Quốc hội thông qua Luật Căn cước, nhóm lợi ích của Bộ Công an có hết cửa kiếm chác?

Truyền thông nhà nước đưa tin, sáng ngày 27/11, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Căn cước, với số phiếu tán thành 431/468 đại biêu, chiếm tỷ lệ 87,25% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước gồm 7 chương và 46 điều.

Theo đó, Luật Căn cước mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đến thời điểm đó, “Thẻ Căn cước Công dân” được đổi thành “Thẻ Căn cước”. Đáng chú ý, một điểm tiến bộ cần ghi nhận, Luật Căn cước cho phép người gốc Việt “chưa xác định được quốc tịch”, sẽ được cấp Thẻ Căn cước.

Theo ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An Ninh, cho rằng: “việc đổi tên “Thẻ Căn cước Công dân” thành “Thẻ Căn cước”, phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số; giúp cho công tác quản lý nhà nước khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ.”

Còn đại diện của Bộ Công an giải thích, việc đổi tên nhằm mục đích “phù hợp với tên gọi của các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân trên thế giới”.

Công luận thấy rằng, việc Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước, đã làm cho một số đông dân chúng thở phào nhẹ nhõm. Bởi lâu nay, dư luận xã hội đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách làm ăn của ngành công an, nay vẽ cái này, mai vẽ cái khác để kiếm tiền chia nhau, gây tốn kém cho người dân và xã hội.

Cụ thể, Bộ Công an ra rất nhiều các chủ trương được cho là “móc túi dân” để trục lợi, như: đổi biển số xe, đổi giấy tờ tùy thân… Đó là chưa kể, mới đây, Bộ Công an lại có đề xuất, những giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012, phải đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định. v.v… và v.v…

Đây là mẫu “thẻ căn cước” thứ 6 mà người dân Việt Nam đã phải thay đi, đổi lại trong vòng 10 năm qua. Điều đáng nói, chỉ mới tháng 3/2023, sau vụ bắt buộc người dân phải đổi sang “Thẻ Căn cước Công dân” gắn chip ít lâu, Bộ Công an lại bắt người dân đổi sang loại “Thẻ Căn cước Công dân” gắn chip “sửa đổi”, mà theo họ có “tính ưu việt” hơn.

Truyền thông nhà nước tiết lộ, đến nay đã có gần 80 triệu “Thẻ Căn cước Công dân” gắn chip, được Bộ Công an cấp cho người dân. Giới chuyên gia tính toán, việc mua phôi thẻ nhựa để in các loại giấy tờ như Căn cước, Giấy phép Lái xe… chỉ cần chênh lệch trên giá mua 1.000 đồng/thẻ, thì Bộ Công an đã được hưởng chênh lệch tới 80 tỷ đồng, rồi cứ thế mà nhân lên vài lần với đủ các loại giấy tờ khác.

Điều này có liên quan gì đến thông tin đăng trên Fanpage của đảng Việt Tân, theo đó, tác giả Hạnh Nhân đưa tin:

“Một nguồn tin cho biết, bên làm phần mềm với cấp phôi nhựa là cháu của người đứng đầu Bộ Công an, mấy năm gần đây năm nào tiền thuế của dân cũng rót vào 3.000 tỷ. Đây cũng một phần là do người đứng đầu Đảng Cộng sản cần một cái máy chém, nên mới chấp nhận cho nhiều quyền tới vậy. Cho đến hiện tại, người đốt lò cũng chỉ hi vọng người kế tiếp cản lại được cơn bành trướng này.”

Thoibao.de chưa có điều kiện để kiểm chứng thông tin này.

Công luận thấy rằng, lâu nay, Bộ Công an cứ cho đổi đi đổi lại xoành xoạch các mẫu giấy tờ cá nhân. Lợi đâu chưa thấy, chỉ thấy người dân bị hành chạy ngược chạy xuôi với các thủ tục hành chính nhiêu khê.

Đến nay, sau khi Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước, thì cũng chẳng ai dám chắc rằng, nhóm lợi ích của Bộ Công an sẽ hết cửa kiếm chác.

Xin nhắc lại, lâu nay, trên mạng xã hội đã có những ý kiến chỉ trích trực tiếp Bộ Công an, cũng như Bộ trưởng Tô lâm, khi cho rằng:

“Thời Pháp bọn nó ác thế mà một cổ chỉ có 2 tròng, thời này luôn hô hào là thiên đàng, là nhân văn, mà một cổ có đến cả nghìn tròng. Bộ Công an dưới thời Tô Lâm, liên tiếp đề xuất các chính sách móc túi dân, cứ 10 chính sách thì hết 9 chính sách đi ngược lòng dân và để hành dân. Trong vòng mười năm, sáu lần đổi mẫu giấy tờ tùy thân. Đúng là bọn đầy tớ phản chủ.”

Được biết, ở miền Nam Việt Nam trước 1975, dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, người dân đã sử dụng “Thẻ Căn cước” trong cuộc sống và sinh hoạt. Vậy mà, gần 50 năm sau, các “đỉnh cao trí tuệ” lại đưa cả nước đi lòng vòng, từ “Chứng minh Nhân dân” đến “Căn cước Công dân”… cuối cùng lại đổi thành… “Thẻ Căn cước”.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, cựu Thư ký tòa soạn báo Thanh Niên mỉa rằng: “Một bước ngoặt lịch sử, một công cuộc cách mạng vĩ đại phải kéo dài qua gần nửa thế kỷ mới hoàn thành: Thẻ Căn cước đã trở lại với Thẻ Căn cước.”./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023