Tháo chạy: VinFast “trảm tướng” và đầu tư vào Ấn Độ

Ngày 7/1, BBC Tiếng Việt có bài bình luận về việc thay đổi nhân sự tại VinFast, với tựa đề “VinFast thay tướng và đầu tư vào Ấn Độ”.

Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng và bà Lê Thị Thu Thuỷ sẽ hoán đổi vai trò cho nhau trong VinFast.

Chuyển biến nhân sự này, theo VinFast, đánh dấu việc “Công ty bước sang giai đoạn phát triển mới”.

BBC cho biết, ông Vượng trở thành Tổng Giám đốc thứ 4 của VinFast. Các CEO trước đó, gồm: ông James Deluca – cựu Phó Chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu General Motors; ông Michael Lohscheller – cựu Phó Chủ tịch Volkswagen Mỹ và Tổng Giám đốc Opel toàn cầu; và bà Lê Thị Thu Thủy.

Theo BBC, VinFast cũng vừa công bố tham vọng thâm nhập vào Ấn Độ, thị trường xe lớn thứ 3 thế giới.

Hôm thứ Bảy (ngày 6/1), VinFast đã ký thỏa thuận thiết lập một cơ sở sản xuất xe điện đầu tiên ở Ấn Độ, nằm tại bang Tamil Nadu ở miền nam, với tổng đầu tư có thể lên đến 2 tỷ USD. Trong đó có cam kết đầu tư 500 triệu USD trong 5 năm đầu tiên.

Theo thông cáo, việc xây dựng nhà máy sản xuất pin và xe điện của VinFast tại Ấn Độ sẽ bắt đầu vào năm 2024, và sẽ tạo ra từ 3.000 đến 3.500 việc làm tại bang này.

Vẫn theo BBC, thủ phủ Chennai của bang Tamil Nadu, còn được gọi là “Detroit của châu Á”, và một số quận khác của bang này có trụ sở của một số công ty sản xuất xe điện, bao gồm hai hãng sản xuất xe máy của Ấn Độ là Ola Electric và Ather, và Tập đoàn BYD của Trung Quốc.

BBC dẫn thông báo của VinFast cho biết, dự án tại bang Tamil Nadu được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm sản xuất xe điện hiện đại trong khu vực, với năng suất hàng năm lên đến 150.000 xe, so với 250.000 xe tại nhà máy sản xuất chính ở Việt Nam. Thông cáo không nêu cụ thể sản lượng sản xuất pin xe điện dự kiến tại nhà máy này.

VinFast được cho là đang đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng pin cho xe điện, với một Công ty con của VinGroup khác là VinES, để sản xuất pin lithium công nghệ cao.

BBC cho hay, tháng 6/2023, ông Vượng – Chủ tịch VinGroup – đã quyết định thành lập Công ty Di chuyển Xanh và Thông minh GSM, với hai mảng chính là taxi điện và cho thuê ô tô, với tham vọng, ngoài thống lĩnh thị trường taxi Việt Nam, thì còn phát triển ra nhiều nước láng giềng.

Nhưng sau khi khai trương tại Lào vào đầu tháng 11/2023, thì GSM đã bị Campuchia từ chối, khi vào ngày 13/12/2023, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã không phê duyệt dự án xe taxi điện của VinFast tại quốc gia này, theo thông cáo chính thức từ Chính phủ Hoàng gia Campuchia.

BBC cũng cho biết, VinFast đặt chân vào thị trường xe điện toàn cầu trong bối cảnh có nhiều áp lực về giá bán. Các tập đoàn hàng đầu, bao gồm Tesla của tỷ phú Elon Musk, và BYD được tỷ phú Warren Buffett hậu thuẫn, đã phải giảm giá để tăng doanh số bán hàng.

BBC dẫn báo cáo tài chính của VinFast, theo đó, tới thời điểm kết thúc quý 3/2023, vào ngày 30/9, VinFast lỗ ròng 623 triệu USD.

Hồi tháng 6/2023, ông Vượng tuyên bố, kỳ vọng VinFast sẽ đạt điểm hòa vốn vào trước thời điểm cuối năm 2024. Nhưng có vẻ mục tiêu này khá xa vời, khi mà xe của VinFast không được thị trường ưa chuộng, do có quá nhiều lỗi kỹ thuật.

BBC cho biết thêm, ông Vượng đã kinh doanh ở Ukraine vào đầu thập niên 1990, sau khi học kỹ thuật ở Nga. Ông thành công với doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền tại Ukraine. Ông Vượng trở về Việt Nam vào năm 2002 và thành lập Tập đoàn VinGroup, kinh doanh bất động sản, khu nghỉ dưỡng, trường học, bệnh viện, trung tâm mua sắm và gần đây là xe điện.

BBC dẫn bảng xếp hạng của Forbes, tính đến ngày 6/1/2024, ông Vượng có tài sản ròng trị giá 4,6 tỷ USD, xếp thứ 633 trong danh sách người giàu nhất thế giới.

Ý Nhi – thoibao.de

7.1.2024