng nói thật.

Khi mà triết lý của những kẻ nắm quyền lực hiện nay, một cây thẳng họ cũng muốn bẻ cong, nếu không được thì họ sẽ bẻ gãy. Những ai không chấp nhận bị nắn cong theo ý chí của những kẻ nắm giữ quyền lực, thì sẽ bị loại trừ.

Việt Nam là một quốc gia kỳ lạ, đến cả Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam mà cũng không được phép nói thẳng những điều họ suy nghĩ, thì thử hỏi, số phận của dân chúng sẽ ra sao?

Vậy có nên để tồn tại Quốc hội này nữa hay không?./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023